Bảo hộ lương thực làm trầm trọng hóa lạm phát toàn cầu
Khoảng 30 quốc gia trên toàn cầu đã hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Châu Á đang nổi lên là tâm điểm của làn sóng bảo hộ này, nhưng áp lực tăng giá sẽ lan ra toàn cầu.
Xu hướng bảo hộ thực phẩm đang ngày một gia tăng trong nhóm những quốc gia đang phát triển khi chính phủ các nước này muốn đảm bảo nguồn cung trong nước. Và tác động của nó đang dần lan sang các quốc gia giàu có hơn.
Nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu nhằm đối phó với tình trạng giá cả hàng hóa leo thang, vốn diễn biến nghiêm trọng hơn sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Malaysia vừa công bố lệnh cấm xuất khẩu thịt gà, khiến cho người tiêu dùng Singapore đứng ngồi không yên vì 1/3 lượng thịt gà nhập khẩu vào quốc đảo này tới từ đất nước láng giềng. Trước đó, Ấn Độ trước đó cũng đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và đường, Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ và một số quốc gia khác áp dụng hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc.
Những quốc gia nghèo khó nhất chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng thiếu hụt và tăng giá thực phẩm. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có cũng không phải là ngoại lệ. Ví dụ, gần 10 triệu người dân vương quốc Anh đã cắt giảm chi tiêu thực phẩm khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mức sống nghiêm trọng. Nhiều nhà hàng tại Mỹ đã phải giảm khẩu phần món ăn, trong khi chính phủ Pháp đưa ra cam kết phát hành phiếu mua thực phẩm ưu đãi cho một nhóm các hộ gia đình.
Diễn biến chỉ số giá lương thực của Liên Hợp Quốc (đường màu trắng) và chỉ số lạm phát toàn cầu (đường màu xanh). Ảnh: Bloomberg.
“Mọi chính phủ đều cảm thấy lo lắng về vấn đề an ninh lương thực”, theo Anuj Maheshwari, Trưởng bộ phận thực phẩm-nông nghiệp tại Temasek Holdings Pte.
Chỉ số đo lường giá thực phẩm toàn cầu của Liên Hợp Quốc đã tăng hơn 70% kể từ giữa năm 2020, tiệm cận với đỉnh sau khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine “bóp nghẹt” xuất khẩu và tạo ra áp lực lớn lên chuỗi cung ứng. Việc ngày càng nhiều các quốc gia tiến hành bảo hộ thực phẩm sẽ đẩy giá những mặt hàng này lên cao hơn, ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, tạo ra những “cơn đau đầu” mới đối với các ngân hàng trung ương, vốn đang nỗ lực kéo giảm lạm phát đồng thời duy trì tăng trưởng.
Châu Á đang nổi lên là tâm điểm của làn sóng bảo hộ này, theo Sonal Varma, Kinh tế trưởng thị trường Ấn Độ và châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tại Nomura Holdings Inc. Nhưng điều đó có thể sẽ khiến áp lực giá cả gia tăng trên quy mô toàn cầu.
Gần đây nhất, Ấn Độ muốn giới hạn xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn cho năm xuất khẩu hiện tại (kéo dài đến tháng 9 năm nay). Đây là một động thái thận trọng thái quá vì nguồn cung trong nước vẫn tương đối dồi dào. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Oezdemir lên tiếng chỉ trích kế hoạch này, cho rằng nó sẽ chỉ làm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiều hơn những hạn chế
Khoảng 30 quốc gia trên toàn cầu đã hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, với mức độ được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong hơn một thập kỷ qua, theo Sabrin Chowdhury, Trưởng bộ phận hàng hóa tại Fitch Solutions.
“Làn sóng bảo hộ sẽ tiếp diễn trong năm 2022 và thậm chí còn gia tăng vể cả mức độ lẫn quy mô trong một vài tháng tới, làm gia tăng rủi ro mất an ninh lương thực tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất”, bà nói.
Một số thực phẩm quan trọng sẽ tăng giá mạnh hơn nữa. Giá lúa mì tương lai đã tăng gần 50%, giá dầu cọ tăng gần 40%, trong khi chỉ số đo lường giá cả hàng hóa thường nhật của Liên Hợp Quốc tăng 14%.
Các lệnh hạn chế xuất khẩu không chỉ là tin xấu đối với các quốc gia nhập khẩu. Chúng còn tác động tiêu cực tới chính người nông dân tại chính các quốc gia xuất khẩu vị họ không thể tận dụng được mức giá thực phẩm cao trên thị trường quốc tế, theo David Adamson, Giảng viên cao cấp tại Trung tâm Tài nguyên và Thực phẩm toàn cầu tại Trường Đại học Adelaide.
“Bảo hộ là điều tồi tệ nhất đối với an ninh lương thực vì nó cản trở các thị trường hoạt động một cách thuận lợi”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận