Bạo lực có thể huỷ hoại danh tiếng Hong Kong
Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông đã bước sang khúc ngoặt nguy hiểm khi hàng trăm người biểu tình xông vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông để đập phá.
Hồng Kông chìm vào khủng hoảng trong ba tuần qua bởi những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối dự luật cho phép tiến hành các vụ dẫn độ từ Hồng Kông về Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình diễn ra vào hôm 1-7, ngày kỷ niệm 22 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, đã biến thành một vụ bạo động khi hàng trăm người biểu tình trẻ tuổi đội mũ bảo hộ, đeo khẩu trang, mặc áo đen xông vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông để đập phá. Đến nửa đêm 1-7, lực lượng cảnh sát chống bạo động di chuyển vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp để giành lại quyền kiểm soát.
Trong ngày, các cuộc tuần hành diễn ra khá yên bình. Những người biểu tình kêu gọi chính quyền Hồng Kông loại bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ và yêu cầu Trưởng đặc khu Hồng Kông, Carrie Lam, từ chức.
Tuy nhiên, căng thẳng bùng lên khi hàng trăm cảnh sát chống bạo động sử dụng dùi cui và xịt hơi cay nhằm vào những người biểu tình tụ tập gần một trung tâm hội nghị nơi các quan chức Hồng Kông đang dự lễ mừng kỷ niệm 22 năm ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Trước các phản ứng của cảnh sát, người biểu tình tức giận và tiến về tòa nhà Hội đồng Lập pháp, dẫn đến kết quả là một cuộc xông vào đập phá.
Hồi giữa tháng 6, do sức ép của các cuộc biểu tình với số người tham gia lên đến hơn một triệu người, bà Carrie Lam quyết định tạm hoãn thảo luận dự luật dẫn độ đồng thời lên tiếng xin lỗi người dân Hồng Kông, cam kết chấp nhận mọi sự chỉ trích để cải thiện và phục vụ người dân tốt hơn.
Hành động xông vào Hội đồng Lập pháp để đập phá gây ra những ý kiến chia rẽ trong nội bộ những người biểu tình. Một số người biểu tình phản đối hành động quá khích này nhưng một số khác tỏ ra thông cảm với cơn giận dữ của họ.
Về phía Bắc Kinh, hôm 2-7, Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ra tuyên bố lên án và ủng hộ mở cuộc điều tra hình sự đối với những người biểu tình vi phạm pháp luật.
Tuyên bố nhấn mạnh chính quyền trung ương ở Bắc Kinh “ủng hộ các cơ quan hữu quan của Đặc khu hành chính Hồng Kông tiến hành điều tra trách nhiệm hình sự của những người có hành vi vi phạm bạo lực... để khôi phục trật tự xã hội bình thường càng sớm càng tốt để bảo vệ an toàn tài sản và công dân cũng như bảo vệ sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông”.
Trước đó vào khoảng 4 giờ sáng ngày 2-7, theo giờ địa phương, bà Carrie Lam ra tuyên bố lên án người biểu tình sử dụng bạo lực và mô tả những hành động đập phá ở Hội đồng Lập pháp là “đau lòng và gây sốc”.
Trong ngày 2-7, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đóng cửa khi cảnh sát thu thập bằng chứng và các công nhân vệ sinh dọn dẹp các mảnh kính vỡ, dù và mũ bảo hộ vương vãi khắp nơi.
Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, Andrew Leung, cho biết các cuộc họp của hội đồng này bị hủy bỏ cho đến tháng 10. Ông nói: “Các hệ thống an ninh, các dịch vụ cứu hỏa và các thang máy của chúng ta ở tòa nhà này... cần phải được kiểm tra trước khi nối lại bất cứ cuộc họp nào”.
Chủ tịch đảng Tự do ở Hồng Kông, Tommy Cheung Yu-yan, cảnh báo các hành động bạo lực có thể hủy hoại danh tiếng của Hồng Kông vốn được xem là một thành phố an toàn. Ông nói: “Điều này sẽ dẫn đến rất nhiều cản trở cho nền kinh tế Hồng Kông trong tương lai. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ với tôi những lo ngại về việc họ có nên tiếp tục đầu tư ở Hồng Kông hay không hoặc hỏi rằng liệu họ có nên rút khỏi đây trước tình cảnh này hay không”.
Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông lên án các hành động bạo lực của người biểu tình. Văn phòng Tổng Thương hội Hồng Kông cũng ra tuyên bố lên án bạo lực và những thiệt hại do một nhóm nhỏ biểu tình quá khích gây ra. Tuyên bố nói: “Mọi người có quyền tự do biểu đạt quan điểm nhưng bạo lực không nên được dung thứ trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Các nhà phân tích cho rằng quang cảnh hỗn loạn trong vụ đập phá ở Hội đồng Lập pháp là một bước ngoặt nguy hiểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận