Bất động sản cho thuê ‘khốn khổ’ vì tác động của dịch COVID-19
Chưa có thời điểm nào bất động sản cho thuê lại “ế ẩm” như thời điểm hiện tại. Giá cho thuê nhà phố, văn phòng bị đẩy xuống thấp, nhiều nhà đầu tư phân khúc này khốn khổ vì tác động của dịch COVID 19 mà không có lối thoát.
Nhiều biển hiệu chuyển nhượng cửa hàng, cho thuê cửa hàng những ngày gần đây không hiếm gặp tại những con phố ở Hà Nội. Dịch COVID-19 đã khiến lượng khách giảm đáng kể. Trong khi giá thuê mặt bằng, trả lương nhân viên không giảm các hộ kinh doanh tiêu điều vì dịch bệnh.
Theo Cục Thuế Hà Nội, hiện toàn thành phố có gần 184.400 hộ kinh doanh, trong tháng 1/2020, có hơn 13.800 hộ phát sinh hóa đơn, nhưng tháng 2/2020 chỉ còn gần 4.300 hộ phát sinh hóa đơn. Số hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn suy giảm 68% so với tháng trước.
Hơn 3.400 đơn vị, hộ kinh doanh bị giải thể, đóng cửa bởi COVID-19, số thu ngân sách Nhà nước có thể mất lên tới 16.600 tỷ đồng tùy theo thời gian diễn biến dịch bệnh.
Tại một số trung tâm thương mại, do người dân hạn chế đi lại chốn đông người để phòng chống lây lan dịch bệnh khiến các khu vực mua sắm, ăn uống thường ngày diễn ra sôi động, tấp nập, nay lại vô cùng vắng vẻ. Những vị trí “vàng” tại các trung tâm thương mại trước đây phải cạnh tranh, “xếp lốt” để được thuê kinh doanh thì nay cũng không hiếm điểm tạm dừng kinh doanh hoặc trả mặt bằng.
Theo thống kê một đơn vị môi giới bất động sản, dù chưa phổ biến nhưng một số chủ mặt bằng trên các tuyến đường lớn ở đã chủ động giảm 20-30% giá cho thuê. Với những mặt bằng mới bị trả lại thì giảm 10-20% cho khách thuê mới. Tuy nhiên, một số môi giới cho biết cũng khó tìm được.
Theo khảo sát của phóng viên Nhadautu.vn, mặt bằng cho thuê tại Hà Nội hiện nay đang trống khá nhiều, nhiều tòa nhà văn phòng cho thuê không giao dịch được vì các doanh nghiệp hầu như không chuyển văn phòng hay thành lập mới vì đại dịch COVID-19.
Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Lê Huấn - Giám đốc Công ty xây dựng Hà An cho biết, cuối năm 2019, đơn vị của ông đã có kế hoạch thuê chuyển văn phòng mới, tuy nhiên do dịch nên mọi kế hoạch đã bị hoãn lại.
“Tình hình khó khăn như hiện nay, công việc để duy trì doanh nghiệp còn khó khăn, thì làm sao có thể đầu tư trang thiệt bị và thuê văn phòng, kể cả sau khi hết dịch thì chúng tôi cũng chưa thể thay đổi được”, ông Huấn nói.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, những vấn đề nội tại về nguồn tín dụng, vướng mắc pháp lý về đầu tư… khiến thị trường bất động sản khó khăn trong đầu năm 2020 nhưng những khó khăn này càng nặng nề khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện có khoảng 300 sàn giao dịch bất động sản buộc phải đóng cửa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề cho thị trường bất động sản ở phân khúc nhà cho thuê, văn phòng, trung tâm thương mại. Và điều quan trọng là chưa biết được dịch bệnh kéo dài tới thời gian nào.
“Dịch vụ lưu trú, văn phòng cho thuê là những phân khúc đang cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản. Những khó khăn này không phải một thời điểm ngắn mà kéo dài, ở trên diện rộng và chưa thể đánh giá được thiệt hại. Hiện tại, chủ đầu tư cho thuê đã giảm giá nhưng không cứu vãn được”, ông Điệp nói.
Các dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí, du lịch… hầu như đóng cửa điều này dẫn đến lượng diện tích cho thuê dư thừa trên thị trường. Loại hình văn phòng mở, văn phòng chia sẻ vốn trước đấy rất “hot” trên thị trường thì nay gần như tê liệt khi hạn chế tập trung đông người do dịch bệnh. Những ảnh hưởng này sẽ là trong dài hạn với thị trường bất động sản nó phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch bệnh của nền kinh tế.
Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang - Giám đốc Thị trường Việt Nam của JLL nhận xét: Dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường nên còn sớm để đưa ra kết luận về tác động ngắn hạn và trung hạn của dịch bệnh tới thị trường văn phòng cho thuê.
Tuy nhiên, theo bà Trang, doanh nghiệp cần phải tính đến phương án yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà hoặc không gian khác. Tình hình hiện tại có thể ảnh hưởng đến sự năng động của một số ngành công nghiệp, dẫn đến việc trì hoãn các kế hoạch chuyển đổi và mở rộng văn phòng.
Cùng đó, lượng khách của các cửa hàng ăn uống cũng giảm 20-30% vào ngày thường; thậm chí giảm 50% vào dịp cuối tuần. Điều này khiến doanh thu tại các trung tâm thương mại giảm tới 40%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận