Bất động sản, nỗi lo 'ngủ đông' và hiệu ứng dây chuyền
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất gia hạn nộp thuế nhằm 'giải cứu' các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn trước bởi đại dịch Covid-19.
Động thái này của Hiệp hội nhằm giúp các doanh nghiệp BĐS vượt qua cơn bão Covid-19 bởi phía sau những dự án và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là hàng trăm doanh nghiệp, hàng vạn người lao động các ngành xây dựng, vật liệu, du lịch, nghỉ dưỡng... Nếu các BĐS rơi vào 'ngủ đông' sẽ có thể kéo theo hiệu ứng dây chuyền lan nhanh tới nhiều ngành nghề khác.
Nỗi lo thời kỳ 'ngủ đông'
Những ngày này, sáng nào ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận thêm không ít những cái tên nối dài của danh sách sàn giao dịch bất động sản (BĐS) phải đóng cửa.
Ông thống kê, kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng, đã có tới 1/3 trong tổng số 1.000 sàn đang hoạt động đã phải đóng cửa, tức là hơn 300 sàn đã "ra đi". Số còn lại, khoảng 500 sàn hiện cũng chỉ hoạt động cầm chừng, phần lớn là xử lý nốt những đơn hàng đã ký kết từ cuối năm ngoái.
Theo lời ông, rất nhiều sàn giao dịch đang "khóc" vì trước đây, nhân viên kinh doanh tiếp cận trung bình 3-4 khách hàng tiềm năng sẽ có người quan tâm và thậm chí chốt đơn hàng. Tuy nhiên, hiện tại, nhân viên có gặp 10-15 khách cũng không một ai quay lại và tình hình đang càng thêm khó.
Rất nhiều người đang rút tiền về, đình chỉ mọi hoạt động đầu tư. BĐS mặc dù được xem là kênh đầu tư dài hạn và bền vững nhưng cũng đang ngấm đòn dần trước sức tác động của dịch Covid-19", ông Đính thừa nhận.
Khó khăn nhất thời điểm này phải kể tới bất BĐS nghỉ dưỡng. Thế Hùng, nhà tư vấn BĐS khu vực miền Trung thừa nhận, khu vực trước nay vốn sôi động hiện không một bóng khách.
Rất nhiều nhà đầu tư cho rằng, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và lượng khách du lịch khó hồi phục trong một sớm một chiều. Du lịch đóng băng khiến BĐS nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đó cũng chính là khó khăn được ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhắc tới khi nói về bức tranh BĐS thời điểm hiện tại. Theo ông, các doanh nghiệp trong Hiệp hội một mặt đang gặp những khó khăn chung, một mặt vẫn phải gồng mình gánh rất nhiều khoản chi phí cố định như chi phí đầu tư, chi phí vốn, lãi vay. Ông đã chứng kiến không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ cạn dòng tiền và phải nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh doanh nghiệp các ngành đang "giật gấu vá vai", chính các doanh nghiệp BĐS cũng đang phải hỗ trợ đối tác bằng cách giảm giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê hay thậm chí miễn tiền thuê.
Không ít doanh nghiệp bởi thế đang lo về một viễn cảnh thị trường rơi vào thời kỳ "ngủ đông" như giai đoạn 2011-2013. Tất nhiên, giai đoạn hiện tại, bong bóng BĐS như thời kỳ trước không xuất hiện khi giá cả đã dần được điều chỉnh nhưng với thực tế hiện nay nỗi lo ấy không hẳn là vô căn cứ.
Kích hoạt khối tài sản lớn, nền kinh tế sôi động hơn
Trước những khó khăn ấy, không ít doanh nghiệp BĐS đã gửi đơn cầu cứu cơ quan quản lý Nhà nước. Về phía Hiêp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, mới đây, Hiệp hội cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế xin bổ sung doanh nghiệp BĐS vào nhóm được xem xét giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.
Đơn vị đại diện cho doanh nghiệp BĐS cũng đề xuất bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn. Phía Hiệp hội cũng cho rằng, cần kéo dài thời gian gia hạn nộp các loại thuế nêu trên cho doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh BĐS luôn là kênh đầu tư tốt với lượng cầu rất lớn. Đặc biệt với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cầu BĐS dự báo vẫn duy trì ít nhất 15-25 năm tiếp theo. Bởi thế, trợ lực cho BĐS thời điểm này chính là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Thậm chí, nếu BĐS "khỏe" sẽ là nhân tố để nền kinh tế hồi phục và sôi động trở lại.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, BĐS có tác động mạnh mẽ đến tính thanh khoản của cả một chuỗi ngành nghề quan trọng như xây dựng, vật liệu, du lịch, nghỉ dưỡng… Đây cũng là lĩnh vực tham gia vào điều tiết trong nhiều ngành kinh tế khác, như cung ứng lao động, sản xuất, thương mại, đầu tư... Bởi thế, theo ông nếu BĐS "đứng bánh" thì hàng nghìn doanh nghiệp phía sau sẽ bị dồn toa.
Ông bày tỏ niềm tin, Chính phủ sẽ có biện pháp mạnh mẽ để giúp các doanh nghiệp, trong đó có ngành BĐS phục hồi nhanh. "Nhà nước cần quyết liệt trong việc tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp. Như thế nền kinh kế mới có thể bật dậy nhanh chóng sau dịch bệnh được", nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận