Bẫy lừa đảo "việc làm online" nở rộ: "Tết ấm no" hay thêm lo?
Đánh trúng tâm lý tìm việc làm thêm dịp tết, các đối tượng lừa đảo đã đưa ra chiêu quảng cáo công việc nhẹ nhàng, lương cao, hấp dẫn… để "bẫy" người lao động.
Tìm người đánh máy, bình luận sản phẩm, làm cộng tác viên tại nhà,... là một trong những công việc thường thấy trên các hội nhóm tuyển dụng, đặc biệt là trong dịp cận tết. Đánh trúng tâm lý tìm việc làm thêm để "có cái tết ấm no", các đối tượng lừa đảo đã đưa ra chiêu quảng cáo công việc nhẹ nhàng, lương cao, hấp dẫn… để “bẫy” người lao động.
Tiền mất tật mang
Từ nhiều ngày nay, trên các nhóm tìm việc online, tìm việc làm thêm Hà Nội, cộng tác viên chốt đơn làm việc online…, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm mùa tết liên tục được đăng tải như: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… Mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên…
Đáng chú ý, chiêu thức được các đối tượng đưa ra quảng cáo đều là những lời mời “có cánh”, hấp dẫn giới trẻ như: “Tuyển cộng tác viên tại nhà, làm việc qua ứng dụng TikTok”; “Xem video - like - thả tim, hoa hồng đến vài trăm nghìn đồng/ngày”; “Tuyển người “cày” view TikTok, xem và chụp ảnh, cứ 1 ảnh nhận 10.000 đồng”; “Cắt mác quần áo, dán bao lì xì, hộp quà tặng… lương 7 - 10 triệu đồng/tháng”… Ẩn sau các chiêu trò, các đối tượng lừa đảo dụ dỗ người lao động để chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo hướng dẫn người tham gia làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng.
Kịch bản thường gặp với chiêu trò lừa đảo này là kẻ xấu tiếp cận nạn nhân, giới thiệu công việc online theo đó nạn nhân chỉ cần bỏ một số tiền để “thực hiện nhiệm vụ”, sau đó sẽ được trả cả gốc và thêm lãi.
Ban đầu, các nhiệm vụ có thể đơn giản như tạo tài khoản trên một trang thương mại điện tử sau đó đặt đồ vào giỏ hàng, mua một món hàng giá trị thấp hoặc chuyển vài trăm nghìn đồng đến một tài khoản ngân hàng. Kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng trả lại khoản tiền cộng thêm “hoa hồng” để tạo niềm tin.
Nhưng không lâu sau đó sẽ là các yêu cầu với số tiền lớn hơn, chẳng hạn như chuyển hàng triệu hoặc chục triệu đồng. Lấy cớ “cộng tác viên” chậm thực hiện nhiệm vụ, do đó không đạt yêu cầu, kẻ xấu sẽ giữ số tiền này và tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn hơn để được lấy toàn bộ tiền về.
Vòng lặp tiếp tục đến khi nạn nhân phát hiện mình bị lừa hoặc không còn khả năng chi trả. Khi đó kẻ xấu sẽ chặn toàn bộ liên lạc và biến mất. Kênh liên lạc thường là nền tảng gửi tin nhắn Telegram, có thể tự động xóa lịch sử và khó truy vết tài khoản.
Theo trang web Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, năm 2022 Trung tâm đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó phần lớn là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và “việc làm online” là một trong những hình thức lừa đảo chính.
Không thể có “việc nhẹ, lương cao”
Liên quan đến vấn nạn lừa đảo "việc nhẹ, lương cao", "cộng tác viên online"... khiến nhiều người sập bẫy dịp cận Tết, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cuối năm nhu cầu tuyển dụng lao động ngắn hạn tăng, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ như học sinh, sinh viên. Đánh vào lòng tham của con người "việc nhẹ lương cao", sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, xảy ra tình trạng lừa đảo thông qua tư vấn giới thiệu việc làm online.
Theo ông Thành, các kênh giới thiệu việc làm qua mạng rất đa dạng, người tìm việc không lường hết được hoạt động tinh vi của các đối tượng lừa đảo, nhiều bạn trẻ tìm hiểu không kỹ lưỡng, ham lợi nhuận cao ban đầu rất dễ mắc bẫy.
“Thông thường, các thông tin tuyển dụng lừa đảo không thông tin rõ ràng về địa chỉ nơi tuyển dụng mà chỉ có số điện thoại hoặc liên hệ qua mạng xã hội. Hầu hết các thông tin tuyển dụng trên mạng phải đóng tiền hoặc yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động đều là lừa đảo. Ngồi một chỗ kiếm “việc nhẹ, lương cao” không bao giờ có. Người lao động cần cảnh giác, đặc biệt vào thời điểm gần tết”, ông Thành nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thuộc Cục An toàn Thông tin (ATTT) cũng khuyến cáo người dùng mạng cảnh giác trước các đối tượng tự nhận là làm việc cho các trang “thương mại điện tử”, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng.
Đại diện Cục ATTT nhấn mạnh rằng rất khó để lấy lại được tiền khi bị lừa đảo trực tuyến, do đó quan trọng nhất là người dùng mạng cần cảnh giác.
“Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nick ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Vì chỉ trao đổi với nhau qua mạng với nạn nhân, nên các thông tin liên hệ cũng như nhân thân về các đối tượng này rất mơ hồ, không xác thực”, Cục ATTT cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận