Bất động sản đắt cắt cổ - Nguyên nhân sâu xa nhất của căng thẳng tại Hồng Kông?
Giá căn hộ đã tăng khoảng 48% trong 5 năm qua. Theo tính toán của Demographia, ước tính phải mất 21 năm thu nhập bình quân của người dân trung bình để có thể mua được một căn nhà.
Các cuộc biểu tình tại Hồng Kông không chỉ đơn giản xoay quanh vấn đề tự do và dân chủ. Bất bình đẳng gia tăng bao lâu nay đã khiến cho căng thẳng tại Hồng Kông dâng cao, và cho đến nay, chẳng có gì cho thấy rõ ràng sự cách biệt rõ ràng giữa người giàu và người nghèo bằng giá bất động sản nhà ở cao ngất trời, theo bài báo mới được Bloomberg đăng tải mới đây.
Các nhà kinh doanh bất động sản, chủ yếu là các gia đình tài phiệt có sức mạnh nắm thị trường trong tay, kiểm soát nhiều ngành công nghiệp, từ các ngành thiết yếu cho đến dịch vụ viễn thông. Cả chính quyền thành phố và người dân đều nhìn nhận rằng việc nhà ở có giá cả hợp lý sẽ giúp làm giảm căng thẳng về chính trị.
Bất động sản tại Hồng Kông đắt đỏ như thế nào?
Đã nhiều năm nay, Hồng Kông nằm trong nhóm các thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Ví dụ, căn hộ một phòng ngủ tại Tuen Mun ở khu New Territories nằm cách trung tâm thành phố Hồng Kông, khu trung tâm kinh doanh chính của thành phố, khoảng 1 giờ đồng hồ, có giá tương đương căn hộ hai phòng ngủ tại khu phía Đông của New York.
Giá căn hộ đã tăng khoảng 48% trong 5 năm qua. Theo tính toán của Demographia, ước tính phải mất 21 năm thu nhập bình quân của người dân trung bình để có thể mua được một căn nhà, trong khi đó tỷ lệ này tại Vancouver - Canada ước tính 12,6 năm và tại London – Anh ước tính 8,3 năm. Giá thuê nhà cũng không hề rẻ, giá thuê nhà tại Hồng Kông cao hơn giá thuê nhà với diện tích tương tự tại San Francisco, New York hay Zurich.
Tại sao giá nhà tại Hồng Kông lại đắt đỏ đến như vậy?
Nếu nhìn bên ngoài, có vẻ như nó là câu chuyện của cung và cầu. Hiện tại, dân số Hồng Kông đang ở mức 7,5 triệu người trên tổng diện tích ước khoảng 1.105 km vuông – diện tích tương đương với Los Angeles trong khi Los Angeles chỉ có 3,9 triệu người.
Hồng Kông trở thành thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới, hơn 17.311 người/dặm vuông. Thế nhưng mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Bao lâu nay Hồng Kông vốn là địa điểm ưa thích của nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc, lượng lớn người Trung Quốc đổ xô đến Hồng Kông khiến cho nhu cầu nhà tăng cao. Nhiều người mua gom bất động sản Hồng Kông luôn có niềm tin rằng giá nhà sẽ tăng không ngừng.
Chính quyền Hồng Kông phụ thuộc vào bất động sản đến mức độ nào?
Chính quyền Hồng Kông vô cùng phụ thuộc vào bất động sản. Hồng Kông duy trì chế độ thuế thấp. Doanh thu từ đất chiếm đến 27% doanh thu của chính quyền Hồng Kông trong năm 2018 và đây cũng là nguồn cung tài chính lớn nhất. Với tiền thuế thu được từ bất động sản, chính quyền dùng nó cho hạ tầng, xây dựng cầu cảng, đường cao tốc hoặc vận hành hệ thống công nghệ thông tin. Các tài phiệt bất động sản Hồng Kông cũng có nhiều quyền lực chính trị.
Nhiều tài phiệt bất động sản nổi danh đất Hồng Kông như ông Lý Gia Thành hay ông Adam Kwok thuộc nhóm 1.200 người bỏ phiếu bầu lên trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông trong cuộc bầu cử mới đây. Hiện tại, khoảng 90% người bỏ phiếu trong lĩnh vực bất động sản công khai ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ứng viên được sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh và cũng là người ở tâm điểm phẫn nộ của người biểu tình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận