Báo Trung Quốc viết về hàng Tàu đội lốt hàng Việt Nam
Niềm tin của người tiêu dùng Việt đang chịu những sự đả kích lớn sau khi các thương hiệu nổi tiếng bị nghi ngờ bán hàng Trung Quốc đội lốt "made in Vietnam".
Từ sau vụ việc "Khaisilk" và giờ là đến "Seven.AM", niềm tin của người tiêu dùng Việt có thể nói đang phải chịu những đả kích lớn. Tuy nhiên thực tế, trên thị trường vẫn còn rất nhiều mặt hàng khác được nhập từ Trung Quốc nhưng được dán mác "made in Vietnam".
Trong số các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, mũ bảo hiểm xe máy "made in Vietnam" chính là một trong những mặt hàng phổ biến nhất đối với người dân Việt. Đương nhiên chỉ có người trong nghề mới hiểu rõ nhất về đằng sau bức màn này.
Ở một vùng ngoại ô thủ đô Hà Nội, có một xí nghiệp sản xuất và chế biến nhựa, anh T là một trong những người phụ trách và quản lý xí nghiệp đó.
Theo trang tin Yidian, anh T cho biết, hiện nay các xí nghiệp Việt Nam chỉ có thể sản xuất những loại "mũ bảo hiểm nửa đầu" đơn giản. Những loại mũ dầy, bảo vệ cả đầu chỉ có thể nhập từ Trung Quốc, khi về đến Việt Nam thì được cắt bỏ nhãn hiệu và dán mác mới; hoặc là đặt hàng gia công và dán mác thương hiệu Việt Nam ngay tại Trung Quốc, như vậy có thể tiết kiệm được giá thành.
Được biết, các công ty sản xuất mũ bảo hiểm Việt Nam đều nhập hàng Trung Quốc bởi giá thành rẻ hơn rất nhiều và còn bao gồm cả chi phí dán mác thương hiệu. Nếu các công ty Việt Nam tự sản xuất và dán mác thì giá thành sẽ cao hơn hàng Trung Quốc những 2 lần. Lượng hàng được đặt đều được vận chuyển qua các đường biên giới.
Không chỉ mũ bảo hiểm, mà những chiếc xe đạp điện "made in Vietnam" cũng đều mang trên mình những phụ tùng từ Trung Quốc. Anh T đánh giá, một chiếc xe đạp điện hiện này chỉ có một nửa bộ phận là được sản xuất ở Việt Nam, còn lại đều từ miền nam Trung Quốc nhập về.
Lập luận của anh T rất có cơ sở vì để có thể sản xuất hàng loạt, sẽ phải bỏ thêm một chi phí rất lớn để tạo mẫu khuôn nhựa. Mỗi mẫu xe đạp điện đều cần một mẫu khuôn nhựa khác nhau, mà mỗi mẫu khuôn đều có giá trị từ 4,7 đến 5 tỷ đồng. Kể cả khi bỏ ra một số tiền lớn như vậy, cũng chỉ có thể sản xuất ra những phụ kiện đơn giản như khung sườn, chắn bùn, đèn xi nhan, đèn pha,... còn các thành phần đặc biệt khác vẫn bắt buộc phải nhập.
Anh T nói rằng những chuyện như này có thể ngồi kể cả ngày không hết. Không nói đâu xa, ví dụ như những chiếc bút bi bé nhỏ, các công ty lớn cũng không dám khẳng định sản phẩm của họ hoàn toàn là hàng nội địa.
Bởi vì lợi nhuận thấp mà chi phí lại cao, các công ty sản xuất nhựa vừa và nhỏ của Việt Nam thường không sẵn sàng nhận sản xuất những sản phẩm nhỏ như bút bi. Vì vậy dù trong nước có khả năng sản xuất, nhưng các ông chủ Việt Nam vẫn "tình nguyện" nhập những sản phẩm từ Trung Quốc, điều này không những giảm giá thành mà còn giúp công ty nhanh chóng phát triển.
Ngoài ra, những chiếc ghế nhựa được người dân sử dụng hằng ngày đều được dán mác thương hiệu Việt nhưng thực chất đều được nhập trực tiếp từ Trung Quốc.
Người trong ngành đều biết, có một công ty sản xuất nhựa nổi tiếng ở Việt Nam, dựa vào việc sản xuất bàn ghế nhựa để phát triển, hầu như toàn bộ đều nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng không tiện nói tên.
Tại một thị trường khá lớn khác là những khu chợ sinh viên xung quanh các trường đại học, những buôn lái ở đây đều quảng cáo rằng sản phẩm của họ đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng họ lại không thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Một chủ quầy cho biết, khi thời tiết lạnh, một số sản phẩm được bán rất nhanh, thậm chí còn cháy hàng. Ví dụ như chăn lông cừu được bán với giá dao động từ 350.000 đến 450.000 đồng 1 chiếc, hay những mặt hàng chăn ga có giá 600.000 - 700.000 1 bộ. Người mua hàng chủ yếu là những sinh viên đại học và người dân lân cận.
Có lẽ, trên thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều hàng hóa Trung Quốc "đội lốt" dưới cái mác thương hiệu Việt mà không tiện nói ra hết. Tuy nhiên, theo quan điểm của trang tin Yidian, tâm lý sợ hàng Trung Quốc của người Việt Nam cũng giống với việc nhiều thương hiệu quốc tế trên thế giới bị ám ảnh bởi cái mác "made in China". Ở một mức độ nhất định, "made in China" là một nguồn lợi nhuận của họ, nhưng khi có sự cố xảy ra, nó sẽ trở thành một vấn đề lớn.
Gần đây, dư luận trong nước đang nổ ra các cuộc tranh luận gay gắt về vụ việc thương hiệu thời trang Seven.AM nhập hàng Trung Quốc rồi thay mác, bán ra thị trường. Trước đó, vào hồi tháng 10/2017 cũng đã diễn ra vụ việc tương tự liên quan đến thương hiệu khăn lụa nổi tiếng Khaisilk.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận