Bất ổn và chia rẽ - những thách thức sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Theo báo The Straits Times, trong một cuộc họp báo kéo dài gần 2 giờ đồng hồ vào tối trước ngày kỷ niệm năm đầu tiên cầm quyền của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng ông đã “làm tốt hơn” kỳ vọng với những thành tựu như tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 210 triệu người dân Mỹ, tạo ra 6 triệu việc làm mới, giảm chi phí bảo hiểm y tế cùng với đó là kế hoạch giải cứu nước Mỹ và những đạo luật về cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, dịch bệnh tái bùng phát và những trở ngại về lập pháp cùng với khủng hoảng niềm tin ở nước ngoài, tỷ lệ ủng hộ của ông Biden đã giảm hẳn và 2022 sẽ là năm đầy khó khăn đối với tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó là sự thiếu thống nhất lưỡng đảng trong một môi trường chính trị ngày càng căng thẳng với chưa đầy 10 tháng nữa là diễn ra các cuộc bầu cử giữa kỳ vốn quan trọng đối với một xã hội ngày càng phân cực. Tổng thống Biden thừa nhận: “Tôi biết có rất nhiều sự thất vọng”.
Những hy vọng lớn lao
Tổng thống Joe Biden đã có sự khởi đầu tốt đẹp. Tháng 3/2021, ông đã ký Kế hoạch giải cứu nước Mỹ, một gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD nhằm mở rộng cứu trợ bằng tiền mặt cho hàng triệu người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Và đến tháng 7/2021, một nửa dân số Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Mỹ gia nhập trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 với mục tiêu giữ nhiệt độ ấm lên toàn cầu ở dưới 2 độ C.
Tuy nhiên, vào tháng 9/2021, các cuộc thăm dò dư luận của trang web phân tích chính trị Five Thirty Eight cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Biden là 46,7%, trong khi phản đối là 47,6%. Và đến ngày 19/1/2022, khoảng cách này đã được nới rộng với tỷ lệ tương ứng 42%/52,3%.
Từ hy vọng đến thất vọng
Trong những tháng gần đây, các vấn đề rắc rối đã chồng chất. Tháng 11/2021, Tổng thống Biden đã ký luật về cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá 1.000 tỷ USD. Lẽ ra đây là một thắng lợi nhưng lại biến thành thất bại do lạm phát tăng vọt mà một phần nguyên nhân là do các gói kích thích kinh tế.
Giá tiêu dùng tăng 7% trong tháng 12/2021, mức tăng hàng năm cao nhất kể từ năm 1982. Tốc độ lây lan của biến thể Omicron cũng khiến chính quyền của ông Biden mất đi sự ủng hộ, lần này là do thiếu nghiêm trọng các bộ kit xét nghiệm. Khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ, người dân Mỹ tự nhận thấy mình đang ở giữa một đại dịch tái bùng phát, những sự đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt lao động cùng với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.
Tổng thống Biden cũng không được Quốc hội ủng hộ thông qua đạo luật về phúc lợi xã hội và biến đổi khí hậu với tên gọi “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” trị giá 2.000 tỷ USD vốn được coi là một dự luật lớn khác sau dự luật về cơ sở hạ tầng. Và ngay trong tháng 1/2022, Tòa án Tối cao Mỹ – theo lời các nhà quan sát thì ngày càng phân cực về mặt tư tưởng – đã ra phán quyết chống lại việc chính quyền của ông Biden yêu cầu tiêm vaccine hoặc xét nghiệm COVID-19 thường xuyên tại các công ty có hơn 100 lao động.
Những vấn đề ở nước ngoài
Trước đó, vào tháng 8/2021, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã trở thành một thất bại hoàn toàn, với những câu hỏi được đặt ra về uy tín của Mỹ. Tổng thống Biden giờ đây phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin mới đối với vấn đề Ukraine mà Nga dường như được cho là đang chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào nước này. Các cuộc xung đột ở khu vực Sừng châu Phi cũng đang leo thang. Ngoài ra còn có căng thẳng về các kịch bản của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và những lo ngại về một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó, các quan chức cấp cao trong Chính quyền Mỹ cũng đã có các chuyến thăm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 9/2021, Tổng thống Biden đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ (Quad) bao gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ. Và cũng trong tháng 9/2021, Mỹ đã công bố một thỏa thuận an ninh ba bên mới được gọi là AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ).
Tiến sỹ Robert Manning, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm chiến lược và an ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trong nước khi chiến dịch vận động tranh cử giữa nhiệm kỳ đang “nóng” lên.
Trong khi đó, Tiến sỹ Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện an ninh và nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn, nhận xét sự bất ổn và chia rẽ ở trong nước sẽ cản trở chính sách đối ngoại của Mỹ bất kể ai làm ông chủ Nhà Trắng. Theo ông, việc khắc phục tình trạng chia rẽ đảng phái phải mang tính cơ cấu và nền chính trị “hủy hoại” đòi hỏi phải có một “thể trạng” xã hội và chính trị đủ tốt mà Mỹ hiện dường như không có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận