Báo Mỹ nói tìm thấy bằng chứng mới về hoạt động hạt nhân bí mật của Iran
Dẫn nguồn tin Wall Street Journal, hai trang mạng arabnews.com và tellerreport.com ngày 6/2 đưa tin, các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IAEA) đã phát hiện bằng chứng mới cho thấy Iran đã tiến hành công việc liên quan đến chất phóng xạ mà không khai báo các hoạt động đó.
Wall Street Journal dẫn lời 3 nhà ngoại giao cho biết các mẫu vật được cơ quan này lấy từ hai địa điểm ở Iran trong một đợt kiểm tra vào mùa thu năm ngoái có dấu vết của chất phóng xạ: "Các mẫu lấy từ hai địa điểm trong quá trình kiểm tra vào mùa thu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IAEA) có chứa dấu vết của chất phóng xạ", báo cáo dẫn lời các nhà ngoại giao tóm tắt về phát hiện này.
Các nhà ngoại giao nói thêm rằng vị trí phát hiện ra chất phóng xạ có thể cho thấy Iran trước đây đã tiến hành các công việc liên quan đến vũ khí hạt nhân, nhưng họ nói rằng họ không biết bản chất của các vật liệu được phát hiện. Tờ báo chỉ ra rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã đưa vào báo cáo của mình những câu hỏi hồi tháng 6 năm ngoái trong đó yêu cầu Iran làm rõ về các hoạt động "đáng ngờ" xảy ra vào đầu những năm 2000 hoặc trước đó, tại 3 địa điểm khác nhau.
Tehran đã nhiều lần khẳng định chương trình hạt nhân của họ nhằm mục đích hòa bình như sản xuất năng lượng, nhưng họ đã ngăn chặn các thanh sát viên của IAEA kiểm tra các địa điểm bị nghi ngờ. Phát hiện này đặt ra câu hỏi mới về tham vọng hạt nhân của Iran. Tham vọng hạt nhân của Iran đang bị các nước láng giềng Arab cũng như Israel phản đối, với lý do nước này là kẻ gây rắc rối. Chế độ Hồi giáo Iran cũng bị cáo buộc hỗ trợ các lực lượng dân quân như Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon và những lực lượng khác ở Iraq và các vùng lãnh thổ của Palestine.
Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký kết với Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức vào năm 2015 đã đi đến bờ vực sụp đổ sau khi Iran giảm các nghĩa vụ đối với nó, đặc biệt là liên quan đến việc nâng cấp độ làm giàu uranium lên 20% từ 3%, mà thỏa thuận cho phép, như một phản ứng đối với chính sách cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận vào năm 2018, và áp đặt "sức ép tối đa" lên Tehran.
Dưới thời chính quyền mới của Mỹ, cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa Washington và Tehran về việc ai nên thực hiện bước đầu tiên để khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Tehran gần đây đã đề nghị thực hiện đồng thời các bước để quay trở lại thỏa thuận, nhưng Washington đã đáp lại lời đề nghị này một cách hờ hững./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận