Bắt đầu một chu kỳ mới?
Dường như có một niềm tin đang được lan tỏa rộng rãi đối với guồng máy kinh tế toàn cầu, rằng với quyết định giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 18/9, một chu kỳ mới với nhiều động lực tăng trưởng hơn đã được mở ra. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ cụ thể hóa tâm lý lạc quan đó có lẽ vẫn phụ thuộc vào khá nhiều biến số.
Quyết định đột phá
Thay vì mức cắt giảm lãi suất thận trọng quen thuộc là 0,25 điểm phần trăm, trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) ngày 18/9, FED thông báo cắt giảm lãi suất xuống phạm vi 4,75-5,00%, từ mức 5,25-5,5% trước đó. Quyết định này được đưa ra dựa trên cơ sở những diễn biến gần đây của tình trạng lạm phát.
Các nhà hoạch định chính sách của FED đánh giá: “Ủy ban đã có được sự tin tưởng lớn hơn rằng lạm phát đang di chuyển một cách bền vững về mục tiêu 2%”. FED cũng cho biết sẽ sẵn sàng điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ của mình, trong trường hợp rủi ro xuất hiện có thể cản trở nỗ lực đạt được các mục tiêu về lạm phát cũng như việc làm.
Những quyết sách của người chiến thắng trong cuộc đối đầu này mới là điều thật sự quyết định có phải một chu kỳ nới lỏng mới đã mở ra cho nền kinh tế toàn cầu hay không?
Ngoài ra, FED cũng hé lộ về khả năng giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay. Tiếp đó, FED dự kiến cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025 và giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2026. Bên cạnh đó, FED nâng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vào cuối năm 2024 lên mức 4,4%, từ mức 4% đã được đưa ra vào tháng 6/2024.
Đây là đợt giảm lãi suất đầu tiên của FED trong vòng 4 năm trở lại đây, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đã xuống thang đáng kể, sau khi lập đỉnh trong quãng thời gian 40 năm, cách đây hơn 2 năm. Trước FED, từ ngày 1/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay.
Mặc dù mang tính chất của một hành động “mở đột phá khẩu” mãnh liệt, nhưng thật ra, động thái này cũng đã được giới chuyên môn tiên liệu. Ngay từ phiên giao dịch ngày 16/9, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã thể hiện những bước chuyển tương đối tích cực. Theo đó, khi khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, lên 41.622,08 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,1%, lên 5.633,09 điểm. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,5%, xuống 17.592,13 điểm.
Ở bên kia Đại Tây Dương, chỉ số FTSE tại thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) đóng cửa tăng 0,1%, lên 8.278,44 điểm. 3 ngày sau, 19/9, Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở mức 5%, bởi tình trạng lạm phát vẫn ổn định trong tháng 8/2024 (vẫn ở mức 2,2% như trong tháng 7/2024, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 11% trong năm 2022 và khá gần với mục tiêu 2% mà BoE đặt ra), song cho biết rằng họ có thể giảm lãi suất vào tháng 11 tới.
Trước đó, đầu tháng 8/2024, BoE lần đầu giảm lãi suất xuống còn 5% kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020. Từ tháng 8/2023, BoE đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%, mức cao kỷ lục trong 16 năm, nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao tại Anh. BoE cũng cho biết rằng họ sẽ thực hiện cách tiếp cận cẩn trọng trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, với giả định tình hình kinh tế không biến động mạnh - nói như Thống đốc Andrew Bailey.
Tại thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc) ngày 19/9, chỉ số tổng hợp KOSPI tăng 0,21%, tương ứng 5,39 điểm, đóng cửa ở mức 2.580,80 điểm. Khối lượng giao dịch ở mức vừa phải, đạt 378,78 triệu cổ phiếu với giá trị lên tới 12,6 nghìn tỷ won (tương đương 9,5 tỷ USD). Số mã tăng giá vượt trội so với số mã giảm, lần lượt là 497 và 371 mã. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu trị giá 1,17 nghìn tỷ won, vượt qua lượng mua từ các tổ chức và cá nhân là 1,14 nghìn tỷ won.
Còn tại Việt Nam, thị trường chứng khoán đã tăng 2 phiên liên tiếp với thanh khoản đi lên (các phiên 17/9 và 18/9). Theo nhận định từ các chuyên gia, việc FED hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và chứng khoán Việt Nam hơn là các tác động tiêu cực. Và, bên cạnh đó, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam, cũng như tầm ảnh hưởng quan trọng của nền kinh tế Mỹ đối với kinh tế toàn cầu nói chung và quan hệ kinh tế Việt - Mỹ nói riêng, các hành động cụ thể từ chính sách nới lỏng của FED (với các mục tiêu điều chỉnh nền kinh tế Mỹ) sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam. Bởi vậy, các nhà đầu tư vẫn cần tiếp tục theo sát diễn biến, để có những đánh giá, dự báo và phản ứng kịp thời.
Điểm hẹn tháng 11
“Quyết định giảm lãi suất mạnh tay 0,5 điểm phần trăm cho thấy FED đã cảm thấy thoải mái về xu hướng giảm của lạm phát, rằng xu hướng này là bền vững. Trọng tâm của FED bây giờ có thể đang dịch chuyển sang tránh gây sức ép đối với tăng trưởng kinh tế, việc xảy ra khi FED giữ lãi suất cao quá lâu”, Giám đốc đầu tư Philip Straehl của Công ty Morningstar Wealth nhận định với hãng tin CNBC, như làm rõ thêm các mục tiêu kinh tế quốc nội. Cho dù trong cuộc họp báo công bố quyết định giảm lãi suất, Chủ tịch FED - ông Jerome Powell trấn an cử tọa bằng cách nhấn mạnh: “Tôi không thấy có điều gì trong nền kinh tế bây giờ phản ánh khả năng suy thoái gia tăng”, thì những mối nghi ngại vẫn không thể được xóa nhòa đi hết.
Đơn cử, vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9, chỉ số Dow Jones giảm 103,08 điểm, tương đương giảm 0,25%, còn 41.503,1 điểm. Ở thời điểm ngay sau khi quyết định lãi suất của FED được công bố, chỉ số blue-chip này tăng tới 375,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,29%, còn 5.618,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,31%, còn 17.573,3 điểm. Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,05 USD/thùng, chốt ở mức 73,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,28 USD/thùng, chốt ở 70,91 USD/thùng.
“Giai đoạn cao điểm của nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong mùa hè đã đi qua và sự dịch chuyển tiêu cực trong tâm lý của nhà đầu tư là những nguyên nhân khiến giá dầu giảm. Dù vậy, rủi ro xung đột leo thang ở Trung Đông vẫn đặt ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung” - chiến lược gia trưởng Mazen Salhab của BDSwiss phân tích, khi trả lời hãng tin Reuters. Từ một khía cạnh nào đó, chính nhận xét này lại cũng là một lời cảnh báo về những tác động địa chính trị toàn cầu mà bất cứ nền kinh tế nào cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng liên đới, kể cả khi nền kinh tế số 1 thế giới đã sớm từ bỏ trạng thái kiểm soát chặt chẽ, để thúc đẩy một chu kỳ nới lỏng.
Và, khi cả FED lẫn BoE đều bóng gió đề cập đến khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất vào cuối năm, cụ thể là khoảng tháng 11, không cần phải là một chuyên gia phân tích, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể lờ mờ nhận ra những mối dây liên hệ vô hình với một sự kiện tâm điểm: Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, với hai đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa và Kamala Harris của đảng Dân chủ.
Một cách ngắn gọn: Không mấy khi FED khởi động một chu kỳ nới lỏng ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, trong suốt gần nửa thế kỷ qua (cho dù lãi suất còn ít được giữ nguyên trong những năm diễn ra bầu cử hơn thế). Ở đây, chúng ta có thể đặt hai dữ kiện thực tế cạnh nhau, để tự đánh giá về phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell: "Bất cứ điều gì chúng tôi làm trước, trong hoặc sau cuộc bầu cử đều dựa trên dữ liệu, triển vọng và sự cân bằng giữa các rủi ro, chứ không phải bất kỳ yếu tố nào khác".
Đó là chuyện nếu bà Kamala Harris khẳng định vào tháng trước: “Khi trở thành tổng thống, tôi sẽ không bao giờ can thiệp vào các quyết định mà thể chế này đưa ra" thì cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong quá khứ, từng cho rằng các tổng thống nên có quyền can thiệp vào quyết định của FED và cũng từng cảnh báo: FED có thể hạ lãi suất để hậu thuẫn cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 5/11.
Dù sao, ở cuộc bầu cử năm 2020, FED cũng đã hạ lãi suất 2 lần vào tháng 3 với tổng cộng 1,50 điểm phần trăm, đưa tỷ lệ lãi suất xuống mức gần bằng 0. Nhưng, năm đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đánh bại ông Trump với kết quả rất sít sao, để trở thành đương kim Tổng thống Mỹ hiện tại.
Dù sao, việc FED kết thúc chu kỳ thắt chặt kinh tế cũng vẫn được dự báo sẽ có tác động lan tỏa trên toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến tháng 8/2024, lạm phát toàn cầu ở mức 5,9%, trong khi lạm phát trung bình ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ chỉ vào khoảng 2,6%. Do đó, thực tế là không ít ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia sẽ phải cân nhắc lựa chọn tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát, điều có thể làm gia tăng những tác động tiêu cực. Đừng quên, nhiều thị trường mới nổi đã đi vay bằng đồng USD. Khi lãi suất ở Mỹ thay đổi, chi phí đi vay của các quốc gia này cũng sẽ thay đổi.
Dù sao, nếu căng thẳng tiếp tục bùng phát tại những điểm nóng như Trung Đông hay quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine, hay cuộc “thương chiến Mỹ - Trung” một lần nữa được kích hoạt, chính nền kinh tế Mỹ cũng vẫn sẽ tiếp tục đối diện với các vấn đề nội tại của mình, để áp lực cũng vẫn sẽ đè nặng lên toàn hệ thống kinh tế thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận