menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Anh Thơ

“Bẫy” lãi suất thấp ngày càng hiện hữu

Lãi suất VND duy trì ở mức thấp như thời gian qua không chỉ kích hoạt bong bóng tài sản, dẫn tới dòng tiền chạy ra khỏi ngân hàng, mà còn khiến tỷ giá nổi sóng, mục tiêu lãi suất thấp để kích cầu tín dụng cũng không hiệu quả.

Chênh lệch lãi suất âm - mối nguy của tỷ giá và hành động của nhà điều hành

Tuần qua, thị trường tiền tệ chứng kiến một số động thái lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, cơ quan này đã tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) từ 4,25% lên 4,5%/năm, lãi suất trúng thầu tăng lên 4,2% từ mức dưới 4% đầu tuần. Ngoài ra, trong phiên giao dịch ngày 23/5, NHNN bơm cho các ngân hàng vay tới gần 43.064 tỷ đồng qua kênh OMO - mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Những động thái của NHNN chưa phải là dấu hiệu của sự đảo chiều chính sách tiền tệ, mà chủ yếu là nhằm nâng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, hy vọng tăng cung USD. Với nỗ lực của NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã tăng đáng kể, lãi suất kỳ hạn qua đêm đang ở mức 5,18%, tăng khá cao so với mức dưới 4% giữa tháng 5/2024.

Dù vậy, lãi suất VND vẫn đang chênh lệch âm so với lãi suất USD. Đây là lý do khiến NHNN bán ra ngoại tệ dự trữ vẫn không ngăn cản được đà tăng của tỷ giá. Giá USD bán ra tại các ngân hàng liên tục tăng kịch trần suốt cả tháng qua.

Năm 2023, đi ngược các nước, Việt Nam liên tiếp giảm lãi suất 4 lần để hỗ trợ tăng trưởng. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế độc lập, lãi suất thấp kỷ lục tại Việt Nam chưa thể kích cầu tín dụng trong khi lại đang gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế.

Rủi ro đầu tiên và rõ rệt nhất là tỷ giá. Sóng tỷ giá đã nổi lên ngay từ đầu năm 2024 và kéo dài đến nay, bất chấp NHNN tung ra nhiều quân bài như: bán ngoại tệ dự trữ, phát hành tín phiếu hút tiền về, tăng nhẹ một số loại lãi suất điều hành.

Tình trạng lãi suất VND thấp hơn lãi suất USD diễn ra từ năm 2023 và kéo dài đến nay, tạo hiện tượng đầu cơ ăn chênh lệch lãi suất (carry trade). Bước sang năm nay, tỷ giá tăng mạnh không chỉ do hiện tượng carry trade, mà còn bởi nhập siêu có nguy cơ trở lại. Xuất siêu trong tháng 4/2024 hầu như không đáng kể, nhập siêu có nguy cơ trở lại khiến áp lực lên tỷ giá thêm nặng nề.

“Năm 2023, dù chênh lệch lãi suất bắt đầu xuất hiện, nhưng tỷ giá chưa quá căng, nguyên nhân là xuất siêu tăng (do tăng trưởng kinh tế chậm), giúp cung ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, năm 2024, khi các hoạt động kinh tế ấm lên, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao, nhập siêu có nguy cơ diễn ra, tỷ giá căng là điều khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh cảnh báo.

Không chỉ gây áp lực với tỷ giá, lãi suất thấp như giai đoạn vừa qua đang khiến tiền gửi tháo chạy ra khỏi ngân hàng. Tăng trưởng tiền gửi dân cư của cả dân cư và doanh nghiệp đầu năm nay lần đầu tiên suy giảm sau hơn 25 tháng liên tiếp tăng trước đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất huy động quá thấp sẽ khiến người dân rời bỏ kênh tiết kiệm, khiến các ngân hàng đối mặt với “bẫy thanh khoản”.

Theo tính toán của Think Future Consultancy, lãi suất điều hành của Thái Lan, Indonesia đang thực dương khoảng 3%, trong khi lãi suất của Việt Nam đang thực âm.

Nâng lãi suất: Một mũi tên trúng nhiều đích

Theo các chuyên gia kinh tế, việc bán ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá chỉ như “gió vào nhà trống”. Dù lãi suất trên thị trường OMO vừa tăng, song mức điều chỉnh còn quá nhẹ, chưa đủ chặn đà tăng của tỷ giá. Một khi nhập siêu quay lại, đà tăng của tỷ giá sẽ rất nhanh.

Nếu VND mất giá nhiều hơn nữa, bong bóng tài sản sẽ quay lại, gây xáo trộn toàn nền kinh tế. Thực tế, tình trạng xếp hàng mua vàng từ đầu năm đến nay là một dấu hiệu cảnh báo của bong bóng tài sản. Nâng lãi suất huy động VND cũng là mũi tên trúng nhiều đích, vừa hãm đà tăng tỷ giá, vừa ngăn chặn tác nhân hình thành bong bóng.

Bên cạnh kích cầu còn phải kích cung.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế: Hỗ trợ tăng trưởng không chỉ bằng kích cầu chính sách tiền tệ, mà còn phải kích thích tài khóa, bên cạnh kích cầu còn phải kích cung. Cụ thể, phải có chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp nội địa - đặc biệt là các “sếu đầu đàn”, phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ xúc tiến thương mại… Chỉ riêng chính sách lãi suất không thể giúp ích cho doanh nghiệp.

“Trước đây, tôi ủng hộ việc giữ mặt bằng lãi suất thấp, vì lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy, lãi suất phải linh hoạt tùy từng giai đoạn. Trong bối cảnh hiện nay, duy trì mặt bằng lãi suất quá thấp không những không thể kích thích tăng trưởng (do cầu trong nước và quốc tế thấp), mà còn gây ra rủi ro lớn cho tỷ giá và cả nền kinh tế”, một chuyên gia phân tích độc lập nhận định.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chần chừ giảm lãi suất, một số nước vẫn tiếp tục tăng lãi suất điều hành (Indonesia tăng lãi suất điều hành thêm 0,25% trong tháng 4/2024), thì Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn với lãi suất.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, trong bối cảnh hiện nay, việc NHNN tiếp tục tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu chỉ còn là vấn đề thời gian. Xu hướng gần như chắc chắn là xuất siêu sẽ giảm, thậm chí nhập siêu quay lại, độ “căng” của USD sẽ là yếu tố quyết định tới mức độ tăng lãi suất của nhà điều hành.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng lãi suất OMO hay lãi suất tín phiếu sẽ không tác động nhiều đến mặt bằng lãi vay của các doanh nghiệp, vì lãi suất huy động trên thị trường 1 đã giảm sâu thời gian qua.

“Lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm vì giá vốn của các ngân hàng thời gian qua đã hạ nhiệt đáng kể”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Tất nhiên, để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài bắt buộc các ngân hàng thương mại công khai lãi vay, NHNN, người dân và các cơ quan truyền thông cũng cần vào cuộc giám sát, phản biện để có được mặt bằng lãi suất hài hòa lợi ích các bên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả