Bất động sản dưỡng lão tại Việt Nam: Khó nhất là nhận thức của người Việt!
Tốc độ già hoá dân số ngày càng tăng, nên nhu cầu các loại hình bất động sản dưỡng lão cũng vì vậy mà tăng theo. Tuy nhiên, so với các phân khúc bất động sản khác, bất động sản dưỡng vẫn chưa thực sự nhận được quan tâm và có điều kiện phát triển tốt.
Để hiểu rõ hơn về bất động sản dưỡng lão trong thời điểm này và những khó khăn mà đơn vị vận hành đang gặp phải, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng bà Trần Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng.
Hiện nay, thị trường bất động sản dưỡng lão đang phát triển như thế nào so với những năm trước đây, thưa bà?
Việt Nam là quốc gia già hóa dân số nhanh chóng, dự kiến đạt tỷ lệ 20% dân số trên 65 tuổi vào năm 2050. Do vậy nhu cầu về nhà ở và dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi ngày càng tăng cao.
Quan niệm về trung tâm, viện dưỡng lão đang dần thay đổi trong tâm trí người Việt. Những người cao tuổi ngày càng mong muốn có một cuộc sống an nhàn, tiện nghi và được chăm sóc sức khỏe tốt khi về già.
Nhà nước cũng đã có một số chính sách để khuyến khích các viện dưỡng lão tư nhân ra đời, nhằm đáp ứng một phần nào đó nhu cầu của người già cũng như tốc độ già hóa của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tại Việt Nam phân khúc bất động sản dưỡng lão còn khá mới mẻ nhưng tiềm năng phát triển rất lớn, với nhiều mô hình đa dạng, từ nhà phố, biệt thự, căn hộ dịch vụ đến khu nghỉ dưỡng, trung tâm chăm sóc sức khỏe...
Đặc biệt, tại các đơn vị vận hành tư nhân, họ càng chú trọng đến chất lượng dịch vụ, cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của Người cao tuổi và tạo dựng niềm tin yêu với người thân của Người cao tuổi.
Ở góc nhìn là người vận hành trung tâm dưỡng lão, theo bà phân khúc này đang gặp phải những thách thức chính nào trong quá trình duy trì và phát triển?
Mặc dù thị trường bất động sản dưỡng lão đang có những tín hiệu tích cực, nhưng cũng đối diện với một số thách thức nhất định. Trong những ngày đầu khởi nghiệp, Diên Hồng gặp khó khăn lớn từ nhận thức của người Việt về trung tâm dưỡng lão, viện dưỡng lão.
Cho nên thời điểm đó, rất ít người cao tuổi đến ở, tuy nhiên, dần dần qua quá trình truyền thông và sự “nâng cấp” của các cơ sở dưỡng lão cả về mặt cơ sở vật chất và chất lượng chăm sóc, mọi người đã thay đổi nhận thức và dần dần nhận thấy sự cần thiết của viện dưỡng lão.
Còn hiện nay 3 khó khăn lớn đang trở thành rào cản của phân khúc bất động sản dưỡng lão. Thứ nhất, hầu hết các trung tâm, viện dưỡng lão tư nhân đang tự bỏ tiền để xây dựng cơ sở vật chất, đi thuê đất, chưa nhận được sự ưu đãi của Nhà nước về việc cho thuê đất giá rẻ hay mua đất giá rẻ.
Thứ hai, liên quan đến việc hệ thống bảo hiểm y tế của Việt Nam vẫn chưa có sự liên thông. Ví dụ, ở Diên Hồng, nhiều Người cao tuổi không phải ở Hà Nội, mà tận trong miền Trung, miền Nam ra đây ở với con cái, khi có bệnh, đi viện lại phải làm thủ tục chuyển tuyến thì mới được giảm chi phí. Thủ tục chuyển tuyến rất lâu, nếu không chuyển, chấp nhận trái tuyến thì các cụ lại được hưởng bảo hiểm rất ít.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng
Nên tôi mong rằng thời gian tới, Nhà nước có thể xem xét làm thủ tục liên thông các bệnh viện, không nhất thiết phải chuyển tuyến để người cao tuổi có thể đảm bảo hưởng chính sách tốt hơn.
Thứ ba, nguồn lao động điều dưỡng, hộ lý, nhân viên chăm sóc người cao tuổi hiện nay đang có sự cạnh tranh rất lớn. Nhiều bạn trẻ Việt Nam chọn xuất khẩu lao động ở các nước mà dân số già như Nhật Bản, Đài Loan, Úc hay Đức, vì có đãi ngộ cao hơn.
Cho nên chúng ta đang bị chảy máu chất xám. Hiện nay không chỉ có viện dưỡng lão mà trong các bệnh viện, trung tâm y tế hay các phòng khám đều thiếu nguồn nhân lực này.
Bên cạnh đó, một vài khó khăn nhỏ như chính sách hỗ trợ về giá điện, nước cho cơ quan bảo trợ xã hội còn nhiều khó khăn về mặt thủ tục giấy tờ.
Theo bà, tiềm năng phát triển của trung tâm dưỡng lão hay bất động sản dưỡng lão như thế nào trong bối cảnh dân số già đang gia tăng?
Trung tâm dưỡng lão không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn là một môi trường sinh hoạt phù hợp cho người cao tuổi. Các trung tâm này thường kết hợp nhiều tiện ích như chăm sóc y tế, hoạt động vui chơi giải trí, và cả những không gian xanh để tạo cảm giác thoải mái và an toàn cho cư dân cao niên. Bất động sản dưỡng lão, từ đó, không chỉ đơn giản là những căn hộ hay nhà riêng mà là cơ sở hạ tầng phức hợp, phục vụ đa dạng nhu cầu của người cao tuổi.
Tại Diên Hồng, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp phong phú đời sống tinh thần cho Người cao tuổi: Ví dụ như cuộc thi Hoa hậu Cao niên, Quý ông hoàn hào,…các cụ rất phấn khởi vì chưa bao giờ được bước lên sân khấu, bước lên thảm đỏ hay các cuộc thi như đua xe lăn, cờ vua, cờ tướng. Có những cụ mang về những tấm huy chương vui mừng khôn xiết khoe với con cháu và lúc đi ngủ cũng để bên người, thì đó là những niềm hạnh phúc rất đỗi giản đơn.
Bên cạnh đó thì ngày lễ, ngày Tết trung tâm cũng tổ chức rất nhiều hoạt động giữa gia đình và người cao tuổi, tạo sự gắn kết giữa các cụ - gia đình – trung tâm.
Về mặt phát triển, có nhiều kế hoạch mở rộng và phát triển mới trong tương lai dành cho lĩnh vực này. Đầu tiên, các nhà đầu tư và các công ty bất động sản đang đầu tư mạnh vào phát triển các khu dưỡng lão hiện đại, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các vùng ngoại ô và nông thôn. Mô hình kết hợp giữa trung tâm dưỡng lão và các khu đô thị cảnh quan sẽ ngày càng trở nên phổ biến, nhằm đáp ứng nhu cầu vừa được bảo đảm sức khỏe vừa có không gian sống xanh.
Thứ hai, các dịch vụ dưỡng lão cũng đang phát triển hướng tới tính cá nhân hóa và chuyên môn hóa cao hơn. Đây là xu hướng quan trọng bởi người cao tuổi ngày càng có nhu cầu khác biệt và cao cấp hơn trong việc chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Cuối cùng, công nghệ cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng cường hiệu quả quản lý và cải thiện chất lượng dịch vụ. Các trung tâm dưỡng lão sử dụng các hệ thống thông minh để giám sát sức khỏe, cung cấp dịch vụ và kết nối người cao tuổi với thế giới bên ngoài.
Quan điểm của bà về các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các dự án bất động sản dưỡng lão? Bà có đề xuất gì cho cơ quan quản lý để hỗ trợ phát triển loại hình này?
Để mà đáp ứng được tốc độ già hóa của Việt Nam trong giai đoạn tới khi người cao tuổi tỷ lệ già hóa chiếm đến khoảng 11 %, đến năm 2030 phải lên tới 17 %, thì chắc chắn phải có sự chung tay của Nhà nước rất nhiều để hỗ trợ các viện dưỡng lão tư nhân phát triển.
Chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực dưỡng lão để nhiều người già có thể hưởng những dịch vụ tiện nghi nhưng giá nó phải rất “mềm” vì hiện nay thu nhập của người Việt vẫn còn thấp.
Ngoài ra, Nhà nước cũng xem xét xây dựng các chính sách thu hút nhân tài vào lĩnh vực điều dưỡng. Hiện nay, nguồn nhân lực này trong nước đang dần cạn kiệt, một phần vì công việc vất vả, phần nữa là thu nhập không cao.
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ hiện nay chưa nhiều và chúng tôi cũng tự chủ động, không phụ thuộc và việc có chính sách mới triển khai. Theo đó, Diên Hồng sẽ hợp tác với những đơn vị mà có mong muốn làm trung tâm, viện dưỡng lão nhưng họ lại chưa có kinh nghiệm, chưa có cách vận hành, cũng như chưa hiểu về thị trường này. Bù lại họ có năng lực tài chính, còn chúng tôi có kinh nghiệm vận hành sẽ kết hợp xây dựng các khu dưỡng lão.
- Xin cám ơn bà!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận