Bất động sản hậu cần hốt bạc từ dịch Covid
Theo báo cáo mới nhất của JLL, thương mại điện tử là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với doanh thu đến cuối năm nay dự kiến đạt 13 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, sau khi bùng phát, dịch Covid -19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Mặc dù vậy, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu, tư vấn thị trường bất động sản toàn cầu JLL, trong lúc nhiều ngành công nghiệp gần như đóng băng trong đại dịch, các nhà đầu tư vẫn không ngần ngại rót tiền vào phát triển và nâng cấp dịch vụ cho chuỗi cung ứng và tài sản hậu cần.
Theo báo cáo mới nhất của JLL, thương mại điện tử là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần. Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với doanh thu đến cuối năm nay dự kiến đạt 13 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng đã luôn là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng. Với tình hình dịch bệnh bất ổn, ngaỳ càng nhiều khách hàng chọn cách đi chợ online, thúc đẩy nhu cầu kho trữ lạnh cho thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác.
Theo đánh giá, thị trường chuỗi lạnh toàn cầu được định giá 4,7 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2025; tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 12,5% trong giai đoạn 2020-2025.
Các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng chuỗi lạnh từ lâu và họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm,....
Tuy nhiên, động lực thúc đẩy ngành kho vận lạnh không chỉ có vậy mà còn là sản phẩm chăm sóc sức khoẻ đặc biệt, nổi bật nhất chính là vắc xin Covid-19 và các loại vắc xin khác trong tương lai.
Theo khảo sát mới nhất của JLL, tất cả các vắc xin hàng đầu đều yêu cầu nhiệt độ rất thấp để duy trì hiệu quả, bài toán bảo quản và lưu chuyển lạnh cho vắc xin có thể là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng tiếp theo cho chuỗi cung ứng và ngành hậu cần trong thời gian tới.
Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao mảng Thị trường JLL Việt Nam, cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới.
Logistics đa phương thức và chuỗi lạnh dành cho các sản phẩm nhạy nhiệt như thực phẩm, mỹ phẩm hay vắc xin sẽ đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ hậu cần không ngừng đổi mới và cải tiến quy trình cũng như công nghệ để không để vuột mất cơ hội hưởng lợi từ các phân khúc tăng trưởng nhu cầu rất nhanh này.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, ngành hậu cầu Việt Nam sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí trước các nước khác, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào đầu tư cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.
“Ngoài ra, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực”, bà Trang nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận