“Bẫy” giăng muôn nẻo
Liên tục các vụ lùm xùm tố cáo việc bảo hiểm nhân thọ “bẫy” khách hàng, đặc biệt là sự việc trở nên “bùng phát” khi bảo hiểm và ngân hàng liên kết – bancassurance. Từ đây góc khuất về bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng lộ ra khi hàng nghìn nạn nhân lên tiếng tố cáo. Cơ quan chức năng vào cuộc: Thanh tra, chấn chỉnh, xây dựng lại quy chế hoạt động…
Các chuyên gia cho rằng đây sẽ là dịp để thanh lọc, để “xốc” lại thị trường bảo hiểm vốn đang bị biến tướng do một số “con sâu làm rầu nồi canh”.
Cú bắt tay nhiều biến tướng và hệ lụy
Chị T.H, một khách hàng cho biết mua bảo hiểm của Prudential qua ngân hàng VIB từ năm 2018. Lúc đó, chị được tư vấn viên mời gọi tham gia gửi tiết kiệm tích lũy đầu tư, hình thức như nuôi lợn đất, với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm, sau 6 năm sẽ được rút toàn bộ cả gốc lẫn lãi. Nghe bùi tai, chị đồng ý tham gia gói 25 triệu mỗi năm.
“Đến giờ, tôi đã đóng hết 125 triệu đồng/6 năm nhưng nếu rút tiền bây giờ, tổng số tiền tôi nhận được chỉ là 81 triệu đồng, mất tới 44 triệu đồng tiền phí. Nếu đúng thời hạn phải 2 năm nữa tôi mới được rút tiền mà không biết có rút được đủ tiền gốc hay không. Tuy nhiên, điều tôi bức xúc đó là bị tư vấn “gài bẫy” bằng cái gọi là gửi tiết kiệm tích lũy đầu tư. Nếu tôi biết là mua bảo hiểm thì tôi chắc chắn sẽ không tham gia vì nó chưa phù hợp với điều kiện của tôi”, chị T.H bức xúc.
Diễn viên Ngọc Lan livestream trong nước mắt về việc mua bảo hiểm của mình. (ảnh cắt từ clip)
Chị T.H chỉ là một trong hàng nghìn khách hàng bất đắc dĩ của bảo hiểm nhân thọ. Trước đó, nhiều khách hàng đã có đơn tố cáo nhân viên ngân hàng SCB và nhân viên đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam cấu kết “bẫy” khách hàng, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Thế nhưng bị gài bẫy là một nhẽ, có những trường hợp người mua bảo hiểm bị ép buộc một cách trắng trợn, biết là bị ép mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt để “xuống tiền”. Đó là những người đi vay vốn ngân hàng. Do áp lực chỉ tiêu, nhiều nhân viên ngân hàng đã tìm mọi cách ép khách hàng mua bảo hiểm. Chào mời khó thì gài bẫy; gài bẫy chán thì tìm điểm yếu của khách để đánh vào.
“Chỉ những ai đi vay mới hiểu nỗi khổ mang tên "bảo hiểm", ngân hàng dí bảo hiểm khách tới cùng, không mua bảo hiểm thì làm đủ mọi cách trì hoãn việc giải ngân. Nhân viên ngân hàng còn tự đưa một khái niệm gọi là "bảo hiểm khoản vay" (tôi vay thế chấp, có tài sản thế chấp thì cần gì tới thứ gọi là "bảo hiểm khoản vay"), rằng "khi anh/chị gặp vấn đề xui rủi thì đây sẽ là phần bảo hiểm giúp anh/chị thanh toán khoản vay", tôi biết thừa mọi câu chữ mà nhân viên nói nhưng vẫn đành ngậm bồ hòn làm ngọt để nhanh chóng được giải ngân”, khách hàng Hoàng Linh (Hà Nội) bức xúc chia sẻ.
Thế nhưng, đã không có tiền, phải đi vay vốn thì việc mua bảo hiểm chỉ khiến cho chi phí vay vốn đội lên rất cao mà thôi. Đấy là chưa kể, sau khi vay vốn, nếu không có nhu cầu cũng như khả năng tài chính tham gia thêm bảo hiểm, nhiều người đành mua rồi huỷ ngay sau năm đầu để được vay ngân hàng nhanh chóng và số tiền đó coi như mất trắng.
“Tôi là cán bộ ngân hàng, yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm tôi cũng thấy rất khó xử nhưng vì chỉ đạo, vì chỉ tiêu, vì lương (bảo hiểm chiếm tỷ trọng rất cao trong thẻ điểm KPI). Thú thực tôi mong dẹp luôn mấy cái bắt tay giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đi. Chứ còn bắt tay nhau thì người đi vay còn khổ”, một cán bộ ngân hàng chia sẻ.
Cũng bị ép buộc mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng, chị Hoa (Bắc Ninh) tính toán, với phương án mua bảo hiểm kèm khoản vay, chị mất gần 20 triệu đóng phí bảo hiểm năm đầu tiên nhưng vẫn có lợi nhờ được giảm 1% phí phạt khi trả khoản vay trước hạn. Nhân viên ngân hàng cũng vui và có hoa hồng vì hoàn thành chỉ tiêu. Tuy nhiên, điều này lại phát sinh một vấn đề khác đó là vì chạy theo chỉ tiêu bán bảo hiểm, rủi ro tín dụng sẽ gia tăng.
“Tôi từng là nhân viên ngân hàng, bản thân tôi cũng ko ủng hộ việc "ép" khách hàng phải mua thì mới giải ngân. Nó như là một khoản chi phí khách hàng phải bỏ ra để phòng hoặc chi nhánh thu được lợi nhuận. Nó còn gia tăng các khoản nợ xấu cho ngân hàng vì những khách dưới mức tiêu chuẩn cho vay vẫn được chấp nhận nếu khách hàng mua bảo hiểm mệnh giá cao. Rất mong cơ quan chức năng ngăn chặn quyết liệt”, một nhân viên ngân hàng xin giấu tên chia sẻ.
Nhận diện “bẫy ngầm”
Thực ra, bảo hiểm nhân thọ không xấu, thậm chí nó là một sản phẩm ưu việt được nhiều người lựa chọn và đã phát triển trên thế giới. Ở Việt Nam, sau khoảng gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đến nay đã có 19 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Quyền lợi bảo hiểm cũng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy, đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm yên tâm hưởng thụ cuộc sống và dự phòng các kế hoạch tài chính cho tương lai.
Với gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động, trong năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân. Song, kể từ khi bảo hiểm và ngân hàng bắt tay, cái sảy đã nảy cái ung gây nên bức tranh tài chính méo mó và nhiều tai tiếng.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia, tư vấn viên bảo hiểm đã đưa ra những lưu ý cho người có nhu cầu tham gia bảo hiểm nhân thọ để tránh vấp phải những “bẫy ngầm”. Thứ nhất, đó là “bẫy” cam kết lợi nhuận. Một trong những hiểu nhầm phổ biến nhất mà nhiều khách hàng vướng phải khi mua bảo hiểm nhân thọ là lời hứa hẹn về lợi nhuận được đảm bảo.
Nhiều tư vấn viên bảo hiểm sử dụng chiêu trò này để thu hút khách hàng đang tìm kiếm các khoản đầu tư an toàn với lợi nhuận đảm bảo, tỷ lệ hoàn vốn cố định, chưa kể, một số món quà tặng như vali, túi xách... được đưa ra câu nhử cũng khiến cho khách hàng mất cảnh giác. Tuy nhiên, điều mà người mua không nhận ra là bảo hiểm nhân thọ đề cao tính bảo vệ sức khỏe chứ không phải thu nhập hay lợi tức.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, tư vấn viên sẽ đưa lời hứa về “lợi ích gấp ba” khi mua bảo hiểm nhân thọ. Tức là ngoài lợi ích bảo vệ còn có lợi ích kép khác như chi trả phí giáo dục cho con trẻ, lợi nhuận từ đầu tư... Điều này dẫn tới xu hướng người mua vội vàng tham gia mà không đánh giá được mức cần thiết của các sản phẩm gia tăng này.
Thứ 2, tư vấn viên thiếu chuyên nghiệp và bất chấp thủ đoạn để ký được hợp đồng. Thực tế, hầu hết vấn đề phát sinh giữa người công ty bảo hiểm và khách hàng từ việc tư vấn viên truyền đạt thông tin thiếu/sai hoặc cố tình đánh lừa khách hàng bằng cách nói tránh/giả mạo thông tin, mục đích cuối cùng là để bán được bảo hiểm và hưởng hoa hồng. Một số tư vấn viên cũng không đủ năng lực và sự hiểu biết để tư vấn cho khách, hoặc cũng có một số trường hợp nhân viên vì mức phí hoa hồng mà cố gắng bán những hợp đồng có giá trị cao nhất có thể cho người mua, thay vì bán những sản phẩm phù hợp với điều kiện tài chính của khách hàng. Điều này một phần là do chưa hiểu biết đủ sâu về sản phẩm, cũng có những người cố tình tư vấn mập mờ khiến khách hàng hiểu sai về các điều khoản và quyền lợi khi bán bảo hiểm cho khách. Vấn đề ở đây là đạo đức của người tư vấn bảo hiểm. Điều này dẫn đến người mua bảo hiểm khó theo lâu dài với hợp đồng làm mất đi ý nghĩa bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ.
Thứ 3, hợp đồng dài lê thê hàng trăm trang khiến cho khách hàng không thể đọc hết, thậm chí có đọc hết cũng không chắc hiểu hết các điều khoản vì hợp đồng bảo hiểm thường được “cài cắm” những điều khoản khó hiểu hoặc dài dòng khiến người mua khó lòng nắm hết. Có những điều khoản về trách nhiệm không nằm ở hợp đồng mà nằm ở phụ lục khiến cho khách bị bỏ sót. Riêng với quyền lợi, không chỉ hợp đồng ưu tiên mà các tư vấn viên cũng luôn nhấn mạnh khiến cho khách hàng bị “dính bẫy”. Vì vậy, người mua cần lưu ý tới những điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm do bên bán thường bám vào các điều khoản này để từ chối thanh toán.
Theo LS Trần Thanh Hải (Công ty Luật Basico), hợp đồng bảo hiểm là một dạng hợp đồng phức tạp và không hề dễ dàng để nghiên cứu với số lượng điều khoản và kết cấu phức tạp. Thực tế thì hầu hết các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam là kết quả ứng dụng từ các định dạng mẫu biểu hợp đồng bảo hiểm đang áp dụng ở nhiều nước phát triển về môi trường kinh doanh bảo hiểm.
Có cùng quan điểm, bà Hồ Thị Ngọc Như, Trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho biết, không phải ai cũng có đủ hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ nên mới cần tư vấn. Nếu tư vấn bảo hiểm như một sản phẩm đầu tư sinh lời sẽ dễ khiến khách xuống số tiền lớn để mua. Tuy nhiên, tư vấn như vậy là sai bản chất, khách có thể đóng phí năm thứ nhất nhưng các năm tiếp theo thì chưa chắc.
“Người tư vấn cần giúp khách hàng hiểu rằng bảo hiểm là hành trình dài hạn, phải kiên trì đóng 10 - 20 năm liền. Tuy nhiên, cuộc sống của mỗi người sẽ có nhiều biến cố khó lường liên quan đến sức khỏe, công việc, tình hình kinh tế... Mức phí bảo hiểm chỉ nên chiếm khoảng 10 - 20% thu nhập/năm. Chẳng hạn đối với một người có thu nhập 100 triệu đồng/năm thì số tiền đóng bảo hiểm nhân thọ là 10 triệu đồng (khoảng 833.000 đồng/tháng). Như vậy, kể cả khi biến cố xảy ra, khách hàng vẫn có khả năng duy trì bảo hiểm đến cùng.
“Cần xem xét lại cơ chế hợp tác liên kết bán bảo hiểm giữa các hãng bảo hiểm với các ngân hàng sao cho các áp lực chỉ tiêu hoàn thành doanh số của ngân hàng với hãng bảo hiểm, của nhân viên ngân hàng với ngân hàng không còn là yếu tố tác động vào quá trình tư vấn bán bảo hiểm cho khách hàng”, LS Trần Minh Hải |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận