Bất ngờ bị sa thải
Vừa hạ cánh tại Sân bay Nội Bài chiều tối 29 Tết, tôi nhận được email thông báo từ CEO Sundar Pichai về việc Google cắt giảm 12.000 nhân viên, với tiêu đề “Một quyết định khó khăn để chuẩn bị cho tương lai”.
Quyết định có hiệu lực ngay lập tức tại Mỹ. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở bên kia bán cầu sáng hôm đó đã không còn phải đến văn phòng. Có người vì không kiểm tra email trước khi đi làm, tới công sở, không quẹt được thẻ ra vào mới biết mình bị mất việc. Nhân viên ở châu Á do thủ tục của nước sở tại nên tiến hành chậm hơn, cũng sẽ bị ảnh hưởng, chỉ là chưa biết ai sẽ quay vào ô "mất lượt".
Trước Google, các hãng công nghệ lớn như Meta, Amazon, Salesforce, Microsoft... cũng đã có động thái cắt giảm nhân sự hàng loạt (layoff). Theo chuyên trang quan sát về Layoff, trong tháng đầu của 2023 đã có 272 công ty công nghệ sa thải 86.882 nhân viên, nhiều hơn một nửa so với cả năm 2022 cộng lại và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.
Mười năm làm việc cho các hãng công nghệ nước ngoài, tôi đã chứng kiến nhiều đợt cắt giảm nhân sự hay tái cấu trúc nhưng chưa lần nào sự sa thải lại diễn ra như một trào lưu như lần này. Nhiều người tin đây là "đại dịch sa thải" của giới công nghệ. Nhưng điều quan trọng là cần hiểu đúng: bản chất của các đợt sa thải gần đây không phải là một sự suy thoái của ngành công nghệ mà chỉ là đợt điều chỉnh sau thời gian tăng trưởng quá nhanh.
Trong những năm qua, các công ty công nghệ đã tuyển dụng thêm rất nhiều nhân sự. Đặc biệt thời kỳ đại dịch, trong khi nhiều ngành khác bị ảnh hưởng xấu thì lĩnh vực công nghệ lại tăng trưởng mạnh. Công ty cũ của tôi - Salesforce - chỉ có khoảng 35.000 nhân viên năm 2019 nhưng tăng lên 56.000 năm 2021. Cuối 2022, Salesforce cũng có đợt sa thải quy mô lớn với 8.000 nhân sự. Đồng sáng lập và CEO của hãng lý giải "khi doanh thu tăng nhanh trong đại dịch, công ty đã tuyển thêm quá nhiều người". Alphabet công ty mẹ của Google có khoảng 119.000 nhân viên năm 2019 và tăng lên 156.000 năm 2021. Do đó con số cắt giảm 12.000 nhân viên tuy cao nhưng vẫn khiêm tốn so với 37.000 nhân sự tăng thêm kể từ 2019. CEO của Google cũng đưa ra lý do tương tự Salesforce "Trong hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Để phù hợp và thúc đẩy sự tăng trưởng đó, chúng tôi đã tuyển dụng cho một thực tế kinh tế khác với thực tế mà chúng ta phải đối mặt ngày nay".
Nguyên nhân thứ hai là sụt giảm chi tiêu quảng cáo và bán hàng của các doanh nghiệp. Các hãng công nghệ chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác trong việc vận hành, quảng cáo và bán hàng. Khác với giai đoạn đầu của đại dịch, doanh nghiệp bắt buộc phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với đòi hỏi làm việc từ xa, thương mại điện tử và các nền tảng trực tuyến. Giai đoạn sau của đại dịch, việc kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, sức mua của người tiêu dùng giảm khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm đầu tư cho công nghệ, và giảm chi phí quảng cáo. Điều này ảnh hưởng lớn tới rất nhiều hãng công nghệ lớn, mà bản chất mô hình kinh doanh của họ là nền tảng quảng cáo như Google, Meta, Amazon, Salesforce. Sự ảnh hưởng này tới nhóm hãng công nghệ lớn gây ra hiệu ứng domino trong toàn ngành.
Như vậy bản chất của các đợt sa thải lần này không phải do sự suy thoái của ngành công nghệ mà chỉ là điều chỉnh lại số lượng nhân sự cho phù hợp với thực tế kinh tế giai đoạn hiện nay. Trong số bị cắt giảm tuy cũng có các nhân sự công nghệ thực sự như lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kiến trúc sư giải pháp nhưng số này chỉ chiếm phần nhỏ. Phần lớn nhân sự bị cắt giảm ở các vị trí không phải thuần công nghệ như nhân viên hợp đồng thời vụ, nhóm tài chính, vận hành, nhân viên bán hàng và marketing... Những nhân sự này có thể làm việc cho bất kỳ lĩnh vực nào chứ không riêng ngành công nghệ. Trong giai đoạn trước, nhiều lĩnh vực khác mất nhân sự vì sức hút quá lớn của ngành công nghệ, giờ là lúc cán cân được thiết lập trở lại.
Những nhân sự bị ảnh hưởng, mất việc trong các đợt cắt giảm gần đây cũng không phải đều có hiệu suất làm việc thấp. Nhân viên năng lực kém sẽ bị sa thải theo một quy trình khác được tiến hành định kỳ hàng năm. Các đợt cắt giảm hàng loạt do chính sách điều chỉnh chiến lược kinh doanh khiến cho những người làm việc hiệu suất cao cũng có thể bị ảnh hưởng. Đọc hồ sơ LinkedIn của các nhân viên bị ảnh hưởng, tôi có thể nhận thấy điều này một cách rõ ràng.
Công nghệ vẫn là nền tảng quan trọng của mỗi doanh nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào, do đó nhu cầu tuyển mới nhân sự công nghệ vẫn rất cao. Những đợt cắt giảm của các hãng công nghệ lớn là cơ hội để tuyển dụng những nhân sự công nghệ chất lượng cao cho các công ty vừa và nhỏ, cũng như cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác.
Thế giới hiện nay được hình dung bằng khái niệm "VUCA": Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Đây là bối cảnh nền tảng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động. Các chủ doanh sẽ sa thải nhanh chóng và lạnh lùng hơn bao giờ hết để đối phó với những biến động chóng vánh của thực tế. Người lao động sẽ phải làm quen với tình trạng bất ngờ mất việc. Thứ duy nhất có thể chủ động là luôn cố gắng làm tốt công việc hiện tại, cập nhật kiến thức, trang bị thêm các kỹ năng mới, phát triển bản thân để sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận