Bầu cử Mỹ: Không có dấu hiệu chấp nhận chuyển giao quyền lực trong êm đềm?
Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump sẽ chấp nhận chuyển giao quyền lực trong êm đềm song nước Mỹ từng trải qua nhiều lần căng thẳng vì kết quả bầu cử và đều giải quyết thành công.
Hôm qua (9/11), ê-kíp vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức đệ đơn kiện lên một tòa án liên bang tại bang Pennsylvania để yêu cầu kiểm tra lại tính minh bạch và kết quả bầu cử. Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến pháp lý cho thấy việc chuyển giao quyền lực sẽ không có dấu hiệu diễn ra trong êm đềm.
Hôm qua, đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump kiện đích danh người đứng đầu ngành ngoại giao của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar và hội đồng bầu cử các hạt có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong đó có Philadelphia và Pittsburgh. Hành động pháp lý này nhằm có được một lệnh khẩn cấp từ tòa án để ngăn chặn các quan chức Pennsylvania công nhận chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tại bang này.
Theo Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ, Tổng thống Donald Trump có toàn quyền đưa ra những cáo buộc về các sai phạm trong quá trình bầu cử.
Ông McConnell nhấn mạnh: “Các tòa án địa phương sẽ giải quyết các mối quan tâm. Các thể chế của chúng ta được xây dựng cho việc này. Chúng tôi có sẵn hệ thống để xem xét các mối quan tâm. Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có quyền xem xét các cáo buộc về bất thường và cân nhắc các lựa chọn pháp lý của mình”.
Trước đó 1 ngày, đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump thông báo đã kiện lên tòa án ở Arizona rằng, đơn vị bầu cử ở hạt Maricopa đông dân nhất của bang này đã vi phạm khiến nhiều phiếu bầu trong ngày bầu cử chính thức (3/11) bị bỏ. Đơn kiện gửi lên Tòa Thượng thẩm Maricopa nêu rõ, một số quan sát viên của phe Cộng hòa và 2 nhân chứng đã phát hiện các nhân viên phục vụ bầu cử hướng dẫn sai cho các cử tri trong việc sử dụng thùng bỏ phiếu, khiến kết quả bỏ phiếu không chính xác và làm thiệt hàng nghìn phiếu bầu cho Tổng thống Donald Trump. Đơn kiện yêu cầu tòa án cho phép thực hiện quy trình đánh giá thủ công với những thùng phiếu có vấn đề và cấm công nhận kết quả bầu cử cho tới khi hoàn tất đánh giá.
Thư ký báo chí Nhà Trắng McEnany cho biết: "Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi muốn bảo vệ quyền của người dân Mỹ. Chúng tôi muốn một con số trung thực, chính xác, đúng luật. Chúng tôi muốn muốn một sự minh bạch tối đa. Chúng tôi muốn mọi phiếu bầu hợp pháp được kiểm đếm và chúng tôi muốn mọi phiếu bầu bất hợp pháp bị loại bỏ".
Ngay sau khi đội ngũ của ông Donald Trump tiến hành đệ đơn kiện lên tòa án tại Pennsylvania, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã cho phép các công tố viên liên bang điều tra "những cáo buộc đáng kể về bất thường trong bầu cử và thống kê phiếu bầu”. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tư pháp Mỹ cũng đề nghị các công tố viên không để bị cuốn theo những cáo buộc "mơ hồ hoặc thiếu cơ sở". Theo New York Times, ngay sau động thái này của ông William Barr, người đứng đầu các cuộc điều tra gian lận cử tri tại Bộ Tư pháp Mỹ Richard Pilger đã từ chức.
Trước đó, ngày 7/11, dựa trên thống kê bỏ phiếu, các hãng truyền thông lớn của Mỹ tuyên bố, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Ngay sau đó, ê-kíp của Tổng thống Donald Trump đã khởi kiện tại nhiều bang. Tuy vậy, các chuyên gia pháp lý cho rằng, ngay cả khi tòa án thụ lý vụ kiện và đưa ra phán quyết thì sẽ vẫn không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử chung cuộc bởi nếu kiểm phiếu lại thì số phiếu cũng chỉ biến động trong phạm vi hẹp. Hiện cựu Phó Tổng thống Biden dẫn trước ông Donald Trump hơn 275.000 phiếu tại 6 bang quan trọng là Arizona, Georgia, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Nevada.
Cuộc chiến pháp lý này cũng được nhận định sẽ không gây ra khủng hoảng xã hội hoặc khủng hoảng chính trị như ở một số quốc gia khác. Mỹ đã có truyền thống giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp bầu cử, chuyển giao quyền lực từ rất lâu. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ rơi vào căng thẳng vì kết quả bầu cử. Nước Mỹ từng trải qua nhiều lần tranh chấp và đều giải quyết thành công./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận