Bảo hiểm xe máy, có chỉ để… đối phó
Ước tính sơ bộ, Việt Nam hiện có khoảng 62 triệu xe máy. Nếu bán đủ cho số xe trên với mức giá gốc 66.000 đồng/thẻ bảo hiểm thì toàn ngành bảo hiểm sẽ thu về 4.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, hầu hết sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy (tạm gọi là bảo hiểm bắt buộc xe máy) của nhiều hãng bảo hiểm khác nhau đã được hạ giá đồng loạt (thay vì giá gốc là 66.000 đồng đã bao gồm thuế VAT/thẻ/năm). Con số thực tế 4.000 tỷ đồng doanh thu kể trên chỉ là trong mơ!
Từ ngày 15/5 đến hết 14/6 năm nay, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước có đợt ra quân kiểm tra người điều khiển ô tô, xe máy mà không cần vi phạm lỗi giao thông. Nhờ đó, các dịch vụ rao bán bảo hiểm xe máy, ô tô sốt xình xịch.
Nhiều đại lý bảo hiểm dồn sức bán sản phẩm này. Đây là loại bảo hiểm người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mua, còn các loại bảo hiểm tự nguyện khác thì tùy nhu cầu mà chủ xe có thể mua hay không.
Bắt trend “ra quân” này, trên các diễn đàn mạng xuất hiện la liệt bài đăng bán bảo hiểm xe máy với nhiều mức giá khác nhau. Mức giá phổ biến là 50.000 đồng và 40.000 đồng/thẻ bảo hiểm/năm.
Có người vừa hân hoan vì mua rẻ 40.000 đồng/thẻ/năm, nhưng ngay sau đó lại được chào mua với mức chỉ 35.000 đồng đã bao gồm thuế VAT/thẻ/năm.
Chuyện hạ giá này không mới, từng diễn ra gần 10 năm trước đây và cơ quan quản lý là Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng từng vào cuộc thanh tra.
Tới nay, khi sản phẩm này bỗng bán chạy, câu chuyện hạ giá không còn là vấn đề đáng quan tâm, mà dư luận bắt đầu hướng vào việc có bao nhiêu vụ vụ bồi thường xe máy bắt buộc này được thực hiện.
Thậm chí, có câu hỏi là, liệu sản phẩm này có tác dụng gì đối với bên mua, ngoài việc đối phó với cảnh sát giao thông và việc tồn tại nó có cần thiết?
Chưa có thống kê chính thức, nhưng trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đa số công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, chuyên gia bảo hiểm đều thừa nhận, rất hiếm vụ chi trả bảo hiểm xe máy trên thực tế, chủ yếu vẫn là đòi bồi thường bảo hiểm tự nguyện cho xe ô tô.
Là chuyên gia đòi bồi thường bảo hiểm xe, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, lý do chính là người dân có chịu thông báo cho nhà bảo hiểm đâu mà được bồi thường.
“Xin hỏi, có bao nhiêu người mua bảo hiểm bắt buộc xe máy khi gặp tai nạn rồi đi làm hồ sơ bồi thường, hay toàn im im tự thỏa thuận, không đi đòi mà cứ chê bảo hiểm không trả”, ông Xuân đặt câu hỏi.
Có ý kiến cho rằng, thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy hiện nay không thuận tiện, dẫn đến việc ngại đi đòi bồi thường.
Theo quy định tại Thông tư 22/2016 quy định về hồ sơ công an trong vụ tai nạn như sau: Đối với các vụ tai nạn trên 10 triệu đồng, bắt buộc phải có hồ sơ công an.
Đối với các vụ tai nạn dưới 10 triệu đồng, không bắt buộc phải có hồ sơ công an, mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động tiến hành giám định, lập sơ đồ hiện trường và ghi nhận mức độ tổn thất.
Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho biết, đối với các vụ việc thiệt hại trên 10 triệu đồng, yêu cầu phải có hồ sơ công an (Thông tư 22 quy định doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe phối hợp lấy hồ sơ công an), nhưng doanh nghiệp bảo hiểm toàn đùn đẩy cho chủ xe đi lấy mà không chịu phối hợp, theo kiểu "nếu có thì tôi giải quyết, không thì thôi".
“Các nước phát triển trên thế giới có cách làm rất hay là cơ sở dữ liệu về hồ sơ công an liên thông giữa các bên: Doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm, cơ quan khám chữa bệnh (bệnh viện). Như vậy là hồ sơ gần như rõ ràng, mạch lạc và các bên có thể tải về theo con đường chính thống. Không có chuyện phải đi lấy hay sao chụp nhiêu khê", ông Sơn nói và phân tích thêm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới là do Nhà nước quy định luật chơi, điều tiết các thành phần tham gia, nhưng trên thực tế người dân chưa được hưởng lợi trọn vẹn, vẫn mang tính chất hành chính, đối phó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận