Bất động sản còn phải chịu di chứng Covid-19
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid -19 xuất hiện, nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tục thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều công trình xây dựng phải dừng, giãn tiến độ, kế hoạch ra hàng bị ngưng trệ, người dân giảm thu nhập hoặc có tâm lý chờ đợi…
Trò chuyện với VnEconomy, bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn GFS cho rằng, khó khăn trên đã làm giảm sút nghiêm trọng về doanh thu và dòng tiền của các chủ đầu tư, khiến phần lớn các doanh nghiệp bất động sản dần kiệt sức... Tình trạng đó sẽ còn tiếp diễn ít nhất là đến hết năm 2022, và có thể phải mất thêm từ 3 đến 5 năm nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, vẫn có những doanh nghiệp tìm được lối đi riêng, vượt qua thách thức, không chỉ duy trì hiệu quả hoạt động mà còn phát triển hơn trước.
Thưa bà, trong các cuộc trao đổi với VnEconomy không ít doanh nghiệp bày tỏ lo ngại, ngay cả khi dịch bệnh được khống chế vào năm 2022, thì thị trường bất động sản vẫn sẽ phải chịu di chứng nặng nề bởi Covid -19. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Ngay tại thời điểm này, chúng ta chưa thể đoán biết được chính xác khi nào dịch bệnh mới kết thúc hoàn toàn, cũng như chưa thể đo đếm được hết những hậu quả mà nó gây ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tại Việt Nam, khó khăn sẽ còn tiếp diễn ít nhất là đến hết năm 2022, không thì cũng phải thêm 3-5 năm nữa.
Vì sao vậy? Như chúng ta đã thấy, tốc độ tiêm phủ 2 mũi vaccine cho 70 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng – một trong những tiêu chí quan trọng giúp mọi hoạt động thương mại, đời sống được bình thường trở lại, đang bị chậm so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Nếu duy trì tốc độ tiêm chủng như hiện tại (20.000-40.000 mũi tiêm/ngày chưa tính mũi 1 hay 2), có thể phải 2-3 năm nữa chúng ta mới đạt được chỉ tiêu, tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa tự chủ hoàn toàn được nguồn vaccine.
Thực tế, thị trường bất động sản đã và đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi tâm lý của người mua. Theo tôi, năm 2022, nếu dịch bệnh được khống chế, thì phân khúc nhà ở sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, nhất là đối với những dự án đã đầy đủ tính pháp lý do nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn. Nhưng thị trường khách sạn, căn hộ dịch vụ, bán lẻ, văn phòng trong nước chưa thể phục hồi ngay được. Lý do là khách hàng cũng như các nhà đầu tư đã trở nên quá dè dặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong hai năm qua. Và như bạn đã nói, do di chứng Covid -19 còn lớn, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng đã trở nên “yếu sức” nên họ vẫn phải thắt chặt chi tiêu.
Đặc biệt, phân khúc bất động sản du lịch đang phải chịu khó khăn kép bởi cả Covid-19 lẫn việc pháp lý chưa hoàn thiện nên chưa thể hồi phục ngay được.
Tuy nhiên, nhiều người đang kỳ vọng việc thực hiện thí điểm “hộ chiếu vaccine” sẽ mang lại những tác động tích cực tới các phân khúc bất động sản thương mại. Quan điểm của bà như thế nào?
Chúng ta cần có thời gian để triển khai và đánh giá việc thực hiện thí điểm “hộ chiếu vaccine” cũng như điều chỉnh các quy định để áp dụng đại trà trong nước trước khi mở cửa đón khách du lịch và các chuyến bay quốc tế.
Điều đó đồng nghĩa với việc công suất khai thác của hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và ngay cả căn hộ dịch vụ, văn phòng cho thuê vẫn chưa thể có sự chuyển biến đột phá ngay được.
Tương tự, phân khúc mặt bằng bán lẻ có thể không tiếp tục giảm giá hay bị trả lại nữa, nhưng các nhãn hàng sẽ không dám mạnh dạn đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động mà duy trì song song, thậm chí tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng số. Vì vậy, lượng tồn dư mặt bằng cho thuê hiện tại, cộng với diện tích sàn cho thuê (thường là nằm ở phần đế các toà nhà chung cư) chuẩn bị ra mắt theo tiến độ triển khai các dự án sẽ tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt, tiếp tục là bài toán khó cho các nhà đầu tư.
Tôi được biết, hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã dừng hoàn thiện phần sàn thương mại tại dự án của mình, đợi thị trường khởi sắc trở lại mới triển khai tiếp, để tránh bị đọng vốn lớn.
Vậy theo bà, đâu là dòng sản phẩm bất động sản tiềm năng trong năm tới?
Theo tôi, đó là các sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc “cao cao hẳn”, “thấp thấp hẳn”.
“Cao cao hẳn” tức là các sản phẩm hạng sang nhắm tới đối tượng (số ít) khách hàng siêu giàu, thu nhập không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mong muốn sở hữu căn nhà thực sự đẳng cấp, độc đáo.
Còn “thấp thấp hẳn” là dòng sản phẩm nhà ở bình dân, dành cho những người có thu nhập không cao. Phân khúc này có nhu cầu rất lớn, ước tính chiếm tới 70% tổng nhu cầu nhà ở đô thị, nhưng nguồn cung lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, tạo ra những sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân lao động tại đô thị, đáp ứng được những tiêu chuẩn xây dựng, chất lượng, tiện ích cơ bản nhất định, sẽ mang lại lợi nhuận không lớn nhưng ổn định cho các chủ đầu tư.
Từ cách nhìn đó, GFS chú trọng vào phân khúc nào, thưa bà?
Khi đại dịch diễn ra, chúng tôi thật sự đã có quãng thời gian lắng lại, cùng nhau phân tích, nghiên cứu, chủ động tìm kiếm và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như xác định cụ thể kế hoạch, mục tiêu của tập đoàn.
Chúng tôi liên tục điều chỉnh phương thức làm việc để thích ứng với hoàn cảnh thực tế, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ mọi quy định, hướng dẫn của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch. Một trong những ưu tiên hàng đầu của tập đoàn là đầu tư vào nhân sự. Khó khăn chung cũng là cơ hội để GFS chiêu mộ nhân tài. Vì thế, từ đầu năm 2021 đến nay, trong lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp, GFS không những không giảm biên chế, mà còn chiêu mộ thêm gần 40 nhân sự chất lượng cao.
Ngoài ra, chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” cũng là một trong những phương thức giúp chúng tôi duy trì hiệu quả hoạt động trong thời gian qua. GFS đã hợp tác, bắt tay với nhiều đối tác uy tín hàng đầu trong và ngoài nước cho việc tư vấn phát triển dự án, thiết kế kiến trúc, ứng dụng công nghệ xây dựng mới cho các dự án bất động sản cao cấp, hạng sang. Điều này vừa giúp GFS tiên phong tạo dựng được các sản phẩm bất động sản mang đẳng cấp quốc tế, vừa bổ trợ tốt cho chuỗi dự án mang thương hiệu “Five Star” của tập đoàn…
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đầu tư vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập vừa và thấp. Cụ thể, năm tới, GFS sẽ tập trung triển khai các khu thiết chế công đoàn tại Hưng Yên, Nam Định, Khánh Hoà. Mỗi khu thiết chế hoàn thành sẽ cung cấp 2.500 - 4.000 chỗ ở cho người lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận