Bất động sản nghỉ dưỡng: Sự phục hồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu, bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất thị trường. Theo các chuyên gia, thời gian để loại hình bất động sản này “hồi sức” phụ thuộc nhiều yếu tố cả trong và ngoài
Thị trường đóng băng vì dịch
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến một số nước trong đó có cả Việt Nam phải ra lệnh cấm vận, cấm bay, từ đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Vắng bóng du khách cũng kéo theo sự đóng băng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Hồi đầu tháng 3, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo rằng lượng du khách quốc tế sẽ giảm từ 1 đến 3% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 3-4% như trong dự báo hồi tháng 1 trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Thống kê từ Grant Thornton Việt Nam cũng ghi nhận, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội, TP.HCM đã bị giảm từ 20% - 50%. Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm như Sapa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP.HCM, Vịnh Hạ Long cũng đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra.
Theo báo cáo nghiên cứu đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam do Savills vừa phát hành, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á -Thái Bình Dương cho biết, đây sẽ là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới, chúng tôi dự báo lượt du khách quốc tế sẽ còn giảm mạnh hơn con số dự kiến này. Yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm khách quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á là do sự phụ thuộc lớn của khu vực này vào thị trường khách Trung Quốc trong khi đây là quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch của du khách nội địa cũng giảm đáng kể do người dân ngày càng e ngại hơn khi phải đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, ga tàu, nhà hàng, và khu vui chơi giải trí, ông Mauro cho biết thêm.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, một số tập đoàn bất động sản lớn cũng đã đưa ra những con số về thiệt hại của mình. Theo tập đoàn BRG, chỉ tính từ cuối tháng 1 đến nay, ước tính thiệt hại ở mảng kinh doanh khách sạn của tập đoàn này đã lên tới 100 tỷ đồng với hợp đồng 12 nghìn phòng đã bị hủy, thiệt hại ở mảng kinh doanh sân golf là 11 tỷ đồng. Trong khi đó, tập đoàn Sun Group đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí không có khách, khách du lịch giảm tới 2 triệu lượt và có thể sau nửa đầu năm, lượng khách giảm sẽ lên tới con số 7 triệu. Với việc mảng kinh doanh này chiếm tới 70% doanh thu, thiệt hại dự kiến của Sun Group trong 2020 là khoảng 1.200 tỷ đồng.
Mất bao lâu để hồi sức sau dịch?
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, việc hồi sức sau dịch của bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và đặc biệt là các thị trường chính của du lịch nước ta như Trung Quốc, Hàn Quốc…
Ngành du lịch vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng từ 6 tháng đến 1 năm sau khi dịch kết thúc vì người dân sẽ tập trung vào việc phục hồi kinh tế trước, sau đó mới nghĩ đến việc du lịch, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch phải có những sự thay đổi, chú trọng đến nhu cầu của khách hàng hơn, đầu tư dịch vụ tốt hơn với giá thành hợp lý để kích cầu du lịch, ông Đực chia sẻ thêm.
Cũng đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, để trở lại sau dịch, bất động sản nghỉ dưỡng phải phụ thuộc vào kinh tế các nước chứ không riêng Việt Nam. Điều quan trọng nhất bây giờ là chống dịch, và muốn bất động sản nghỉ dưỡng “hồi sức” thì phải hết dịch, giao thương quốc tế bình ổn. Bên cạnh đó, cần có những gói kích cầu và những giải pháp cụ thể.
Ít nhất phải mất từ 3 tháng đến 6 tháng, bất động sản nghỉ dưỡng mới trở lại quỹ đạo, và từ 6 tháng đến 1 năm nó mới trở lại giá trị của nó, ông Quý cho biết thêm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khi tiềm năng bất động sản du lịch Việt Nam rất lớn và còn nhiều dư địa, các doanh nghiệp bất động sản dù gặp khó nhưng cũng là cơ hội để cơ cấu lại, lập chiến lược kinh doanh... thị trường sẽ sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém, sau dịch chắc chắn họ sẽ tái khởi động.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, trên thực tế, nhu cầu du lịch trong nước phụ thuộc lớn vào khả năng đối phó với dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ là thị trường đầu tiên phục hồi trở lại.
Chính vì vậy, cần giữ thái độ lạc quan trong thời gian tới. Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tính dài hạn. Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận