Bấp bênh kế hoạch kinh doanh 2023
Năm 2023, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vẫn là một năm “mong manh” với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp đã lên “dây cót” ngay từ đại hội cổ đông thường niên.
Len lỏi tìm cơ hội
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt và sự suy thoái kinh tế của nhiều quốc gia phát triển, cộng với những khó khăn trong nước tiếp tục tạo ra một thời kỳ “biến động” về kinh tế, địa chính trị và sinh thái.
Công nghệ thông tin là ngành tăng trưởng dương, theo dự báo mới nhất của Gartner, khi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu năm 2023 dự kiến tăng 5,1%, đạt 4.600 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng, các khách hàng khó khăn sẽ ảnh hưởng đến FPT, bằng chứng là doanh thu thị trường trong nước liên tục đi ngang hoặc suy giảm.
Mục tiêu doanh thu 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.055 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 18,8% và 18,2% so với năm ngoái được lãnh đạo FPT đánh giá là tham vọng, nhưng không hẳn không làm được.
“Chúng tôi ứng dụng công nghệ trong nội bộ để tăng năng suất lao động vượt bậc và đầu tư tuyển dụng nhân sự trình độ cao và phát triển nguồn nhân lực sẵn có. Các khối, lĩnh vực kinh doanh cũng sẽ dồn mọi nguồn lực, chắt chiu từng cơ hội để đảm bảo tăng trưởng. Những việc gì mà lặp lại nhàm chán, chúng tôi thay bằng BOT (robot sử dụng trí tuệ nhân tạo). Hiện FPT đứng thứ 20 trên thế giới về những con BOT dạng này”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT nói về một giải pháp tăng năng suất lao động tại Tập đoàn.
Ông cũng cho biết thêm, “FPT có cách chia việc lớn thành việc vừa, việc vừa thành việc nhỏ. Không có công ty công nghệ nào trên thế giới đào tạo nhân sự 3 tháng tung ra làm dự án, nhưng FPT làm và đạt hiệu quả”.
“Một khách hàng doanh thu trên 1 tỷ USD giao đề bài chuyển đổi số trong 12 tháng, FPT làm trong 8 tháng. FPT được nhiều khách hàng lớn tin tưởng. Khi khách hàng yêu thương, tin cậy, sẽ mở ra cơ hội lớn, tạo động lực phát triển cho Công ty trong những năm tiếp theo”, ông Khoa lấy ví dụ giải thích cho thực tế khi thị trường trong nước suy giảm, việc kéo quân ra nước ngoài đã đem lại hiệu suất tốt cho Tập đoàn.
Nếu chỉ loay hoay ở thị trường nội địa, FPT không thể đạt được kết quả tăng trưởng 2 con số ở quy mô lớn như hiện nay. Năm 2022, doanh số của thị trường Mỹ tăng 5 lần, lợi nhuận tăng 10 lần; nhân sự từ 78 người tăng lên 490 người. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển đồng đều ở cả ba thị trường chính, với mức tăng trưởng bình quân 30%. Trong đó, thị trường Singapore tăng trưởng liên tục trong 4 quý, với mức tăng 38% và có 16 khách hàng mới. Thị trường Hàn Quốc, tăng trưởng 80%; tăng trưởng 2,5 lần số lượng nhân sự.
Với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, năm 2023 cũng không hẳn thuận lợi, tỷ lệ bồi thường dự kiến gia tăng khi nhịp sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường sau đại dịch, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Đối với hoạt động đầu tư, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, cùng với đó là sự đi xuống của thị trường cổ phiếu đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nhưng với doanh nghiệp có nền tảng vững như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC), mục tiêu tăng trưởng tiếp tục được đặt ra.
Năm 2022, BIC tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 394 tỷ đồng, hoàn thành 102,3% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận riêng trước thuế đạt 370 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 (tổ chức tuần qua), lãnh đạo BIC đã trình mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm đạt 4.585 tỷ đồng, tăng trưởng 22,3% so với năm 2022, hướng tới mục tiêu lọt Top 6 thị phần trong năm nay.
Ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch BIC cho biết, 50% doanh số là BIC tự bán, không có sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ, nên có thể nói sự tự chủ của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Bảo hiểm sức khỏe, xe cơ giới, hàng hóa, du lịch, cháy nổ… là những sản phẩm chủ lực được Công ty tập trung triển khai.
Nói về khó khăn từ môi trường kinh doanh, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nhận xét: “Nói khó thì thị trường khó liên tục, lúc nào cũng khó, nhưng chúng ta cứ khéo léo vượt khó. Chúng tôi cứ len lỏi mà tìm cơ hội”.
Điều chỉnh kế hoạch để phòng xa
Nhiều yếu tố vĩ mô khó lường, mặt bằng lãi suất cao, tiêu dùng suy giảm, các kênh đầu tư gặp khó… khiến doanh nghiệp phải thận trọng khi xây dựng kế hoạch 2023. Nhưng diễn biến mùa đại hội cho thấy, dù đã thận trọng nhưng tính khả thi của kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vẫn bấp bênh.
Digiworld đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thấp hơn khi triển vọng ngành bán lẻ ICT thiếu tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, cổ phiếu DGW (của Công ty cổ phần Thế giới số, Digiworld) đóng ở mức 28.700 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 24% sau một quý, đi quanh vùng đáy 2 năm (kể từ tháng 4/2021). Đáng chú ý, giá cổ phiếu DGW đã đóng cửa trong sắc đỏ trong nửa cuối tháng 3, bất chấp thị trường có chuỗi tăng điểm 9 phiên liên tiếp.
Đặc biệt, phiên 30/3, DGW xác lập thanh khoản kỷ lục, khớp hơn 5 triệu đơn vị, đóng cửa giá sàn - được cho là phản ánh thông tin về việc Công ty điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm sâu.
Sau phiên giảm sàn và bị bán ra mạnh kể trên, thị trường ngay lập tức đặt câu hỏi: Phải chăng DGW bị mất một hợp đồng hợp tác với đối tác lớn nào đó, nên kế hoạch mới điều chỉnh giảm sâu?
Sự nghi ngờ này xuất hiện trong bối cảnh DGW công bố tài liệu đại hội cổ đông 2023 với doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 42% so với mức thực hiện trong năm 2022.
Kế hoạch này cũng đột ngột thay đổi so với Nghị quyết Hội đồng quản trị công bố hồi tháng 2/2023, với 25.100 tỷ đồng doanh thu và 787 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 14% và 15% so với năm 2022. Công ty cũng công bố sẽ tiếp tục bổ sung thêm những nhãn hàng mới vào mạng lưới của mình, gồm 1 hãng điện thoại mới và 1 hãng thiết bị gia dụng mới.
Trên thực tế, cổ phiếu ngành bán lẻ có xu hướng giảm từ giữa năm 2022 tới nay, do tác động chung của thị trường chứng khoán và phần nào cũng đến từ bức tranh kinh doanh đi xuống của ngành này do sức cầu suy giảm. Các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hàng ICT - là các mặt hàng không thiết yếu, sẽ có mức tiêu thụ chậm lại.
Ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Digiworld cho biết, không có việc mất đơn hàng hay mất các đối tác. Thách thức lớn nhất của Công ty trong năm nay là ngành ICT đã qua vùng đỉnh tiêu dùng, do trong 2 năm đại dịch, nhu cầu mua sắm tăng cao để đáp ứng làm việc từ xa. Công ty sẽ tập trung hơn vào các mảng khác, vào M&A và tìm kiếm cơ hội mới từ ICT.
Sự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vừa qua, theo Digiworld, xuất phát từ việc kế hoạch kinh doanh ban đầu được Hội đồng quản trị xây dựng dựa trên kịch bản nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi vào 6 tháng cuối năm 2023, hưởng lợi từ việc đó thì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng lên, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Digiworld nói riêng sẽ phục hồi.
Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua đã xảy ra khủng hoảng ngành ngân hàng ở Mỹ, điều này sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát gia tăng trong thời gian tới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.
Cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt giai đoạn nửa cuối tháng 3 có mức tăng khá tốt, với luồng tin lan truyền trên thị trường về việc sẽ ghi nhận lợi nhuận từ việc tư vấn VPBank bán vốn cổ phần cho Sumimoto và việc hiện thực hoá một phần khoản đầu tư vào Sữa Quốc tế (IDP).
Tuy nhiên, phiên giao dịch ngay sau đại hội cổ đông (30/3), cổ phiếu VCI có phiên khớp lệnh vượt trội so với các phiên trước, hơn 12,49 triệu đơn vị, với giá đóng cửa giảm 2,13%, được cho là phản ánh việc VCI phủ nhận các thông tin trên.
Thông tin quan trọng hơn, quý I/2023, VCI chỉ đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận, cách rất xa chỉ tiêu kinh doanh lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng trong năm nay. Tại đại hội cổ đông, ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCI cũng chia sẻ, “đây là kế hoạch cực kỳ tham vọng, khả năng thực hiện rất mong manh (nếu không bán các khoản đầu tư)”. Kế hoạch chỉ khả thi 20% nhưng lãnh đạo VCI vẫn đang quyết tâm thúc bộ máy hoàn thành.
Không chia sẻ danh mục các thương vụ tư vấn như các năm trước, ông Hải cho biết, VCI vẫn tiếp tục tập trung vào thế mạnh IB, nhưng nhìn nhận nửa đầu năm tình hình thị trường không thuận lợi, chỉ thực sự khởi sắc từ khoảng quý III/2023. Chiến lược của VCI là khi thị trường bùng nổ sẽ tập trung cho IPO, còn thị trường đi ngang và đi xuống thì chuyển qua M&A. Quy mô ký các hợp đồng IB của VCI lớn, nhưng năm 2023 khó để trả lời về tỷ lệ thực hiện.
“Kinh nghiệm 20 năm làm nghề, tôi dự báo, cuối năm nay, thị trường M&A bùng nổ hơn, còn giờ là quá sớm”, ông Hải nói.
Sau đại hội, điều cổ đông mong muốn lãnh đạo VCI xây dựng kế hoạch định lượng rõ hơn, có thể theo phương án bán và không bán các khoản đầu tư mà thị trường đang kỳ vọng. Bởi thông thường, khi doanh nghiệp đưa ra con số lợi nhuận công bố trong tài liệu trình đại hội thì đã phản ánh vào thị giá. Đưa ra số cao, nhưng đánh giá tính khả thi thực hiện thấp, không có thông tin định lượng được khả năng hoàn thành kế hoạch khiến cổ đông VCI có tâm lý bất an để đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu thời điểm này.
Nhiều công ty chứng khoán khác lập kế hoạch kinh doanh “thê thảm” khi dự báo năm 2023, quy mô, giá trị giao dịch sẽ còn thấp hơn cả năm 2022.
Công ty cổ phần Nước Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 3.970 tỷ đồng, tăng 2% và lợi nhuận sau thuế tối thiểu 720 tỷ đồng, tăng gần 6% so với thực hiện năm 2022. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase cho biết, kế hoạch đầu tư giai đoạn tới khá lớn nên lần đầu tiên không chia cổ tức tiền mặt, mà chia bằng cổ phiếu.
Bước sang đầu tháng 4, lãi suất của các ngân hàng đã điều chỉnh kể từ sau lần giảm lãi suất điều hành ngày cuối cùng của tháng 3. Tuy nhiên, quan sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, mức giảm lãi suất huy động thời điểm này rất ít, giảm từ mức 9,3 - 9,5%/năm xuống mức 9,2 - 9,4%/năm cho kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm, tùy giá trị khoản tiền gửi từ 400 triệu đồng trở lên ở các ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo các chuyên gia, sau khi lãi suất giảm, cần có các biện pháp về dòng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp, nếu không giảm lãi suất điều hành chủ yếu tác động về mặt tâm lý nhiều hơn là thực tế.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước Môi trường Bình Dương
“Năm nay đặt mục tiêu tăng nhẹ 2%, vậy là sang lắm rồi, gan” lắm rồi. Tôi tham gia HĐQT nhiều công ty cấp nước, không đơn vị nào dám nhúc nhích gì, chỉ dám tăng không đến 1%”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FPT
“Làm thế nào giữ được nguồn nhân lực, để nhân lực liên tục tăng trưởng theo thời gian, để mỗi nhân viên làm việc hăng say không mệt mỏi, sáng tạo. Lời giải là hạnh phúc của người lao động. Tất cả chúng tôi, sẽ làm việc hết mình, sáng tạo hết mình để không khó khăn nào, nghịch cảnh nào có thể dập tắt nụ cười hạnh phúc”.
Ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC)
“Cổ đông muốn thực hiện ESOP để lãnh đạo chúng tôi nắm cổ phiếu và gắn bó với doanh nghiệp nhiều hơn. Nhưng năm 2014, BIC đã thực hiện rồi, doanh nghiệp đã định hình tỷ lệ cơ cấu cổ đông tham gia, trong đó BIDV chủ trương giữ 51%. Nếu tiếp tục ESOP sẽ thay đổi tỷ lệ 51%”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận