BĐS công nghiệp tại hai miền Nam – Bắc “ngược sóng”
Savills Việt Nam đã chỉ ra tình hình thị trường BĐS công nghiệp tại hai miền Nam – Bắc, có sự khác nhau.
Tại Miền Bắc đang thu hút nhiều vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, tập trung vào nhóm ngành thiết bị điện tử. Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành sản xuất khu vực phía Bắc nhận được nhiều vốn FDI đăng ký mới nhất cả nước, đạt 3,99 tỷ USD và chiếm 72,92%.
Trong đó, thiết bị điện dẫn đầu các ngành hàng với mức đầu tư chiếm tỷ trọng 18%. Theo sau là máy tính và điện tử với 16%.
Bên cạnh đó, 4 trên 5 dự án đầu tư lớn vào vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Bắc trong 9 tháng đầu năm đều tới từ nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Khu công nghiệp (KCN) Amata Quảng Ninh ghi nhận nguồn vốn hơn 498 triệu USD đến từ nhà đầu tư Jinko Solar cho lĩnh vực thiết bị điện. KCN Quang Châu của Bắc Giang được 2 nhà đầu tư lớn là Foxconn Technology và JA Solar Investment rót vốn lần lượt là hơn 270 triệu USD và hơn 269 triệu USD. Theo sau là BYD Electronics với hơn 269 triệu USD tại KCN Phú Hà, Phú Thọ.
Trong khi đó, tình hình sản xuất ở vùng kinh tế phía Nam cho thấy một bức tranh khác.
So với miền Bắc, các dự án đầu tư tại miền Nam trong 9 tháng đầu năm có quy mô vốn nhỏ hơn, vẫn tập trung chủ yếu ở các ngành sản xuất, chế tạo truyền thống. Nguồn vốn FDI đăng ký mới được phân bổ đồng đều cho các lĩnh vực nhựa và cao su, dệt may, thực phẩm, giấy và may mặc, quanh mức 2-3% mỗi ngành.
Trong số 5 dự án công nghiệp lớn nhất đầu tư vào miền, thực phẩm và đồ uống nhận được tổng vốn đầu tư lớn nhất với KCN Protrade Bình Dương nhận 78 triệu USD từ IDL Coffee Holdings và KCN Becamex Bình Phước nhận trên 36 triệu USD. Theo sau là ngành sản phẩm từ kim loại và giấy với 60 triệu USD cho mỗi ngành tại 2 khu công nghiệp Minh Hưng, Bình Phước và Lộc An-Bình Sơn, Đồng Nai. KCN Thành Công, Tây Ninh nhận 48 triệu USD cho ngành dệt may từ Top Sports Textiles.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận