24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hương Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bất chấp dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, giới đầu tư vẫn tin tưởng ông Joe Biden

Phố Wall đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại vào thứ Sáu (8/1), khép lại một tuần đầu tiên đầy biến động của năm 2021, vượt qua báo cáo việc làm tồi tệ nhất kể từ tháng 4 nhờ lời hứa hẹn của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Đầu ngày thứ Sáu, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc khi báo cáo việc của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế Mỹ mất 140.000 việc làm trong tháng 12/2020, tồi tệ hơn nhiều so với dự báo tăng 55.000 việc làm, phản ánh tác động của tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 trong thời gian qua cũng như các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cũng theo báo cáo trên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giữ ổn định ở mức 6,7%, tương đương 10,7 triệu người, cao gấp đôi so với mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Riêng tuần cuối cùng của năm 2020, số người phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ không thay đổi so với tuần trước đó, ở mức cao 787.000 người.

Nền kinh tế Mỹ đã phải đối mặt với khủng hoảng trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Báo cáo của chính phủ được đưa ra sau khi một báo cáo hôm thứ Tư từ ADP cho thấy khu vực tư nhân đã giảm 123.000 việc làm trong tháng 12, do hoạt động kinh doanh và tiêu dùng ở một số bang bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Báo

Trong khi đó, Mỹ ghi nhận kỷ lục 4.111 ca tử vong vì Covid-19 vào thứ Năm (7/1), con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, đồng thời cũng ghi nhận kỷ lục 280.028 ca nhiễm mới.

Những biến động trên Phố Wall cũng diễn ra sau một tuần kịch tính trên mặt trận chính trị với chiến thắng của đảng Dân chủ trước đảng Cộng hòa đương nhiệm tại Thượng viện Mỹ, làm thay đổi cán cân quyền lực trong Quốc hội, cùng với những cuộc bạo loạn xông vào tòa nhà Capitol sau khi được Tổng thống Donald Trump kêu gọi người ủng hộ mình ngăn không cho Quốc hội chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Tuy nhiên, bất chấp bất ổn, thị trường tập trung vào chiến thắng chính trị của đảng Dân chủ, đặt niềm tin vào các biện pháp kích thích tài chính bổ sung có thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ sau khi ông Biden chính thức trở thành tổng thống trong 12 ngày tới.

Cuối ngày thứ Sáu, ông Biden lên tiếng hứa hẹn sẽ có thêm nhiều biện pháp tài chính cho người Mỹ “ngay bây giờ” sau khi báo cáo việc làm mới nhất được công bố. Theo ông Biden, những số liệu kém lạc quan trên đồng nghĩa các nhà lập pháp cần đẩy nhanh việc thông qua một gói cứu trợ kinh tế mới, bao gồm 2.000 USD thanh toán trực tiếp cho người nộp thuế và trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Tổng thống đắc cử của Mỹ dự kiến sẽ công bố một chương trình cứu trợ kinh tế mới vào tuần tới, trong đó bao gồm cả biện pháp tăng lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, tâm lý lạc quan trên thị trường cũng được tăng cường khi Pfizer và đối tác Đức BioNTech cho biết hôm thứ Sáu, một nghiên cứu trong ống nghiệm phát hiện ra rằng vắc-xin Covid-19 của họ vô hiệu hóa hai biến thể lây nhiễm cao mới xuất hiện ở Anh và Nam Phi.

Kết thúc phiên 8/1, chỉ số Dow Jones tăng 56,84 điểm (+0,18%), lên 31.097,97 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,89 điểm (+0,55%), lên 3.824,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 134,50 điểm (+1,03%), lên 13.201,98 điểm.

Trong tuần, Dow Jones tăng 1,61%, S&P 500 tăng 1,83% và Nasdaq Composite tăng 2,43%.

Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Sáu tích cực, chứng khoán châu Âu ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11 nhờ dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi cùng với kỳ vọng việc triển khai vắc-xin Covid-19 sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 8/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 16,30 điểm (+0,24%), lên 6.873,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 81,29 điểm (+0,58%), lên 14.049,53 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 37,03 điểm (+0,65%), lên 5.706,88 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 6,39%, chỉ số DAX tăng 2,42% và CAC40 tăng 2,80%.

Hầu hết các thị trường lớn tại châu Á diễn biến tích cực trong phiên cuối tuần qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, đóng cửa ở mức cao nhất trong 30 năm nhờ kỳ vọng về kích thích tài khóa của Mỹ nhiều hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng sáu phiên gần nhất.

Chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở mức cao nhất gần 11 tháng, được thúc đẩy bởi hy vọng về sự phục hồi kinh tế vào cuối năm và đà tăng ở các thị trường châu Á khác.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng gần 4% lên mức cao kỷ lục và ghi nhận mức tăng một tuần mạnh nhất trong hơn 12 năm, được thúc đẩy bởi cổ phiếu lớn Samsung Electronics và Hyundai Motor.

Kết thúc phiên 8/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 648,90 điểm (+2,36%), lên 28.139,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,10 điểm (-0,17%), xuống 3.570,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 329,70 điểm (+1,20%), lên 27.87822 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 120,50 điểm (+3,97%), lên 3.152,18 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,53%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,79%, chỉ số Hang Seng tăng 2,38% và chỉ số KOSPI tăng 9,70%.

Giá vàng phiên ngày thứ Sáu bị bán tháo ồ ạt do đồng USD giữ ổn định và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm leo lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Theo Peter Hug Giám đốc giao dịch toàn cầu của Kitco Metals, có hai chất xúc tác hiện đang khiến vàng bị bán tháo đó là lợi suất trái phiếu tăng và nền kinh tế đang gặp khó khăn. Điều này đang gây ra tình trạng thanh lí tài sản và chuyển sang tiền mặt.

Triển vọng kinh tế Mỹ vẫn rất bất ổn, với việc nước này báo cáo sụt giảm 140.000 việc làm trong tháng 12/2020 trong bối cảnh các đợt phong tỏa và hạn chế xã hội gia tăng và số ca tử vong do Covid-19 liên tiếp đạt đỉnh.

Theo đó, phản ứng thông thường của thị trường đối với tin tức kinh tế xấu, dòng tiền đang thoát ra khỏi thị trường vàng và chuyển thành tiền mặt, vào thị trường cổ phiếu, hoặc trái phiếu kì hạn 10 năm.

Kết thúc phiên 8/1, giá vàng giao ngay giảm 63,80 USD (-3,33%), xuống 1.850,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 27,20 USD (-4,09%), xuống 1.835,40 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,52%, giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 3,15%.

Giá dầu chạm mức cao nhất trong gần một năm vào giao dịch ngày thứ Sáu, được hỗ trợ bởi cam kết cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và đà tăng mạnh trên các thị trường chứng khoán lớn.

Kết thúc phiên 8/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,41 USD (+2,8%), lên 52,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,61 USD (+3%) lên 55,99 USD/thùng.

Trong tuần, dầu WTI tăng 7,7%, dầu Brent tăng 8,1%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả