BĐS công nghiệp miền Bắc “nổi sóng“ nhờ cú hích đầu tư hạ tầng
Đầu năm 2021, hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được phê duyệt chủ trương nhằm “dọn tổ” để đón “đại bàng”, BĐS công nghiệp một lần nữa nổi sóng bất chấp dịch Covid-19.
Theo JLL Việt Nam, quỹ đất công nghiệp miền Bắc hiện đủ để đáp ứng làn sóng đầu tư sắp tới. Dự kiến, nguồn cung đất ở miền Bắc sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố kế hoạch mở rộng, mở mới hàng loạt dự án hạ tầng khu công nghiệp tại miền Bắc với số vốn đầu tư đăng ký lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Cụ thể, tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Việt Hàn, do Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long thực hiện tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với quy mô sử dụng đất là 50ha (giai đoạn 1) và thời gian hoạt động 50 năm.
Dựa trên đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận việc bổ sung 3 Khu công nghiệp và mở rộng 3 Khu công nghiệp tại tỉnh này.
Tương tự, tỉnh Nam Định cũng vừa được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thuận.
Còn tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (Khu vực II – giai đoạn 1).
Tại Hưng Yên, đầu tháng 2/2021, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã công bố sẽ góp 1.080 tỷ đồng thành lập CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên để thực hiện quần thể Công nghiệp - Đô thị lớn tại Hưng Yên. Dự án được kỳ vọng sẽ đem đến làn gió mới, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Tại Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình, huyện Gia Bình. Dự án có tổng nguồn vốn 2.578,246 tỷ đồng với quy mô 306,69ha. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gia Bình II. Dự án này do HANAKA Group đầu tư với tổng vốn hơn 3.900 tỷ đồng với quy mô 250ha tại các xã Nhân Thắng, Bình Dương, Thái Bảo và Vạn Ninh, huyện Gia Bình.
Các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng tìm kiếm, dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ASEAN (“Chiến dịch China+1”) để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó Việt Nam được xem là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư trong khu vực cũng như toàn cầu, nhờ nhiều lợi thế như có nền kinh tế với độ mở lớn với một loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết như như CPTPP, EVFTA,…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trong quý IV và cả năm 2020, bất động sản khu công nghiệp là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Tại quý IV năm 2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các Khu công nghiệp 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại 4 tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) đạt 87,0%.
Hoạt động của kho và nhà xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020; giá chào cho thuê nhà xưởng tại các Khu công nghiệp trung bình khoảng 60.000 – 80.000 đồng/m2/tháng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ trương phát triển các Khu công nghiệp là đúng đắn, phù hợp, góp phần đáng kể cho sự phát triển công nghiệp nói riêng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung, tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội đầu tư hiệu quả.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, các hoạt động này cần được triển khai hiệu quả, đồng bộ, hướng tới sự phát triển bền vững, theo tiêu chí xanh, tránh việc đầu tư một cách tràn lan, quá đà dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp bỏ hoang, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực như trước đây. Theo đó, các khu công nghiệp mới cần được xây dựng với đầy đủ từ hạ tầng giao thông, kho bãi logistics, hạ tầng điện, nước… đến nhà ở cho công nhân, các công trình công cộng xung quanh.
Mặt khác, để có thể thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào các địa phương, nhiều chuyên gia nhìn nhận, chính quyền địa phương cần có các giải pháp đồng bộ trong dài hạn, cụ thể như cải thiện môi trường thể chế, chính sách; định hướng rõ ý tưởng phát triển trong thu hút đầu tư FDI của địa phương; cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, liên kết vùng; cập nhật bổ sung quy hoạch đầu tư khu công nghiệp tập trung; nâng cao chất lượng nhân lực của địa phương.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận