Bẫy lừa lòng tham
Bác tôi ở quê nhận được cuộc gọi thông báo trúng thưởng. Người gọi cho biết, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập, họ tri ân những khách hàng thân thiết. Bác nằm trong danh sách bốc thăm trúng thưởng và may mắn trúng... cả một chiếc xe máy.
Để lĩnh thưởng họ yêu cầu mua hàng ủng hộ chương trình và nạp phí nhận thưởng. Mặc dù có cháu làm điều tra viên và thường được các con nhắc nhở về việc bị lừa đảo, bác vẫn mất gần hai triệu đồng cho "món quà từ trên trời, không bao giờ rơi xuống".
Bác tôi chỉ mất hai triệu, vẫn là ít. Có những người mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng.
Sau dịch Covid-19, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng mạnh. Năm 2023, số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý là 4.290, tăng 61,5% so với 2022.
Lừa đảo xuất hiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ tội phạm có quy mô, tổ chức cho đến tội phạm trên không gian mạng, từ cổ phiếu, trái phiếu cho đến thuốc, hàng hóa. Thậm chí tín ngưỡng cũng trở thành công cụ để tội phạm sử dụng chiếm đoạt tài sản của người dân.
Năm 2022, Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với hai loại hình chính là lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính. Trong đó 72,6% là giả mạo thương hiệu, 11,4% chiếm đoạt tài sản online và 16% còn lại là các hình thức như làm việc online, lừa đảo tình cảm, app cho vay. Ngoài ra, chúng còn mạo danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản.
Bạn bè, người quen thường nhờ tôi tư vấn để lấy lại tài sản bị chiếm đoạt, ít thì vài chục triệu, nhiều lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng việc thu hồi tài sản là rất khó khăn, nên trước khi hướng dẫn thu thập chứng cứ và làm đơn trình báo, tôi chỉ biết cách khuyên họ chấp nhận số tiền đã mất để tư tưởng được thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước đây, tôi từng làm việc với hai can phạm lừa đảo. Chúng khai ra một kế hoạch được xây dựng rất công phu, tỉ mỉ sau hàng năm trời. Thậm chí, chúng còn "diễn tập trước" cho các tình huống sơ hở, để khi con mồi tỏ ý nghi ngờ, chúng sẽ đưa ra những lời giải thích lọt tai với từng trường hợp.
Tôi nghĩ, với sự che chắn kín kẽ như vậy, một khi lỡ dính vào bẫy, người bị hại hầu như không có cơ hội thoát.
Vụ án đó kéo dài hơn ba năm, số tiền thu hồi được là rất nhỏ, như muối bỏ biển.
So với tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm lừa đảo rất tinh vi và có đầu óc. Cơ quan điều tra thường tốn nhiều công sức trong việc đấu tranh làm rõ ý thức chiếm đoạt - vốn là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm này. Đây là tội phạm "ẩn", thường sử dụng công nghệ cao, thời gian gây án ngắn, xóa dấu vết rất nhanh, còn nguồn tiền được chuyển lòng vòng nên rất khó để thu hồi tài sản cho nạn nhân.
Việc ngăn chặn tội phạm lừa đảo gần như mới dừng lại ở các phương án rất truyền thống và cũng không dễ thực thi.
Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ nhưng, nơi này nơi nọ, không đi kèm với các biện pháp đảm bảo an ninh mạng nhằm bảo vệ dữ liệu khổng lồ của người dân lẫn gần một triệu doanh nghiệp. Tình trạng sim rác và các website lừa đảo mọc ra như nấm là những ví dụ điển hình. Giải quyết dứt điểm sim rác; chặn hoặc cảnh báo rộng rãi các website lừa đảo, các số điện thoại có dấu hiệu bất minh là những biện pháp cần tiến hành ngay và thường xuyên để góp phần thu hẹp không gian hoạt động của những kẻ lừa đảo.
Theo khảo sát của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tại 135 tổ chức, doanh nghiệp thì 76% chưa có đủ nhân lực, 68% chưa dành đủ kinh phí đầu tư để đảm bảo an toàn thông tin. Tôi cho rằng đây là một lỗ hổng lớn mà các doanh nghiệp dù tốn kém, vẫn phải đầu tư vào vấn đề an ninh mạng để tránh những thiệt hại thậm chí còn lớn hơn nhiều lần.
Như tôi đã chia sẻ, chờ được vạ thì má đã sưng, việc thu hồi khoản tiền bị lừa đảo là rất khó khăn, nếu không nói là gần như vô vọng với các vụ án nhỏ lẻ. Do đó, người dân cần tự bảo vệ mình trước khi trông chờ vào cơ quan hữu trách, bằng cách: bảo mật thông tin cá nhân, trao đổi với những người hiểu biết hơn về các hành vi lừa đảo và dành thời gian thích hợp để xem xét các cảnh báo của nhà chức trách.
Làm giàu là nhu cầu chính đáng. Nhưng những người trông chờ vào các cơ hội kiếm tiền nhanh chóng sẽ rất dễ bị đối tượng lừa đảo khai thác, dẫn dụ. Vì vậy, biết "đủ", và luôn giữ tâm lý cảnh giác là cách tốt nhất để không rơi vào bẫy "thao túng" của kẻ gian. Điều này nói ra nghe rất đơn giản, nhưng hàng triệu người vẫn bị lòng tham làm cho mờ mắt. Sau sự việc của bác tôi, tôi phải dặn người thân: các hình thức lừa đảo thay đổi liên tục, không cách nào liệt kê hết để cảnh báo trước. Nhưng các chú, các em chỉ cần nhớ rằng: không ai cho không ai cái gì cả, và không có chuyện "việc nhẹ lương cao" nên mọi lời mời chào có "mùi vị ngọt ngào" đều đáng bị nghi ngờ.
Tháng trước, tôi được sư quản chúng một ngôi chùa ở TP HCM cho biết nhà chùa bị kẻ mạo danh tổ chức khóa tu gieo duyên. Chúng đề nghị người đăng ký truy cập vào đường link và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để giữ chỗ. Số tiền nộp vào không nhiều nhưng người đăng ký có nguy cơ mất toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Trước sự cảnh giác của người dân, đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng sang các cơ sở tôn giáo. Chúng cho rằng nhà tu hành lẫn phật tử vốn hiền lành, tin sâu nhân quả nên khi bị lừa đảo sẽ chấp nhận thay vì tố cáo.
Trong khi tôi chỉ vừa dặn người thân cảnh giác với bẫy tiền, thì kẻ lừa đảo đã chuyển sang tấn công vào niềm tin, tín ngưỡng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận