24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bất động sản công nghiệp: Hướng đến Khu công nghiệp sinh thái

Chỉ trong những tháng đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn có sự phát triển mạnh mẽ, sôi động ở nhiều tỉnh, thành phố và việc phát triển mô hình Khu công nghiệp sinh thái được xem là hướng đi cần thiết tại Việt Nam.

Việc phát triển theo mô hình Khu công nghiệp sinh thái không còn mang tính chất khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về tăng trưởng và phát triển, cải thiện đời sống của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Đóng góp vào quá trình phát triển này có thể kể đến vai trò to lớn của các Khu công nghiệp với khoảng hơn 360 Khu công nghiệp được thành lập, trong đó hơn 270 Khu công nghiệp đang hoạt động tại cả 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam.

Tuy nhiên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là xử lý nước thải, tại các khu công nghiệp đã cơ bản đầy đủ; công tác phát triển hạ tầng hệ thống xử lý nước thải, chất thải của các Khu, Cụm công nghiệp, có kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý môi trường cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp mới chỉ đạt trên dưới 50%. Trước những tác động tiêu cực tới môi trường và cộng đồng, các mô hình Khu công nghiệp sinh thái được đề xuất triển khai.

Theo các chuyên gia, mô hình Khu công nghiệp sinh thái là một mô hình Khu công nghiệp mới theo những tiêu chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải và không gian xanh, khuyến khích công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải. Vì vậy, Khu công nghiệp sinh thái là một hướng đi đúng đắn hướng tới một nền sản xuất quan tâm đến môi trường, xã hội và đảm bảo phát triển bền vững. Nhưng, Việt Nam hiện chưa có Khu công nghiệp nào đạt tiêu chí mô hình Khu công nghiệp sinh thái, mà chỉ có một vài dự án đang trong giai đoạn xây dựng theo tiêu chí trên.

Ông Bruno Jaspaert – Tổng giám đốc các Khu công nghiệp DEEP C cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục có những tăng trưởng vượt bậc, tuy nhiên việc phát triển theo mô hình Khu công nghiệp sinh thái không còn mang tính chất khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty phát triển hạ tầng, nếu họ muốn thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng và có thương hiệu tốt. Ba yếu tố cơ bản của Khu công nghiệp sinh thái bao gồm quản lý môi trường và hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn ở mỗi doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và các mạng lưới cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp và hạ tầng xanh của Khu công nghiệp.

Mô hình Khu công nghiệp sinh thái được thực hiện thành công ở nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc và nhiều nước châu Âu. Việt Nam cần hướng tới các nhà đầu tư và lĩnh vực cụ thể sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất có thể. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực lên quỹ đất và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khác.

Bên cạnh đó, để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển Khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ Khu công nghiệp sinh thái, mô hình dịch vụ Khu công nghiệp và đô thị kết hợp...

Trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức Hội thảo khởi động “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (Dự án).

Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 5 tỉnh, thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Dự án là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình Khu công nghiệp sinh thái giai đoạn 2014 – 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với UNIDO và một số nhà tài trợ, đạt được các kết quả tích cực trong xây dựng thể chế và áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Mô hình Khu công nghiệp sinh thái đã được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế.

Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm trên 22.000 Mwh điện, 600.000 m3 nước sạch, 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm… Dự án sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình Khu công nghiệp sinh thái trên phạm vi cả nước.

Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy và chuyển một phần dây chuyền sản xuất, lắp ráp sản phẩm từ Trung Quốc. Hầu hết các báo cáo đều chỉ ra, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bởi nguồn nhân lực giá rẻ, mà còn bởi môi trường đầu tư đang ngày càng được cải thiện.

Việc triển khai mô hình Khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần quan trọng trọng việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về Khu công nghiệp sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả