Bất động sản: Xu hướng đô thị hóa đang hỗ trợ tăng trưởng
Hiện khu vực nội đô của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều đối mặt với sự cạn kiệt quỹ đất và giá BĐS thiết lập ở mức cao dẫn đến xu hướng đầu tư vùng ven nở rộ. Xu hướng này được các nhà phân tích dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Bất động sản (BĐS) là một trong những kênh đầu tư thu hút dòng tiền hàng đầu hiện nay. Cùng với sự khởi sắc trở lại của thị trường, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng dự kiến ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong năm nay, đặc biệt là những doanh nghiệp còn nhiều quỹ đất ở những vị thế đắc địa.
Trên thực tế kết quả kinh doanh quý I/2021 của nhiều doanh nghiệp BĐS khá ấn tượng. Như NovaLand (NVL), doanh thu quý I đạt 4.532 tỷ đồng, tăng 370% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 687 tỷ đồng, cao hơn 2,3 lần so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý I của Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng ghi nhận doanh thu và LNST của công ty mẹ lần lượt đạt 2.954 tỷ đồng và 531 tỷ đồng, tăng 391% và tăng 687% so với cùng kỳ năm 2020.
CTCP Vinhomes (VHM) cũng ghi nhận doanh thu quý I đạt hơn 12.986,4 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ 2020 nhờ vào lượng bàn giao tại các đại dự án Ocean Park, Grand Park và Smart City. Mặc dù LNST của VHM chỉ đạt 5.447,8 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên CTCK Agribank cho rằng, sự sụt giảm này chỉ là nhất thời khi mùa cao điểm thường rơi vào quý III và ban lãnh đạo dự kiến sẽ cho ra mắt 3 dự án mới (Vinhomes Cổ Loa, Vinhomes Dream City và Vinhomes Wonder Park) trong nửa cuối năm 2021.
Hiện khu vực nội đô của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đều đối mặt với sự cạn kiệt quỹ đất và giá BĐS thiết lập ở mức cao dẫn đến xu hướng đầu tư vùng ven nở rộ. Xu hướng này được các nhà phân tích dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới tâm lý thị trường chung kém tích cực, khách mua nhà trì hoãn quyết định. Song khi bước sang năm 2021, tình hình kinh tế vĩ mô dần ổn định, dịch Covid-19 trong nước cũng đang được kiểm soát và tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trong dân tăng cao… Tất cả những yếu tố này sẽ giảm dần tâm lý lo ngại đối với việc đầu tư vào các loại hình sản phẩm BĐS.
Trong khi theo giới chuyên môn, nhu cầu mua BĐS để ở sẽ duy trì ổn định nhờ các điều kiện nhân khẩu học của Việt Nam và xu hướng đô thị hóa đang diễn ra. Tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam năm 2019 là 38,4% và dự kiến sẽ vượt mốc 40% vào năm 2020. Dựa trên tỷ lệ trên, CTCK BIDV (BSC) ước tính, nhu cầu nhà ở trên cả nước vào khoảng 80.000-100.000 căn hộ/mỗi năm. “BĐS tại các đô thị vùng ven TP. HCM và Hà Nội, bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hải Phòng và Quảng Ninh, có thể là các địa điểm chính để duy trì đà phát triển thị trường. Khi giá BĐS tại TP. HCM và Hà Nội đã tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2018-2019, BĐS tại các đô thị vùng ven với cơ sở hạ tầng cải thiện trở thành lựa chọn hợp lý hơn cho khách mua nhà và nhà đầu tư”, CTCK APEC nhận định.
Điều này cũng có nghĩa triển vọng của doanh nghiệp BĐS là rất sang. Như CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (AGG), trong quý I mảng kinh doanh BĐS ghi nhận doanh thu đạt 300 tỷ đồng đến từ dự án Paranoma, so với việc không ghi nhận dự án nào trong cùng kỳ; LNST của công ty mẹ đạt 5,4 tỷ đồng. Mặc dù mới chỉ lần lượt hoàn thành 9,5% và 1% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2021, song theo giới chuyên môn, điểm rơi lợi nhuận sẽ từ quý II và III. Thậm chí BSC nhận thấy điểm rơi lợi nhuận của AGG sẽ bắt đầu từ năm 2021. Bởi hiện AGG đã sở hữu quỹ đất với quy mô 103 ha, diện tích thương phẩm khoảng 2,1 triệu m2 tổng diện tích sàn xây dựng, tương đương với hơn 22.000 sản phẩm (11 dự án). Trong với giai đoạn 2015-2021, AGG đã triển khai được 6 dự án, tương đương 2.593 sản phẩm đã bán. “Chúng tôi tin rằng giai đoạn 2021-2026 sẽ đánh dấu sự chuyển mình của AGG với tổng số dự án triển khai gấp gần 2 lần, số sản phẩm gấp 8,48 lần, quy mô diện tích sàn thương mại gấp 8,97 lần so với giai đoạn 2015-2021. Điều này chứng tỏ tham vọng của ban lãnh đạo trong việc đưa AGG chuyển mình trở thành một trong những chủ đầu tư uy tín quy mô lớn khu vực phía Nam - Hồ Chí Minh”, BSC phân tích.
Hay như NVL, quy mô lớn của quỹ đất hiện tại, vị trí đắc địa, liên tục được mở rộng bởi các dự án M&A giúp NVL có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Bên cạnh đó, NVL đang tập trung phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch, cũng như tập trung đẩy mạnh tại các dự án đô thị vệ tinh, đặc biệt là dự án Aqua city tại Đồng Nai với diện tích gần 1.000 ha được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho tập đoàn trong tương lai.
VHM hấp dẫn khi sở hữu quỹ đất số một thị trường Việt Nam hiện nay, lên tới 16.400 ha, trải dài các tỉnh thành trên cả nước, trong đó Hà Nội và TP.HCM chiếm khoảng 50% quỹ đất. VHM cũng luôn đi đầu trong các xu hướng BĐS dân cư, các dự án lớn, ý tưởng độc đáo cùng nhiều tiện ích nổi bật hưởng lợi từ hệ sinh thái Vingroup. Dự kiến từ nửa sau năm 2021 sẽ là mùa cao điểm cho hoạt động ký mới và bàn giao, với sự thúc đẩy từ việc mở bán các đại dự án Dream City, Wonder Park và Cổ Loa. Bởi vậy kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2021 đạt 15%, với lượng mở bán trước đạt 37 nghìn căn tương đương giá trị 91 nghìn tỷ đồng, được các nhà phân tích cho rằng rất khả thi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận