Bất động sản nửa cuối năm 2021: Đi tìm toạ độ hấp dẫn nhà đầu tư
Dần rời bỏ thị trường bão hòa, các nhà đầu tư bất động sản đang tìm đến những tọa độ mới giàu tiềm năng, nơi có quỹ đất lớn, giá còn thấp và đang đầu tư hạ tầng mạnh mẽ.
Các tỉnh khu vực Bắc Bộ hấp dẫn
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19 trong lần bùng dịch lần thứ 4 nên thị trường sụt giảm, giao dịch từ các dự án bất động sản cũng giảm mạnh. Một số tỉnh thành điển hình như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh phúc trước đó vẫn sôi động nhưng gần như đóng băng khi dịch bùng phát vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Các tỉnh còn lại cũng ghi nhận giao dịch nhỉnh hơn đôi chút, tuy nhiên, giao dịch phần lớn đạt được là từ các dự án đấu giá đất.
Một số địa phương ghi nhận nguồn cung và giao dịch nổi bật có thể kể đến như Hải Phòng khi tiêu thụ khoảng 300 căn hộ nhà ở xã hội, 100 căn chung cư. Giá ghi nhận trong trung tâm thành phố từ 40 - 60 triệu đồng/m2, các dự án ven đô khoảng 15triệu đồng/m².
Tương tự, tại Quảng Ninh, tiêu điểm thị trường này trong thời gian qua là dự án của Tập đoàn Sun Group với khoảng 3.000 sản phẩm căn hộ cao cấp được đưa ra thị trường. Đặc biệt, chỉ trong hơn 1 tháng đã hấp thụ gần 1.500 sản phẩm.
Theo ông Đính, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những yếu tố khác làm giảm nhịp hoạt động của thị trường bất động sản tại hầu hết các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ. Nhưng các địa phương tại đây vẫn được đánh giá là những địa bàn có hoạt động sôi nổi, thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.
Theo đó, thị trường bất động sản thuộc các tỉnh khu vực Bắc được phân loại thành 3 nhóm chính, gồm: Nhóm được đánh giá tích cực sôi động, thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; nhóm địa phương phát triển chưa đồng đều như: Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Hà, Nam Định…
Đáng chú ý, một báo cáo mới đây từ JLL đã nhận định, thị trường phía Bắc liên tục sốt đất lập đỉnh 2 năm qua, có lực đỡ lớn đến từ bất động sản công nghiệp. Dịch bùng phát, phân khúc này không chỉ “miễn nhiễm” với Covid-19, mà còn tăng trưởng liên tục trước làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đổ sang Việt Nam. Để mời gọi vốn FDI, các địa phương đã kích hoạt đầu tư vào hạ tầng giao thông, kéo bất động sản vệ tinh (đất nền, nhà phố, căn hộ…) tăng giá theo.
Phân khúc bất động sản công nghiệp dẫn dắt thị trường, song theo JLL tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp miền Bắc hiện đã đạt mức cao. Cụ thể, Hà Nội lấp đầy đến 90%, Bắc Ninh 95%, Hưng Yên 89%, Hải Phòng 73%... Những dấu hiệu khả quan trên cho thấy, khu vực Bắc Bộ là toạ độ hấp dẫn trong thời điểm cuối năm 2021.
Khu vực Bắc Trung Bộ - tâm điểm mới
Bắc Trung Bộ Việt Nam gồm có 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Vùng Bắc Trung Bộ có tính chất chuyển tiếp giữa các vùng kinh tế phía Bắc và các vùng kinh tế phía Nam. Phía Tây là sườn Đông Trường Sơn, giáp nước Lào có đường biên giới dài 1.294km với các cửa khẩu Quan Hoá, Lang Chánh (Thanh Hoá), Kỳ Sơn (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), tạo điều kiện giao lưu kinh tế với Lào và các nước Đông Nam Á trên lục địa; phía Đông hướng ra biển Đông với tuyến đường bộ ven biển dài 700km, với nhiều hải sản và có nhiều cảng nước sâu có thể hình thành các cảng biển. Vùng có nơi hẹp nhất là Quảng Bình (50km), nằm trên trục giao thông xuyên Việt là điều kiện thuận lợi giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Bắc và phía Nam.
Thời gian gần đây, Bắc Trung Bộ là khu vực được nhiều nhà đầu tư nhắm đến. Theo nhận định của giới chuyên gia, với việc cải cách và đổi mới về chính sách, pháp luật, trong tương lai không xa, các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ thu hút đầu tư và phải trở thành cực tăng trưởng mới của Việt Nam, bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường mới ở khu vực Bắc Trung Bộ có nhiều nét tương đồng với đầu tư vào Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cách đây 5 năm khi những thị trường này vẫn chưa tăng giá.
Ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù diễn biến phức tạp của dịch nhưng tại địa phương này vẫn có 9 dự án đủ điều kiện bán hàng ra thị trường với 780 sản phẩm. Tại Thanh Hóa, một số dự án chất lượng, tiềm năng của các chủ đầu tư lớn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cả nước như: Sun Group, Vingroup, Eurowindow, FLC,… Đặc biệt, ngay từ đầu quý II/2021 vẫn có hàng trăm giao dịch diễn ra.
Khu vực Nam Trung Bộ lạc quan sau dịch
Theo ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa phân tích, thị trường bất động sản Nam Trung Bộ từ trước đến nay được đánh giá là vùng phát triển kinh tế tương đối ổn định với nhiều tín hiệu tăng trưởng bất động sản rõ rệt, nhất là giai đoạn 2016 - 2019 đã có những đột phá bất ngờ.
Mỗi địa phương tại Nam Trung Bộ lại sở hữu những thế mạnh riêng. Ví như vùng “sa thảo” Ninh Thuận có vẻ thiệt thòi hơn về yếu tố khí hậu, trước đây được nhắc đến là một trong những khu năng lượng tái tạo lớn của cả nước, nhưng cũng được thiên nhiên ưu đãi đường bờ biển dài hơn 100km với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ninh Chữ – Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy…
Còn tại Phan Thiết (Bình Thuận), trong năm vừa qua khi mặt bằng giá cả trên cả nước có sự chững lại nhưng thị trường cho thấy không có dấu hiệu bị ảnh hưởng, vẫn tiếp tục sôi động tạo nhiều cơ hội cho đầu tư. Phan Thiết có được sức hút là nhờ hàng loạt dự án có kinh phí đầu tư hàng tỷ đô đã được triển khai xây dựng và đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện trong thời gian gần đây. Cụ thể là bước tiến xa trong cuộc đua về cơ sở hạ tầng khu vực với Dự án cao tốc Bắc Nam, điểm nhấn quan trọng nhất là nút Phan Thiết – Dầu Giây (kinh phí đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, Phan Thiết – Vĩnh Hảo (kinh phí đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng) đã được đẩy nhanh và mạnh tiến độ thi công nhằm giải tỏa áp lực cho tuyến QL1A và rút ngắn khoảng cách từ các nơi khác đến TP. Phan Thiết. Riêng tỉnh Bình Thuận cũng đầu tư gần 1.600 tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng tuyến đường ven biển đoạn Kê Gà – Tân Thiện.
Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt để thành cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước ta. Sân bay Phan Thiết với mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng cũng được thúc đẩy tiến độ thi công để sớm đưa vào hoạt động có thể đón 2 triệu khách/năm. Việc di chuyển đến Phan Thiết cực kỳ dễ dàng, giao thông đồng bộ cả 3 tuyến: Hàng không, đường biển và cao tốc. Tương lai không xa, Phan Thiết sẽ trở thành điểm nóng thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản tương tự như kịch bản của Đà Nẵng, Nha Trang những năm trước.
Trong quý II/2021, Hội Mội giới Bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận tại một số thị trường với những điểm sáng nổi bật, đơn cử như Khánh Hoà, đã thu hút được gần 20 dự án đất nền và nhà liền kề, giá giao động từ 35 - 40 triệu đồng/m2. Nhiều dự án bất động sản được tái khởi động, dự kiến sắp cung cấp sản phẩm mới cho thị thường… với tổng số lượng gần 1.000 sản phẩm hứa hẹn sẽ hâm nóng cho thị trường bất động sản Khánh Hòa giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Tại Ninh Thuận, toàn tỉnh có khoảng 200 giao dịch, chủ yếu từ các dự án có vị trí đẹp, giá từ 700 - 1 tỷ đồng/đất nền.
Ông Phan Việt Hoàng nhận định: “Hiện các dự án bất động sản tại khu vực Nam Trung Bộ đã có sự điều chỉnh chủ động theo tình hình dịch bệnh. Các chủ đầu tư mở rộng áp dụng công nghệ vào sản phầm và bán hàng. Các tỉnh thành tăng tốc giải ngân đầu tư công hiệu quả kéo theo hàng loạt cơ hội việc làm lẫn phát triển kinh tế. Tất cả những bức tranh tổng thể trên đây sẽ tạo đòn bẩy rất lớn cho bất động Nam Trung Bộ trỗi dậy và tăng trưởng mạnh mẽ trong phân khúc nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp, kỳ vọng trở thành điểm sáng đầu tư trong năm 2021”.
Tây nguyên với lợi thế quỹ đất
Sở hữu nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hoá cộng với quỹ đất còn dồi dào khả năng sinh lời cao, các tỉnh vùng Tây nguyên cũng không nằm ngoài đích nhắm của các doanh nghiệp và giới đầu tư bất động sản.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, nhu cầu đất xây dựng đô thị của Tây Nguyên đến năm 2020 khoảng 23.880ha và đến năm 2030 khoảng 33.470ha. Đồng thời, năm 2030, toàn Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị với 28 đô thị hình thành mới.
Cùng với cơ sở hạ tầng đang ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, Tây Nguyên thu hút một dòng vốn đầu tư lớn đổ về. Kéo theo đó, thị trường bất động sản tại khu vực này đang nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường địa ốc như Vingroup, FLC, T&T Group, Him Lam, Văn Phú, Ecopark, Tân Hoàng Minh... cũng đã chọn Tây Nguyên làm điểm dừng chân.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Tây Nguyên đã thực sự sôi động khi xuất hiện những tổ hợp khu đô thị được đầu tư và quy hoạch bài bản, đáp ứng đúng, trúng thị hiếu của thị trường.
Theo thống kê của VARs, những dự án được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ đang dẫn dắt thị trường bất động sản Tây Nguyên với tỷ lệ hấp thụ đạt 70 - 80%. Dòng sản phẩm bất động sản cao cấp, tích hợp không gian sống hiện đại, gồm công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí… luôn nằm trong giỏ hàng đắt khách.
Ông Nguyễn Văn Đính cho hay: “Trong quý II/2021, thị trường Tây Nguyên cũng rất sôi động ở cả các dự án phát triển nhà ở, đô thị, du lịch lẫn các hoạt động tự phát, gom đất ở với phân lô bán nền. Giao dịch trong tháng 4 đạt khoảng gần 1.000 giao dịch nhưng sau đó bị chững lại bởi dịch bùng phát, giãn cách và hạn chế đi lại khiến các nhà đầu tư từ các vùng khác không đến được Tây Nguyên”.
Như vậy, các toạ độ vàng trên thị trường đã có, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 8 thì đầu quý IV thị trường bắt đầu có tín hiệu hồi phục và giai đoạn cuối năm sẽ trỗi dậy sôi động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận