Bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đồng thời bảo vệ DN làm ăn chân chính, trong những tháng cuối năm, bên cạnh các giải pháp cắt giảm kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho DN, cần đặc biệt chú trọng việc chống gian lận thương mại.
Tích cực tạo thuận lợi thương mại
Thông tin được đưa ra tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại và logistics (Ủy ban 1899) tổ chức mới đây cho thấy, tính đến ngày 10/7/2019, đã có 174 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia (NSW), với trên 2,3 triệu hồ sơ của khoảng 31.000 DN. Đáng chú ý, đến nay, một số bộ đã hoàn thành kết nối NSW.
Về triển khai cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 6 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Campuchia. Tính đến ngày 10/7/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước là 87.355, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 153.872. Hết tháng 7, các bộ, ngành đã kết nối được 16 thủ tục vào cơ chế một cửa ASEAN và một cửa quốc gia. Cũng trong nửa đầu năm, các bộ, ngành đã cắt giảm 15% mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.
Được đánh giá là một trong những bộ tích cực triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện Bộ Công Thương đã đưa hầu hết các dịch vụ công lên internet ở các mức độ khác nhau, chủ yếu là mức độ 3 và mức độ 4. Đã có 11 thủ tục của Bộ Công Thương kết nối vào NSW, 1 thủ tục kết nối vào ASW. Trong nửa đầu năm 2019, ngoài các thủ tục đã thực hiện trước đây, Bộ Công Thương cũng chính thức đưa thủ tục cấp Chứng thư xuất khẩu (C/E) qua internet cho hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mexico, tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Tăng cường kiểm soát xuất xứ hàng hóa
Từ nay đến hết năm, sẽ có 45 thủ tục phải kết nối vào ASW và NSW. Trong đó, Bộ Y tế còn 14 thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 thủ tục và Bộ Quốc phòng 8 thủ tục. Như vậy, chỉ 3 bộ này đã chiếm đến 75% số thủ tục phải kết nối.
Quyết tâm tạo thuận lợi tối đa cho DN tận dụng các ưu đãi từ các FTA, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban 1899 yêu cầu các bộ, ngành tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ rà soát quy trình thủ tục, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp liên quan nhằm hoàn thành đúng mục tiêu triển khai 61 thủ tục trên NSW, ASW trong năm nay; tiếp tục triển khai công tác cải cách với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần vừa tạo thuận lợi thương mại, đồng thời tăng cường chống gian lận thương mại, bám sát nhiệm vụ được giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg 2019 về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Đơn cử, trước vụ việc 6 DN xuất khẩu gỗ ván ép có kim ngạch tăng đột biến, mới bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) xác minh là gian lận C/O để hưởng lợi, Phó Thủ tướng yêu cầu hải quan là cơ quan kiểm tra phải chốt chặt. Các bộ, ngành cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực Tổng cục Hải quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiểm tra nhà nước về hải quan, để các văn bản đi vào cuộc sống, tránh tình trạng văn bản chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, DN và cơ quan quản lý nhà nước.
Từ nay đến cuối năm, ngoài việc thực hiện trao đổi dữ liệu C/O với các nước trong khu vực ASEAN, Bộ Công Thương đang xem xét tiến hành đàm phán với Liên minh Kinh tế Á Âu và sắp tới bắt đầu đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề này để tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu sang các khu vực Việt Nam đã có FTA. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận