Bất chấp lãi lớn, quỹ Vietnam Holding vẫn bị rút vốn mạnh trong tháng 11?
Trong tháng 11 vừa qua, lượng cổ phần đã phát hành của Vietnam Holding giảm từ 51 triệu cp xuống còn 43 triệu cp. Đồng nghĩa lượng tài sản dưới quyền quản lý của Vietnam Holding đã mất đi hơn 20 triệu USD.
Lũy kế 11 tháng 2020, giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV per Share) của Vietnam Holding tăng 28.2%, tốt hơn so với con số 24.4% của chỉ số tham chiếu Vietnam All Share.
Vietnam Holding hưởng lợi từ việc gia tăng đầu tư vào ngành ngân hàng, cân bằng các khoản đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và kiếm một phần lợi nhuận từ cổ phiếu ngành viễn thông.
Danh sách các khoản đầu tư lớn của Quỹ không có sự thay đổi về những cái tên góp mặt. Cổ phiếu FPT vẫn là khoản đầu tư lớn nhất, với tỷ trọng trong danh mục tăng từ 9.7% lên mức 11%.
Trong khi đó, tỷ trọng của GMD và CTG trong danh mục Vietnam Holding tăng đáng kể, nhờ đà tăng lần lượt 18.8% và 15.8% của hai cổ phiếu.
Trong tháng 11, tỷ trọng đầu tư của Vietnam Holding tiếp vào ngành ngân hàng tiếp tục tăng từ mức 22% lên mức 27% danh mục.
Tuy nhiên, việc tỷ trọng tăng lên của các cổ phiếu trong danh mục có thể xuất phát từ việc Vietnam Holding vừa trải qua tháng bị rút quỹ lớn nhất kể từ đầu năm, bất chấp mức tỷ suất lợi nhuận ấn tượng trong những tháng gần đây. Lượng cổ phần đã phát hành của Vietnam Holding đã giảm từ 51 triệu cp xuống còn 43 triệu cp trong tháng 11/2020. Do đó, bất chấp mức tỷ suất lợi nhuận trên 11%, tài sản ròng dưới quyền quản lý của Quỹ vẫn giảm từ 134.5 triệu USD xuống còn 127 triệu USD sau một tháng.
Đáng chú ý là Vietnam Holding tự giới thiệu họ mà một quỹ đóng (closed-end fund) được niêm yết tại thị trường chứng khoán London - điều này nghĩa là người nắm giữ cổ phần tại Vietnam Holding sẽ bán các cổ phiếu này trên thị trường thứ cấp khi không còn muốn đầu tư vào Quỹ, thay vì yêu cầu rút tiền từ Quỹ như trong trường hợp của các quỹ mở (open-end fund).
Như vậy, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào dẫn đến việc 8 triệu cp Vietnam Holding bị giảm xuống, khi mà Quỹ đến nay không hề công bố bất kỳ thông tin về đợt mua lại cổ phiếu quỹ lớn nào.
Bên cạnh đó, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục Vietnam Holding cũng giảm từ mức 12% xuống còn 1% trong tháng 11 vừa qua.
“Chẳng thể tích cực hơn”
“Mặc dù rủi ro toàn cầu về đại dịch Covid-19 vẫn còn đó (bất chấp những tin tức tích cực về quá trình phát triển vaccine), chúng tôi chẳng thể nào tích cực hơn nữa về chặng đường 2021 của Việt Nam”, Vietnam Holding khẳng định.
Khó mà tưởng tượng rằng có một quốc gia có thể tỏa sáng giữa sự hỗn loạn gây nên bởi Covid-19. Giữa bối cảnh đó, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, trong khi các quốc gia phương tây phải đối mặt làn sóng dịch bệnh thứ hai tồi tệ và cả những nỗi đau kinh tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index và “điều này nghĩa là có thể thu hút được dòng vốn khoảng 400 triệu USD trong vòng một năm”, Quỹ nhận định.
Vietnam Holding cho biết họ nhìn thấy sự gia tăng đầu tư công khi nhiều dự án ngưng trệ trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục được triển khai trong năm sau. “Chúng tôi dự báo sẽ có dòng tiền vững chắc đến từ các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và sự thúc đẩy xa hơn đến từ Hiệp định RCEP đối với việc xuất khẩu đến các thị trường lớn châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận