24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Sang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bất động sản nghỉ dưỡng: Kỳ vọng theo những cánh bay

Từ các địa phương đến cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nghỉ dưỡng đều đang lên kế hoạch “giải nén” cho ngành du lịch cũng như lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng khi các chuyến bay trong nước và quốc tế khởi động ngày càng rầm rộ hơn.

Hào hứng ngày trở lại

Trên đường từ sân bay Phù Cát về quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn để dự tọa đàm “Bình Định kích hoạt du lịch xanh: Điểm đến an toàn - Trải nghiệm hấp dẫn”, tôi gặp Hữu Trình, một hướng dẫn viên du lịch người Bình Định. Trò chuyện cùng anh mới thấy sinh khí từ việc kích hoạt lại du lịch khiến người trong ngành vui sướng thế nào.

Trình cho biết, đoàn chúng tôi là đoàn khách du lịch đầu tiên về Bình Định sau giãn cách xã hội và anh muốn nói lời cám ơn vì điều đó. Theo hướng dẫn viên du lịch này, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, những người làm nghề du lịch cơ bản phải nghỉ việc, thu nhập sụt giảm mạnh, kinh tế địa phương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi ngành kinh doanh mũi nhọn là du lịch bị “đóng băng”. Bởi vậy, việc ngành du lịch đang từng bước được kích hoạt trở lại mang lại niềm hào hứng lớn cả chính quyền địa phương cũng như người dân Bình Định.

“Trước học du lịch xong mà chẳng có việc làm bởi khi đó Bình Định còn chưa phát triển du lịch phải vào TP.HCM xin việc, nhưng kể từ khi có dự án FLC Quy Nhơn, tôi quyết định trở về quê hương sinh sống và làm việc. Nhờ có FLC Quy Nhơn mà người dân nơi đây có thu nhập ổn định hơn, các địa điểm du lịch đẹp và độc đáo như Eo Gió, Kỳ Co cũng được nhiều người biết đến hơn. Nhưng rồi dịch bệnh bất ngờ ập đến và diễn biến kéo dài khiến ngành du lịch ‘đất võ’ bị ảnh hưởng nặng nề trong gần 2 năm qua. Giờ đây, khi ‘bình thường mới’ trở lại, Bình Định lại tiên phong kích hoạt chế độ du lịch xanh để đón khách khiến những người làm du lịch thấy yên tâm hơn khi công việc được đảm bảo”, Trình kể.

Để thúc đẩy du lịch địa phương, Bình Định vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đón khách quốc tế từ đầu năm 2022 và nếu được chấp thuận, đây sẽ là địa phương thứ 6 trên cả nước được đón khách quốc tế trở lại cùng với Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam và Kiên Giang.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, từ ngày 12-14/11 vừa qua, tỉnh đã tổ chức chuỗi sự kiện đa dạng về trải nghiệm, khảo sát, kích cầu du lịch với sự tham gia của nhiều bên, bao gồm Tổng cục Du lịch, các địa phương, các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng để cùng bàn bạc, tìm cách triển khai hiệu quả chế độ du lịch xanh, an toàn, hấp dẫn.

Nếu như trước đây, việc đi du lịch để thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm cá nhân, thì nay là để tái tạo sức khỏe. Đây là xu hướng du lịch phổ biến của khách quốc tế, đặc biệt là khách du lịch châu Âu.Ông Vũ Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT VNGroup

Theo ông Giang, để mở cửa trở lại du lịch thì ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, quan trọng là sự sẵn sàng của doanh nghiệp và du khách. Đây là vấn đề cốt lõi, vì mở cửa mà du khách không đến, doanh nghiệp chưa sẵn sàng phục vụ thì sẽ không thành công. Vì thế, Bình Định đang tìm giải pháp tạo ra điểm đến tốt, phá vỡ thế “đóng băng”, phục hồi hoạt động du lịch bằng những sản phẩm tốt, an toàn.

“Bình Định đã sẵn sàng và rất mong muốn tham gia đón khách quốc tế, bởi hiện mới được biết đến như là điểm đến mới của khách nội địa, trong khi mong muốn của tỉnh là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, do đó cần phải thu hút được khách quốc tế. Chúng tôi biết đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng không làm thì không bao giờ đạt được”, ông Giang nhấn mạnh.

Còn ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC Group cho hay, là nhà đầu tư chiến lược tại Bình Định, hơn ai hết, FLC Group rất mong chờ các giải pháp kích cầu du lịch được triển khai thời gian tới. Theo ông Hùng, sau thời gian bị nén quá lâu, hiện là thời điểm thích hợp để “chiếc lò xo” du lịch bung mạnh.

“Trong thời gian qua, để chuẩn bị cho việc đón khách trở lại, FLC Group đã triển khai đồng thời nhiều phần việc như khai trương Khách sạn FLC City Hotel Beach Quy Nhơn, phối hợp cùng chính quyền địa phương lên kế hoạch đón khách, tích cực tham gia vào các chương trình kích hoạt du lịch…”, ông Hùng thông tin.

Đánh giá về xu hướng du lịch mới, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch HĐQT VNGroup cho rằng, dịch bệnh mang đến khó khăn, nhưng cũng thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe phát triển, khi mà nhu cầu của khách du lịch đã có sự thay đổi rất lớn. Nếu như trước kia, du khách thường hướng đến du lịch mang tính trải nghiệm và giải trí thì trong khoảng 2 năm gần đây đã chuyển dần sang du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa và sức khỏe.

Còn ông Cao Văn Kiên, Phó tổng giám đốc CEO Group nhìn nhận, sau thời gian dài giãn cách xã hội, hạn chế giao thương, nhu cầu của xã hội về đầu tư, du lịch… rất lớn. Chính vì thế, các lĩnh vực kinh tế quan trọng như bất động sản, nhóm ngành dịch vụ - du lịch... được dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi đại bộ phận người dân được tiêm chủng và dịch bệnh được kiểm soát. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch, quản lý khách sạn sôi động trở lại.

“Ngoài ra, việc Chính phủ đồng ý với đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc cũng được xem là ‘chìa khóa’ để ngành du lịch địa phương nói chung và hoạt động của các khách sạn, resort thuộc CEO Group nói riêng sớm hoạt động bình thường như trước dịch”, ông Kiên nói.

Hướng đến khách ngoại

Đến thời điểm hiện tại, việc khôi phục du lịch đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh. Chẳng hạn, Quảng Nam chính thức đón 3 đoàn khách quốc tế trở lại Hội An vào các ngày 17, 18 và 25/11/2021, quy mô trên 300 khách (cho cả 3 đợt). Tại Phú Quốc (Kiên Giang), ngày 20/11/2021 vừa qua, “đảo ngọc” đã đón đoàn 209 khách du lịch quốc tế đầu tiên sau gần 2 năm “đóng băng” do dịch và dự kiến, địa phương này sẽ đón khoảng 20 chuyến bay quốc tế/tháng trong giai đoạn tới. Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng cũng liên tục đón thêm các đoàn khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Về phía doanh nghiệp, theo tìm hiểu của phóng viên, Vietnam Airlines đang làm việc với một số thị trường trọng điểm để mở các chuyến bay từ nay đến hết tháng 1/2022. Dự kiến, hãng hàng không quốc gia này sẽ khai thác 15-20 chuyến bay charter phục vụ khách du lịch quốc tế, nếu khả quan kỳ vọng số lượng chuyến bay sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.

Bà Phạm Thị Sen, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Goodfeeling Việt Nam cho biết, dự kiến trong quý I/2022, Goodfeeling Việt Nam sẽ có 18 chuyến bay charter từ Hàn Quốc về Đà Nẵng và Hạ Long. Các chuyến bay charter của Vietjet có 225 khách/chuyến (tới Đà Nẵng), các chuyến bay của Bamboo Airlines về Hạ Long (Quảng Ninh) có 188 khách/chuyến.

Theo bà Sen, về cơ bản, các đại lý tour và du khách Hàn Quốc đã sẵn sàng, nên phía Việt Nam ra chuyến bay nào là hết chuyến đó, các đơn vị lữ hành, các chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng trong nước cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo để đón khách. Tất nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về thủ tục cần được giải quyết, chẳng hạn với các chuyến bay đưa khách từ Hàn Quốc qua Bamboo Airlines, Goodfeeling Việt Nam đang phối hợp với FLC Group cung cấp chương trình, danh sách khách, lịch bay…, nên cần hỗ trợ thủ tục từ địa phương và các cơ quan liên quan.

“Hiện tại, chúng tôi cố gắng xây dựng các chương trình du lịch phù hợp với bối cảnh thực tế tại các địa phương. Trước mắt, doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu đón khách để duy trì quan hệ khách hàng và tạo việc làm cho người lao động, chứ chưa có lãi”, bà Sen chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đánh giá, việc Chính phủ có chủ trương cho phép một số địa phương được đón khách du lịch quốc tế, trong đó có Đà Nẵng, cho thấy dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Việt Nam đang cùng với khu vực và thế giới bước vào giai đoạn bình thường mới, du lịch Việt Nam cũng đang đồng hành cùng với các nước khác chuẩn bị chào đón khách du lịch quốc tế.

“Ngành du lịch của Đà Nẵng sẽ từng bước đón khách du lịch quốc tế trở lại theo lộ trình được hướng dẫn và cũng đã có sự chuẩn bị đón khách quốc tế đến các cơ sở lưu trú đảm bảo an toàn, tạo ra hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng sôi động hơn”, ông Bình nói và cho biết thêm, theo định hướng phát triển du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, TP. Đà Nẵng sẽ dành hơn 1.000 ha đất để phát triển du lịch cũng như bất động sản du lịch.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup cho hay, việc từng bước mở lại du lịch trong nước là tín hiệu đáng mừng và Vingroup đã sẵn sàng chào đón khách du lịch quốc tế cũng như trong nước trở lại các khu nghỉ dưỡng do Tập đoàn phát triển. Trước dịch, Vingroup đã khánh thành một số cơ sở du lịch trọng điểm, trong đó 3 cơ sở lớn ở Nam Hội An, Phú Quốc và Nha Trang sẵn sàng phục vụ khách hàng với tất cả dịch vụ trong khu nghỉ dưỡng như đánh golf, ăn uống, tắm biển, vui chơi, giải trí…

Tuy nhiên, để ngành du lịch có thể hoạt động bình thường trở lại, theo ông Hiệp, vấn đề tiêm vắc-xin Covid-19 cho người làm dịch vụ cần được đặc biệt quan tâm. Riêng với các doanh nghiệp làm du lịch, việc có những chuyến bay bao trọn chuyến, đến những điểm du lịch đầy đủ dịch vụ, khép kín, sẽ giúp mở lại thị trường du lịch từng bước an toàn, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Cũng đánh giá cao tầm quan trọng của “hộ chiếu vắc-xin”, bà Phan Đặng Trà My, CEO Wow Holiday cho rằng, đây là giải pháp tốt để phục hồi ngành du lịch cũng như nền kinh tế, tuy nhiên, khi triển khai cần có phương án tổng thể, với sự hỗ trợ, tư vấn của lực lượng doanh nghiệp có nguồn lực tốt ngay tại địa phương. Theo bà My, ngoài việc đảm bảo chu trình khép kín trong du lịch “điểm đi - điểm đến - trở về”, cũng cần có một chương trình tổng thể, trong đó đảm bảo các tiêu chí khu vực đón khách du lịch được miễn dịch cộng đồng hay người dân, người làm dịch vụ đều có “hộ chiếu vắc-xin”.

“Triển khai hộ chiếu vắc-xin cần có phương án tổng thể an toàn, có sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp chủ chốt. Hãy để các doanh nghiệp có nguồn lực hỗ trợ Chính phủ, các địa phương trong việc này. Ví dụ, với Phú Quốc, đây là điểm đến hội tụ được các yếu tố tốt nhất để triển khai hộ chiếu vắc-xin vì là khu biệt lập, dễ kiểm soát người ra/vào, dân số ít, có nhiều cơ sở lưu trú là các dự án nghỉ dưỡng quy mô, chất lượng, có nhiều chủ đầu tư lớn, năng lực quản lý, vận hành tốt…”, bà My nói.

Về thời điểm triển khai “hộ chiếu vắc-xin”, bà My cho rằng, không thể cứ chờ đến khi hội tụ đủ các điều kiện mới triển khai, vì như vậy sẽ mất đi cơ hội, nhất là khi nhiều quốc gia đã triển khai các mô hình du lịch khép kín tương tự

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả