Bất động sản phía Đông Hà Nội: Hành trình "lột xác" sau một thập kỷ
Hơn 10 năm phát triển, thị trường BĐS phía Đông Hà Nội đang khẳng định sức hút khi hội tụ những đại đô thị đáng sống. Trong năm 2021, khu vực này tiếp tục được dự báo có nhiều triển vọng thu hút nhà đầu tư.
Lội ngược dòng nhờ “đòn bẩy thép”
Nhớ lại 10 năm trước, diện mạo thị trường phía Đông Hà Nội giản đơn khi vẫn là vùng đất đai rộng lớn, vắng bóng những công trình hạ tầng, dự án chỉ nhỏ giọt vài khu nhà giá rẻ, đất nền phân lô tự phát, thậm chí thiếu vắng các cơ sở y tế, vui chơi giải trí cộng đồng, giáo dục công lập,.. Khi đó, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức khiến địa thế “ngăn sông cách cầu” là trở ngại trong phát triển của khu vực này.
Cũng tại thời điểm đó, với quyết định mở rộng địa giới hành chính, phía Tây Hà Nội được định hướng trở thành trung tâm tri thức và công nghệ cao của Hà Nội, Kể từ đây, các công trình hạ tầng, đại đô thị đã xuất hiện như Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, Splendora Bắc An Khánh, Nam An Khánh, HUD Vân Canh… đã tạo nên các cơn sốt đất cho khu vực này.
Tuy nhiên một thập kỷ qua, người Hà Nội đã chứng kiến sự “lột xác” kỳ diệu của khu vực phía Đông với những "đòn bẩy thép". Đó là khi hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ, không ít công trình tiện ích dân sinh, tái định cư, tổ hợp chung cư, văn phòng chất lượng cao, đang lần lượt mọc lên và đáp ứng tốt nhu cầu của dân cư nơi đây. Trong các quyết định mang tính “thay da đổi thịt” cho quy hoạch hạ tầng địa bàn bên kia sông Hồng của TP. Hà Nội, không thể không nhắc tới việc xây dựng những cây cầu.
Khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được thông qua, ngoài các cây cầu hiện hữu như Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Thăng Long thì Hà Nội sẽ có tổng cộng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong tương lai gần. Gần nhất là 4 cây cầu nghìn tỷ: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở.
Cụ thể, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm ngay sát giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe, chiều dài 3,5km, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Cầu Trần Hưng Đạo nối phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với đường Cổ Linh (Long Biên) có tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, chiều dài 5,5km, tốc độ thiết kế 80km/h, hứa hẹn sẽ trở thành cây cầu biểu tượng mới của Hà Nội với phương án thiết kế đề xuất ấn tượng.
Cầu Ngọc Hồi nối đường vành đai 3.5 (Hoàng Mai) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Gia Lâm) có tổng mức đầu tư 4.881 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe chạy, chiều dài 13,8km. Cầu Mễ Sở nối đường vành đai 4 (Thường Tín) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng có tổng mức đầu tư dự kiến 4.881 tỷ đồng, chiều dài 13,8km.
Những cây cầu nghìn tỷ hoàn thành trong 2 - 3 năm tới được ví như những “đòn bẩy thép” giúp thị trường bất động sản phía Đông bứt phá mạnh mẽ. Cùng với đó, hạ tầng giao thông đường bộ cũng là một điểm sáng nổi bật của khu vực với các dự án như Quốc lộ 5 kéo dài, nút giao Cổ Linh…
Đặc biệt, thông tin mới đây, dự án hơn 400 tỷ đồng xây dựng nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (nút giao Cổ Linh) đã chính thức được thông xe vào ngày 9/1/2021. Vượt tiến độ 2 tháng, dự án này chính là mảnh ghép giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực phía Đông Hà Nội, đồng thời là lò xo tạo thêm sức bật không chỉ cho Thủ đô mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Đông và phía Bắc. Có thể nói, cơ sở hạ tầng là mấu chốt giúp cho thị trường bất động sản phía Đông phát triển tốt trong thời gian gần đây.
Hữu xạ tự nhiên hương
Sau một thập kỷ với cuộc "lột xác" của hạ tầng, bức tranh khu Đông Hà Nội mang dáng dấp một đô thị sầm uất dựa trên nhiều điểm tựa quan trọng: Vị trí cửa ngõ chiến lược cách vùng lõi Thủ đô chỉ 5 - 6 km; Hệ thống giao thông thuận lợi, với hàng loạt cây cầu mới, dễ dàng kết nối với khu vực trung tâm cũng như các tỉnh thành “thủ phủ" công nghiệp lớn nhất cả nước như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng.
Khu vực phía Đông được dự báo còn chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa bởi theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030 - 2050, phía Đông được định hướng là trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao và đô thị hiện đại trong đó Gia Lâm sẽ được nâng cấp lên quận vào năm 2022. Hứa hẹn sẽ thu hút được dòng vốn lớn trong và ngoài nước về đầu tư kinh tế.
Mặc dù không có thế mạnh nhờ “quy hoạch hành chính” như khu vực phía Tây, nhưng phía Đông lại sở hữu ưu điểm về tiềm năng phát triển, điều kiện tự nhiên và cảnh quan. Hệ thống sông ngòi sẽ mang lại cảnh quan đẹp, tầm nhìn khoáng đạt, không gian sống trong lành... Cũng từ năm 2010 đến nay, Hà Nội cũng tập trung cải tạo cảnh quan các hồ, vườn hoa, cải tạo 10 hồ lớn, điển hình như hồ Việt Hưng, hồ Ngọc Lâm, hồ Thạch Bàn, hồ Tân Thụy, hồ Vục, hồ Sài Đồng… là những view đắt giá của mỗi dự án bất động sản.
Giống như cách nhìn nhận và quy hoạch - kiến trúc của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, những vị trí hướng về phía sông, biển, kết nối đi các tỉnh sẽ là nơi đầu tiên gây ấn tượng cho mọi du khách, các nhà đầu tư, hoặc lãnh đạo các nước bạn tới thăm…
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, về địa hình, phía Đông cao hơn phía Tây, phía Tây đi đến đâu lụt đến đó. Câu chuyện lụt đối với đô thị không thể coi nhẹ, nó là câu chuyện rất lớn và nó đã gây ra tổn hại rất nhiều trong quá trình phát triển. Về phong thủy, phát triển về phía Đông mới đúng vì phía Đông vừa có núi, vừa có sông, sẽ không bị ngập lụt.
Với lợi thế không cách quá xa trung tâm, môi trường sống trong lành, yên tĩnh, thoáng đãng cùng hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt quỹ đất xây dựng còn khá lớn, phía Đông Hà Nội trở thành khu vực đầy tiềm năng để khai phá.
Không chỉ vậy, nếu xét về vị trí và quy hoạch vùng, phía Đông đang hướng tới mục tiêu lâu dài trở thành một khu vực phát triển hiện đại, xanh và trong lành. Do đó, phía Đông đang tạo nên một trào lưu xây dựng các dự án theo mô hình sinh thái, chú trọng vào đầu tư vào cảnh quan và phát triển thương mại và du lịch. Rất nhiều nhà đầu tư bất động sản, trong đó có cả những nhà đầu tư nước ngoài danh tiếng, đã và đang nhắm đến phía Đông như một khu vực đầy tiềm năng chưa được khai phá.
Và khi nhắc đến Ecopark, các nhà quản lý, giới chuyên gia nhận định đây là một trong những nhà phát triển bất động sản đầu tiên “đánh thức” mảnh đất này, tạo nên một đại đô thị sinh thái rộng lớn và đáng sống nhất miền Bắc. Khi bắt đầu xây dựng những căn hộ đầu tiên từ năm 2010 ở một vị trí ngoại thành Hà Nội với đường đi lắt léo, sau 10 năm, Ecopark đã thu hút được đến 20 nghìn cư dân và là điểm đến số 1 về nghỉ dưỡng ngoại ô của người Hà Nội. Ecopark không chỉ chú trọng vào xây dựng nhà ở, mà còn kiến tạo một môi trường xanh tuyệt đẹp cộng với môi trường văn hóa đặc sắc. Con người, thiên nhiên và văn hóa hòa quyện với nhau để tạo ra một cộng đồng cư dân Ecopark bền vững.
Trong xu hướng phát triển bờ Đông Sông Hồng, những khu đô thị được thiết kế và phát triển bài bản như Ecopark đang là tâm điểm thu hút cư dân, khách du lịch, chuyên gia nước ngoài về sinh sống, kéo theo giá trị bất động sản tăng lên.
Dấu ấn tiên phong của Ecopark đã lan tỏa sức hút cho thị trường bất động sản khu vực này và đặt nền móng cho xu hướng xây dựng đô thị sinh thái. Trong số này phải kể đến các thương hiệu lớn đang tập trung về đây như Vingroup, Eurowindow Holding, Sunshine Group… đang phát triển các đại đô thị xanh và thông minh.
Giới phân tích nhấn mạnh, việc đầu tư cho hạ tầng trong 10 năm qua đã giúp phía Đông Hà Nội gặt hái được nhiều kết quả lớn ngày hôm nay. Những con đường, những cây cầu mở ra quỹ đất mới, khu đô thị mới, vùng động lực phát triển mới. Thị trường phía Đông cũng đang phát triển rất chắc chắn và bền vững với những dự án có quy mô bài bản và tầm nhìn xa. Trong tương lai, đây là khu vực triển vọng với nhiều khởi sắc, sẽ chiếm sóng đầu tư trong năm 2021.
Các đại đô thị đáng sống sẽ thiết lập lại mặt bằng giá đất
Trong tương lai, thị trường đặt niềm tin phía Đông sẽ có sự thay đổi ngoạn mục, kéo hàng loạt “ông lớn” bất động sản đến đầu tư cũng như giá bất động sản tăng cao.
Mới đây, trong báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2020, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam ghi nhận trong thời gian qua, giá đất tại các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên tăng 20 - 30% so với năm ngoái. Đặc biệt, nguồn cung mới ở khu phía Đông vượt qua các khu vực khác, chiếm 44% lượng mở bán mới trong năm 2020. Nguồn cung mới ở khu vực này chủ yếu đến từ các khu đô thị lớn, trong đó có Ecopark.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong thời điểm hiện tại, khu vực phía Tây Hà Nội đã đi vào ổn định, thì tiềm năng phát của phía Đông và Đông Nam đang rất rộng mở.
Bên cạnh sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hoàn thiện kết nối giao thông, ông Đính nhận xét, khu vực phía Đông và Đông Nam ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ xuất hiện hàng loạt các dự án bất động sản “khủng”. Ngoài ra, đề xuất đưa huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2025 cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản tại đây.
“Như vậy, tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản phía Đông và Đông Nam còn rất lớn và các nhà đầu tư có thể đầu tư trung và dài hạn vào khu vực này”, ông Đính nhận định.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam cũng cho rằng, khu Đông sẽ là xu hướng phát triển tương lai của cả Hà Nội và TP.HCM.
Với Hà Nội, bờ Đông sông Hồng (Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh và một phần của huyện Văn Giang, Hưng Yên) tiếp tục phát triển nhờ sự hỗ trợ từ các dự án hạ tầng mới.
Nguồn cung bất động sản từ khu Đông của Hà Nội sẽ tăng dần mỗi năm, và chiếm tỷ lệ áp đảo so với khu khác. CBRE Việt Nam dự báo, tới năm 2025 số lượng nguồn cung khu Đông Hà Nội sẽ đạt 65.000 căn hộ, gấp 8 lần so với năm 2015.
Nhận định về khả năng tăng giá bất động sản của các khu vực phía Đông Hà Nội trong thời gian tới như Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, bất động sản những khu vực này chắc chắn sẽ tăng giá vì đấy là quy luật tất yếu, nhất là khi điều chỉnh quy hoạch thì giá đất sẽ càng tăng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản phía Đông đang phát triển đúng định hướng phát triển đô thị vệ tinh của thành phố giúp kẽo giãn dân cư ra khỏi vùng trung tâm. Để từ đó, trong tương lai, phía Đông sẽ có thêm nhiều đại đô thị đáng sống cho người dân.
Đơn cử như dự án Ecopark, nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 10km về hướng Đông Nam, với hơn 110ha cây xanh và mặt nước trong tổng thể 500ha diện tích. Từ lâu, Ecopark đã được mệnh danh là “Thành phố triệu cây xanh” và sự lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều gia đình. Đây cũng là điểm đến du lịch yêu thích của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Trên nền tảng thành công từ những sản phẩm đã được đông đảo khách hàng đón nhận, năm 2020, Ecopark tiếp tục cho ra mắt nhiều dự án mới với sự đa dạng trong phân khúc sản phẩm như nhà phố Thủy Trúc, nhà phố Vịnh Đảo, căn hộ cao cấp Sky Oasis, Sol Forest … với xu thế thông minh, dựa trên nền tảng xanh sẵn có.
Các dự án trên đang là dự án được chú ý nhiều nhất do sở hữu không chỉ không gian sống cao cấp mà còn tích hợp cả khu giải trí về đêm, mua sắm, vui chơi… Những dự án trong đô thị này sẽ là mắt xích hoàn chỉnh để tạo ra một chuỗi đô thị hiện đại, sầm uất trải dài bên bờ đông sông Hồng.
Thị trường chung cư phía Đông liên tiếp đón các dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng với chất lượng cao và đây cũng là khu vực hiếm hoi của Hà Nội có lợi thế trong phát triển mô hình đại đô thị - nơi mọi cư dân đều được đáp ứng đầy đủ nhu cầu và tiện ích của cuộc sống trong một không gian hội tụ. Phía Đông đã và đang trở thành lựa chọn “an cư” của đông đảo người dân. Trong tương lai khu vực này sẽ là điểm sống sôi động, kéo theo đó là sự tăng giá của bất động sản đem lại cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư.
“Được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông và có vị trí đắc địa, các huyện Gia Lâm, Thanh Trì và một phần huyện Văn Giang (Hưng Yên) trở thành “tâm điểm” đầu tư của thị trường bất động sản Hà Nội trong thập kỷ mới”, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận