Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống Trump "đánh cược" với chiến lược kinh tế mới, không còn "chiều" người dân
Tổng thống Trump đang đối mặt với rủi ro lớn khi rút khỏi các cuộc đàm phán về gói cứu trợ chống dịch Covid-19 khi chỉ vài tuần nữa là diễn ra cuộc Bầ
Không hỗ trợ toàn diện
Ngày 6/10, Tổng thống Trump đột ngột dừng các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ, bang California) cho đến sau ngày bầu cử, chỉ trích bà Pelosi không “thiện chí” trong đàm phán, bất chấp các dấu hiệu tiến triển của cuộc đàm phán trong những tuần gần đây.
Tổng thống Trump sau đó có phần dịu giọng, thúc giục Quốc hội thông qua các dự luật độc lập ở quy mô nhỏ về các vấn đề hai bên có sự đồng thuận cao, thay vì một thỏa thuận toàn diện mà bà Pelosi và ông Mnuchin đang đàm phán.
Cách tiếp cận của ông Trump khiến các thành viên của đảng Cộng hòa và các nhóm doanh nghiệp thất vọng, đẩy triển vọng mà theo đó chính quyền sẽ có những hành động hỗ trợ trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo về tác động tiêu cực của việc chính quyền không cung cấp thêm viện trợ. Claudia Sahm, nguyên là chuyên gia kinh tế cấp cao và là giám đốc nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nói: “Tổng thể nền kinh tế đang không đạt được nhiều tiến bộ. Việc chính phủ ngừng hỗ trợ tài chính và chính trị hóa vấn đề này sẽ gây thiệt hại về chi phí nhân lực ở ngay thời điểm hiện tại và trong nhiều năm tới”.
Theo ông Drew Hammill, phát ngôn viên của bà Pelosi, ngay cả khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cả gói đã dừng lại, trong ngày 7/10, ông Mnuchin và bà Pelosi đã đề cập đến khả năng hỗ trợ riêng cho ngành hàng không.
Kinh tế "trật bánh", người dân kêu cứu
Một số cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, trong đó có nhà kinh tế bảo thủ Stephen Moore đã lập luận chống lại một dự luật chi tiêu ngân sách lớn và nêu quan ngại về thâm hụt ngày càng tăng, cho rằng mức độ tăng trưởng việc làm kể từ tháng 5/2020 đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông nói: “Tôi nghĩ rằng nền kinh tế đang vận hành tốt mà không cần phải có một gói kích thích lớn”.
Tuy nhiên, một loạt nhà kinh tế nổi tiếng, trong đó có Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo với lời lẽ ngày càng nghiêm trọng rằng việc không thông qua thêm viện trợ có thể khiến nền kinh tế Mỹ bị “trật bánh” trong nỗ lực phục hồi sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Trong một bài phát biểu ngày 6/10, mặc dù là một người có quan điểm phản đối chi tiêu ngân sách quá nhiều, song ông Powell đã cảnh báo rằng nước Mỹ có thể rơi vào một chu kỳ sa thải nhân công và suy thoái kinh tế “bi thảm” nếu không có thêm sự giúp đỡ đối với hàng hiệu người Mỹ thất nghiệp, các doanh nghiệp, chính quyền bang và chính quyền địa phương đang gặp khó khăn.
Ông nhấn mạnh: “Ngay cả khi các gói hỗ trợ sau này được chứng minh là lớn hơn mức cần thiết thì chúng cũng không phải là chi tiêu lãng phí. Sự phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn và diễn ra nhanh hơn nếu chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tiếp tục song hành với nhau để hỗ trợ cho nền kinh tế cho đến khi giải quyết hoàn toàn được khó khăn”.
Ông Powell và các nhà kinh tế hàng đầu khác cho rằng nền kinh tế sẽ không thể phục hồi hoàn toàn trước khi kiểm soát được dịch bệnh. Đến lúc đó, hàng triệu người Mỹ và các doanh nghiệp trong các ngành giải trí, khách sạn và du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Adam Ozimek, nhà kinh tế chính của Công ty Upwork chuyên về dịch vụ tuyển dụng và lao động, nói: “Có một suy nghĩ sai lầm rằng bằng cách nào đó chúng ta đã thoát khỏi khó khăn hoặc bước vào thời kỳ mà chúng ta có đủ động lực để sự phục hồi tự diễn ra, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tập trung vào giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ tồn tại lâu dài mà không tìm cách ‘trói buộc’ họ nhiều quá”.
Lợi ích chính trị là ưu tiên
Tổng thống Trump đang kém hơn ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ trong các cuộc thăm dò trên phạm vi toàn quốc và tại các bang “chiến trường” tại thời điểm chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.
Ông Trump đã đặt nền kinh tế Mỹ vào vị trí trung tâm của chiến dịch vận động tái tranh cử, lập luận rằng ông đã thành công trong việc phản ứng đối với dịch Covid-19 và cuộc suy thoái kinh tế đi kèm, và rằng ông Biden sẽ thực thi các biện pháp đóng cửa hà khắc và tăng thuế mà sẽ ngăn chặn phục hồi kinh tế.
Ngay cả khi cuộc suy thoái do dịch bệnh gây ra đã kéo dài vài tháng, các cuộc thăm dò dư luận tiên tục cho thấy ông Trump mạnh hơn ông Biden trong lĩnh vực kinh tế; tuy nhiên, một số cuộc điều tra trên phạm vi toàn quốc thời gian gần đây cho thấy khoảng cách đó đang thu hẹp dần.
Theo thông tin từ Bộ Lao động Mỹ, số việc làm mới được tạo ra đã giảm trong 4 tháng liên tiếp và số lượng người lao động bị sa thải vĩnh viễn đã tăng trong tháng 8 và tháng 9/2020. Trong số liệu công bố ngày 7/10, Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết gần 1/4 số người Mỹ cho rằng họ hoặc ai đó trong gia đình họ sẽ bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm lương trước ngày bầu cử; gần 1/3 số người Mỹ cho rằng họ sẽ bị xiết nợ hay bị đuổi ra khỏi nhà trong vòng vài tháng tới; và hơn 10% đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Stephen Moore, một cố vấn của Tổng thống Trump, đã lập luận rằng ông Trump sẽ gây chia rẽ đảng Cộng hòa và gây thiệt hại về mặt chính trị cho bản thân nếu đồng ý với thỏa thuận trị giá 2,2 nghìn tỷ USD mà bà Pelosi và đảng Dân chủ đưa ra. Ông nói: “Việc đồng ý với đề nghị của bà Pelosi sẽ có hại về chính trị cho Trump. Chủ động thúc đẩy được một thỏa thuận tốt sẽ có lợi về chính trị cho ông Trump. Và sẽ không có thỏa thuận nào cân bằng được lợi ích của cả hai bên”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận