Bất động sản cuối năm sôi động: Mua đất rừng, cẩn trọng rủi ro
Thị trường bất động sản dịp cuối năm đang khá sôi động. Bên cạnh các phân khúc đất thổ cư và đất vườn, nhiều nhà đầu tư chọn mua đất rừng sản xuất, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Rầm rộ bán mua đất rừng
Theo khảo sát của PV Dân Việt, trên nhiều trang rao bán bất động sản và nhóm mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin rao bán đất rừng ở nhiều địa phương: Hòa Bình, Lâm Đồng… Trong đó, giá đất rừng hiện nay khá rẻ khiến nhiều nhà đầu tư "ôm mộng" giàu nhanh.
Đơn cử như, đất rừng ở huyện Sóc Sơn cũng được rao bán rầm rộ sau thông tin Hà Nội dự kiến quy hoạch huyện này lên thành phố. Theo tư vấn của môi giới, đất rừng có sổ lâm bạ ở thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) được một số hộ chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất vườn quả, trong đó có một phần diện tích được xây công trình trông coi đang được rao bán cho những người có nhu cầu xây homestay, biệt thự nghỉ dưỡng với giá 130 – 140 triệu đồng/1 sào (360m2).
Trước đó, đất rừng sản xuất tại khu Đồng Đò (huyện Sóc Sơn) được nhiều người dân rao bán. Đơn cử như một khoảnh rừng hơn 2ha được rao bán với 7 tỷ đồng, tương ứng giá hơn 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đất khu vực này chỉ được làm các công trình tạm, không được phép xây kiên cố.
Tương tự, đất rừng sản xuất đi kèm đất vườn, đất thổ cư tại Hòa Bình và các tỉnh vùng núi phía Bắc cũng được rao bán rầm rộ thời gian gần đây.
Về việc mua bán đất rừng, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến tình trạng phân lô bán nền ở Bảo Lộc, Bảo Lâm thuộc tỉnh này. Theo văn bản của Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ này đề nghị làm rõ việc có tới 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục và chào bán rầm rộ. Ở Bảo Lâm, số dự án ít hơn nhưng diện tích dự án lại lớn hơn, nhiều dự án áp sát rừng.
Cũng theo văn bản của Thanh tra Bộ Xây dựng, những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những dự đại dự án có diện tích hơn 10 ha, thậm chí 41ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt), có dự án nằm ngay trong Trung tâm TP.Bảo Lộc. Bên cạnh đó còn có tình trạng dự án bất động sản xẻ đồi chè để phân lô, bán nền tràn lan thời gian qua...
"Mắc kẹt" vì mua đất rừng
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Ngô Thúy An (Từ Liêm, Hà Nội) người đang mắc kẹt tại mảnh đất rừng hơn 2ha tại Minh Phú (Sóc Sơn) cho biết, giữa năm 2019 chị cùng vài người bạn tới khu vực này để mua đất làm homestay.
Nhân viên môi giới nói loại đất rừng không sổ đỏ với giá bán từ 2 triệu - 2,5 triệu đồng/m2 đang được nhiều người ưa chuộng và săn tìm nhất. Đây là loại đất được người dân rao bán công khai, bởi nhà đầu tư mua về và vẫn có trách nhiệm trông coi rừng, không xây dựng công trình to lớn, kiên cố…
"Đúng là thấy giá rất rẻ và những lời môi giới nói có lý nên tôi mua mảnh rừng chưa đầy 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi mua bán xong xuôi, lúc bắt tay chuẩn bị làm homestay, tôi và bạn bè tá hỏa khi xin phép cải tạo con đường đất bằng phẳng, cùng xây dựng một căn nhà 100m2 trên mảnh rừng là rất khó, cộng với cả tốn kém chi phí. Cuối cùng kế hoạch làm dự án chậm lại, đến lúc làm xong thì dịch bệnh ập đến, homestay cũng đóng cửa, thanh khoản cũng khó khăn.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian qua, khi xảy ra một số cơn sốt đất, ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: Đất rừng, đất ruộng, vườn... Nhiều môi giới, thậm chí là người dân đã tự phát rao bán đất rừng, đất vườn có sổ đỏ hoặc không sổ đỏ.
Nhiều mảnh đất rừng ăn theo "sốt đất" cũng tăng giá để bẫy những nhà đầu tư non kinh nghiệm. "Việc rao bán đất rừng tràn lan dẫn đến rất nhiều hệ lụy như sốt đất ảo, xây dựng trái phép, lừa đảo người dân khiến thị trường phát triển thiếu bền vững", ông Đính nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu người dân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch mà chưa được phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì nhà nước cần phải xử lý kịp thời; tránh hệ lụy mất đất rừng, xẻ núi như những bài học đã diễn ra trước đó.
Về vấn đề này, PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, thị trường bất động sản gần đây đã xuất hiện một số mô hình bất động sản kiểu mới. Môi hình này xây dựng từ việc phân lô, bán (cho thuê) đất rừng kèm những cam kết về chuyển đổi rừng sang đất ở (ra sổ đỏ) cũng như lợi nhuận gia tăng giá trị khi công trình đầu tư chỉ tạm bợ, ít chi phí. Thực tế các loại sản phẩm mới này đều chưa có tính pháp lý rõ ràng, kinh doanh lâu dài thiếu ổn định và khó quản lý.
"Hiện tượng "xẻ rừng già xây biệt thự", rao bán đất rừng làm khu du lịch nghỉ dưỡng,…. và những vi phạm pháp luật về đất đai có thể xảy ra nhiều hơn nữa trong thực tế, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới ", PGS. TS. Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận