Bầu cử Mỹ 2020: Đảng Cộng hòa trấn an cử tri về chuyển giao quyền lực
Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cùng các quan chức đảng Cộng hòa cấp cao cam kết sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ và chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.
Theo hãng tin Reuters, bày tỏ trên một dòng trạng thái Twitter sáng 24/9, ông McConell viết: “Người thắng cuộc trong Ngày Bầu cử 3/11 sẽ tuyên thệ nhậm chức vào 20/1. Sẽ có một chuyển giao trật tự như những gì diễn ra 4 năm một lần kể từ năm 1792”.
Trước đó một ngày, khi trả lời câu hỏi của phóng viên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố từ chối cam kết chuyển giao quyền lực nếu thua trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 tới và cho biết kết cục có thể sẽ được quyết định tại Tòa án Tối cao.
“Chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì xảy ra”, ông Trump trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 23/9 (theo giờ địa phương) khi được hỏi liệu ông có cam kết chuyển giao quyền lực nếu thua cử không.
Cùng ngày, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany phát biểu tại một cuộc họp báo: “Tổng thống sẽ chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử tự do và công bằng”.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump luôn bày tỏ nghi ngờ về tính chính xác của cuộc bầu cử tháng 11 và liên tục công kích đảng Dân chủ vì khuyến khích cử tri bỏ phiếu qua thư như một hình thức bầu cử an toàn giữa đại dịch COVID-19. Đảng Dân chủ cho rằng hàng triệu người Mỹ, trong đó đa số là binh sĩ quân đội, đã bỏ phiếu vắng mặt qua thư trong nhiều năm mà không xảy ra vấn đề gì.
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News, Tổng thống Trump gọi hình thức bỏ phiếu qua thư là “một màn trình diễn thảm họa”.
Michael Waldman - Chủ tịch Trung tâm Pháp lý Brennan của Đại học New York - cho biết hình thức bỏ phiếu đang được nâng cấp dần. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, ông Waldman nói thêm: “Mỗi ngày các bang đều cải thiện hệ thống quy tắc bỏ phiếu”.
Về phần mình, đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump đe dọa nền dân chủ Mỹ và tiếp tục chính trị hóa lựa chọn ứng viên sắp tới mà ông đề cử để thay thế cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg.
Theo giới phân tích chính trị, nếu cuộc bầu cử tháng 11 tới có kết quả sát nút, Tổng thống Trump có thể tạo ra thách thức pháp lý khi đưa kết quả lên tòa án liên bang tranh luận với hy vọng giành được đủ số phiếu đại cử tri để tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm.
Trong lịch sử từng xảy ra trường hợp Tòa án Tối cao xác định kết quả bầu cử trong lần chạy đua giữa hai ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và ứng viên Al Gore của đảng Dân chủ năm 2000.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, một đồng minh của Tổng thống Trump đóng một vai trò quan trọng trong việc xác nhận ứng viên Tòa án Tối cao sắp tới của ông có được thông qua hay không, cho biết có thể xảy ra tranh tụng đối với kết quả bầu cử tổng thống. “Tòa án Tối cao sẽ quyết định và nếu đảng Cộng hòa thua, chúng tôi sẽ chấp nhận kết quả đó. Nhưng chúng tôi cần một tòa án với thành phần đầy đủ”, bà Graham trả lời Fox News.
Nếu như ứng viên của Tổng thống Trump được thông qua, thành phần Tòa án Tối cao sẽ bao gồm 6 thẩm phán theo bảo thủ và 3 thẩm phán theo chủ nghĩa tự do.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận