24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Chung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sức mạnh tờ khai thuế

Trước thềm bầu cử Tổng thống Trump lại vướng vào rắc rối mới.

Thông tin xung quanh tờ khai thuế và tài chính cá nhân có thể tác động tiêu cực, thậm chí đảo chiều khả năng tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 12/5, trong phiên điều trần và thảo luận kéo dài hơn ba tiếng, Tòa án Tối cao Mỹ đã xem xét tính hợp pháp liên quan tới các trát của Hạ viện và công tố viên New York, yêu cầu ngân hàng và kế toán cung cấp các tờ khai thuế và thống kê liên quan đến tài chính cá nhân của Tổng thống Donald Trump. Hầu hết các thẩm phán đều thiên về kết luận cho thấy Quốc hội đã vượt giới hạn trong việc yêu cầu thông tin cá nhân của Tổng thống. Nếu thành hiện thực, có thể mở ra hàng loạt tranh cãi mới tại các tòa án bang. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng sẽ chỉ được công bố vào tháng Bảy sắp tới.

Vậy tờ khai thuế và thông tin tài chính cá nhân của ông chủ Nhà Trắng có gì gây tranh cãi? Nó sẽ tác động như thế nào tới cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới?

Từ tờ khai thuế...

Tại Mỹ, tờ khai thuế và tài chính thuộc phạm trù thông tin cá nhân và chỉ có thể được tiết lộ thông qua ngân hàng, kế toán viên hoặc chính người kê khai. Tuy nhiên, các Tổng thống Mỹ kể tử thời ông Jimmy Carter đều chủ động công khai tờ khai thuế và tài chính cá nhân.

Ông Trump từng có cam kết tương tự. Năm 2016, trong chiến dịch tranh cử, ông khẳng định sẵn sàng chia sẻ về tờ khai thuế và tài chính cá nhân, như những ứng cử viên Tổng thống đều làm trong vòng hơn bốn thập kỷ qua. Tuy nhiên, vào phút chót, ông lại cho biết đó chưa phải là thời điểm thích hợp, với lý do đang trong quá trình kiểm toán. Khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông chỉ còn chưa đầy nửa năm, thông tin về các khoản thuế của ông Trump từ mạng lưới tập đoàn vẫn là ẩn số với người dân Mỹ.

Một số nhà bình luận chính trị còn tỏ ra hoài nghi theo hướng “cây ngay không sợ chết đứng”, cho rằng quyết định từ chối công bố khai thuế của ông Trump có liên quan tới vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Tuy nhiên, câu trả lời của ông chủ Nhà Trắng vẫn là “không”. Các luật sư của ông phản đối các trát đến từ Hạ viện và công tố viên, cho rằng đây là hành động vi hiến, buộc các thẩm phán Tòa án Tối cao phải vào cuộc. Chưa có gì cho thấy ông Trump sẽ thay đổi quyết định của mình.

... tới tình thế bầu cử

Trong bối cảnh đó, tác động của cuộc tranh cãi về mặt pháp lý này có thể tác động tiêu cực tới ông Donald Trump trên hành trình tái cử theo ba cách khác nhau.

Thứ nhất, nó sẽ khiến ông Trump một lần nữa vướng vào rắc rối về mặt pháp lý. Theo nhiều nhà phân tích, động thái đòi Tổng thống công bố tờ khai thuế rõ ràng là một đòn tấn công chính trị nữa nhắm vào cá nhân ông, vốn vướng vào nhiều rắc rối trong chưa đầy bốn năm cầm quyền. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới hình ảnh của ông trong mắt cử tri, khi mà tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Donald Trump đã chịu ảnh hưởng lớn sau cách xử lý ban đầu đối với đại dịch Covid-19.

Quan trọng hơn, bằng cách hạ thấp uy tín chính trị của ông Trump thông qua các rắc rối pháp lý, đảng Dân chủ mong muốn khỏa lấp tai tiếng xung quanh ứng cử viên Tổng thống của họ, cựu Tổng thống Joe Biden, khi ông cũng từng vướng vào cáo buộc xâm hại tình dục. Thống kê của Đại học Monmouth cho thấy 50% số người được hỏi ủng hộ ông Biden; con số này của đương kim Tổng thống Mỹ chỉ là 41%.

Thứ hai, kết quả cuối cùng của rắc rối pháp lý này có thể để lại tác động lâu dài tới hệ thống chính trị của Mỹ. Đối với nhiều người, việc các Ủy ban Hạ viện và công tố viên thất bại trong nỗ lực yêu cầu công khai tờ khai thuế và tài chính cá nhân của ông Trump cho thấy Tổng thống đang đứng trên Quốc hội, điều rất khó chấp nhận trong thể chế dân chủ Mỹ. Năm 1997, Tổng thống Bill Clinton đã thất bại trong vụ Clinton v. Jones; theo đó Tổng thống Mỹ đương nhiệm không được miễn trừ khỏi các truy tố theo luật dân sự tại tòa án liên bang, bởi những hành động thực hiện trước khi nhậm chức và không liên quan tới chức vụ Tổng thống.

Tương tự, năm 1974, Tổng thống Richard Nixon đã thất bại khi viện cớ đặc quyền hành pháp để ngăn cản các công tố viên tiếp cận băng ghi âm bí mật các hoạt động của Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ.

Trong suốt nhiệm kỳ, ông Trump dần như đã quá quen với những vụ việc gây tranh cãi như vậy, khi vững vàng vượt sóng gió, dù đó có là điều tra về sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ hay hành trình luận tội dai dẳng.

Tuy nhiên, câu chuyện lần này sẽ khác một chút: Bầu cử đang tới gần, trong khi hình ảnh, uy tín chính trị của ông đã ít nhiều sứt mẻ sau hàng loạt sự kiện, đặc biệt là sau cách ứng phó ban đầu với đại dịch Covid-19.

Những tranh cãi pháp lý xung quanh tờ khai thuế và tài chính cá nhân liệu có phải là “giọt nước tràn ly” đối với cử tri Mỹ? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả