Bắt đáy sao cho chuẩn?
Khi tham gia thị trường chúng ta vẫn thường nói với nhau về thuật ngữ “bắt đáy”. Vậy bắt đáy là gì? Và làm sao để biết khi nào thị trường tạo đáy để bắt? Bài viết này mình sẽ chia sẻ về thuật ngữ “bắt đáy” và đưa ra một số tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường tạo đáy.
“Bắt đáy” là một chiến lược hành động giá ngắn hạn trong đó nhà đầu tư mua chứng khoán đã quan sát thấy giá chứng khoán giảm đột ngột trong một thời gian rất ngắn, có hoặc không có bất kỳ thay đổi cơ bản lớn nào về triển vọng của công ty. Nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu đang có giá quá rẻ và nghĩ rằng không thể xuống được nữa nên bắt đầu đặt lệnh mua vào. Hành động mua vào đó được gọi là "bắt đáy".
Bản chất của bắt đáy chính là việc các nhà đầu tư đi tìm kiếm những mã cổ phiếu đang bị định giá thấp trên thị trường và đầu tư để kiếm nguồn lợi nhuận.
Việc bắt đáy ngoài mang lại nguồn lợi nhuận cho nhà đầu tư thì nó cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu như việc xác định đáy của nhà đầu tư không chính xác.
Vậy làm sao để xác định đáy thành công với xác suất cao nhất?
Đây có lẽ là câu hỏi được rất nhiều người đang quan tâm trong thời gian gần đây khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những phiên giảm điểm mạnh.
Thị trường chứng khoán dao động lên xuống không hề ngẫu nhiên, sự tăng giảm của nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, các tin tức vĩ mô trong nước và quốc tế…. Nhà đầu tư cần có đủ kỹ năng và kinh nghiệm nhận ra các dấu hiệu sớm để từ đó có thể nhận biết khi nào thị trường rơi vào trạng thái downtrend, khi nào thì thị trường tạo đáy và tăng mạnh trở lại.
Chúng ta cũng có thể biết được thời điểm nào là thời điểm thị trường đã được tạo đáy thông qua rất nhiều các dấu hiệu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này mình xin chia sẻ những tín hiệu kỹ thuật báo hiệu thị trường tạo đáy.
1. Phân kỳ
Phân kỳ là một trong những tín hiệu mạnh mẽ trong giao dịch chứng khoán và một số thị trường tài chính khác. Phân kỳ trong trading cũng là một trong những chiến thuật được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nó được hiểu một cách đơn giản là sự dịch chuyển trái chiều giữa đường giá và hướng của đường các chỉ báo như RSI, MACD, Stochastic….
Đối với MACD, khi giá thể hiện đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng histogram lại thể hiện đáy sau cao hơn đáy trước báo hiệu cho chúng ta thấy thị trường sắp có sự đảo chiều.
Tương tự như vậy, khi giá liên tục ra các đáy thấp hơn nhưng đáy RSI lại cao dần lên thể hiện lực bán ra đã giảm bớt, động lượng giảm giá đã yếu đi nhiều nhằm báo hiệu cho chúng ta thấy sự đảo chiều của thị trường.
Những dấu hiệu đó là dấu hiệu tốt cho thấy cổ phiếu này có thể đã tạo đáy.
2. Mô hình giá
- Mô hình giá vai đầu vai ngược.
Mô hình vai đầu vai ngược là một mô hình tăng giá, thể hiện lực mua đang rất mạnh và giá có khả năng tăng lên mức cao hơn. Về hình dáng mô hình này sẽ giống như vai- đầu – vai bị lộn ngược xuống. Đây cũng là một tín hiệu cho biết thị trường có thể đã tạo đáy và nhà đầu tư cần theo dõi và cân nhắc hành động.
- Mô hình 2 đáy.
Mô hình 2 đáy (hay còn gọi là Double Bottom, mô hình “đáy đôi“) được sử dụng rộng rãi trong phân tích kỹ thuật. Đây là mô hình giá đảo chiều, thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, dự báo thị trường sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng. Điều này có nghĩa là khi mô hình hai đáy xuất hiện thì xu hướng tăng chuẩn bị diễn ra.
Mô hình hai đáy có hình dáng giống chữ W, khi giá bị đẩy xuống hình thành đáy thứ nhất, sau đó có nhịp hồi lại tạo đỉnh cao hơn một chút so với đáy trước khi giá đi xuống hình thành đáy thứ 2. Khi đã tạo đáy thứ 2 xong thị trường đi lên vượt vùng đỉnh nhỏ trước đó thì giá có thể tăng mạnh.
- Mô hình 3 đáy
Tương tự như mô hình 2 đáy,mô hình 3 đáy được sử dụng rộng rãi trong phân tích kỹ thuật. Đây là mô hình giá đảo chiều, thường xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, dự báo thị trường sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng.
Mô hình 3 đáy được cấu tạo như 3 chữ V ghép lại với nhau, gồm 3 đáy tạo nên 1 đường hỗ trợ và 2 đỉnh hình thành 1 đường kháng cự. Đây cũng là một tín hiệu đáng được lưu tâm đối với các nhà đầu tư muốn bắt đáy.
Một khi các mô hình như vai đầu vai ngược, mô hình 2 đáy, mô hình 3 đáy này được tạo xong thì cũng là lúc giá tăng mạnh.
Do đó, khi bạn nhận ra chúng, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc đến giá cổ phiếu đó và thực hiện vị thế mua của mình.
3. Mô hình nến
Trong phân tích kỹ thuật, một số mô hình nến cũng góp phần giúp cho nhà đầu tư có thể xác định được thị trường đã thực sự tạo đáy hay chưa.
Một số mô hình nến đáng quan tâm như: nến doji, nến nhấn chìm tăng, nến búa…
- Nến Doji có giá đóng cửa và giá mở cửa bằng nhau hoặc xấp xỉ bằng nhau. Bởi vậy mà thân nến rất nhỏ, dường như không có, nhìn trên biểu đồ thân nến chỉ là đường nằm ngang mỏng. Thể hiện sự lưỡng lự giữa các nhà đầu tư, đồng thời thể hiện lực mua và lực bán đã suy yếu dần và nó có thể là báo hiệu cho sự đảo chiều của thị trường.
- Nến nhấn chìm tăng là một mô hình gồm 2 cây nến ngược nhau xảy ra trong một xu hướng giảm. Trong đó nến trước là nến giảm với phần thân ngắn gọn còn nến sau là nến tăng với phần thân dài và bao trùm toàn bộ nến thứ nhất. Mô hình nên này thể hiện phe mua đang chiếm ưu thế và là dấu hiệu cho thấy thị trường có thể đảo chiều đi lên.
- Nến búa là 1 cây nến có hình dạng giống “cái búa”. Phân thân nến khá nhỏ, râu nến trên rất bé hoặc không có còn râu nến dưới lại rất dài. Mô hình xuất hiện ở cuối 1 xu hướng giảm cho thấy sự từ chối giá giảm xuống thấp hơn của thị trường. Đây là tín hiệu mạnh báo hiệu xu hướng sẽ đổi chiều từ giảm sang tăng.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận