24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tuấn Việt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bao lâu rồi, nhà điều hành chưa "đụng" đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Kể từ kỳ điều hành ngày 23.10 năm ngoái đến nay, nhà chức trách liên tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi đó, số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỉ đồng tính đến cuối 2023.

Theo điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính chiều 16.5, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) giảm 410 đồng, xuống 23.130 đồng một lít. Xăng E5 RON 92 còn 22.110 đồng một lít, hạ 510 đồng.

Ngược lại, các mặt hàng dầu tăng (trừ mazut) và có giá mới 19.870-19.900 đồng một lít so với cách đây 7 ngày. Dầu mazut giảm 90 đồng, xuống 17.410 đồng một kg.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng có 11 lần tăng, 8 lần giảm. Mặt hàng dầu có 10 lần tăng, 9 lần giảm. Tương tự các kỳ điều hành trước, trong kỳ điều chỉnh chiều 16.5, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích, chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng nhiên liệu.

Qua số liệu thống kê, kể từ kỳ điều hành ngày 23.10 năm ngoái đến nay, nhà chức trách liên tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong khi số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỉ đồng tính đến cuối 2023, tăng hơn 2.000 tỉ đồng so với năm trước.

Cũng trong khoảng thời gian này (từ 23.10 - nay), nhà điều hành trích lập 300 đồng/kg đối với dầu mazut.

Ông Đỗ Hoàng Hà - Trưởng ban chính sách kinh doanh thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho rằng chu kỳ điều hành giá hiện nay là 7 ngày/lần nên mức độ biến động giá giữa các 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn.

Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới, do đó những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong nhiều kỳ điều hành vừa qua, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng thị trường vẫn ổn định. Đồng thời thực tế “số tiền” không đổi, trích rồi lại chi nên việc tác động đến CPI không nhiều (chỉ tác động tăng/giảm tại thời điểm hoặc tác động tâm lý).

Ông Long lưu ý, hiện thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước còn hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 doanh nghiệp phân phối và nhất là với sự tham gia của 2 nhà máy lọc dầu trong nước, nên có thể thấy nguồn cung bước đầu được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố, thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy, vai trò của công cụ quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước đây.

Theo ông Long, việc bỏ Quỹ không vi phạm quy định tại Luật Giá năm 2012, cũng như Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024). Tại Luật Giá chỉ quy định về quỹ bình ổn giá nói chung, không đề cập trực tiếp đến Quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu.

Vì thế, để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không thể trông chờ, có tâm lý ý lại vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mà phải sử dụng các phương thức, công cụ khác như thuế, bảo hiểm giá...

Do đó, về lâu dài Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả