Bảo hiểm phi nhân thọ: Kênh truyền thống còn "chiếm sóng" dài
Năm 2020, tỷ trọng các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe chiếm tới hơn 63% trong cơ cấu doanh thu và mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp phi nhân thọ cho thấy, các kênh phân phối truyền thống như đại lý, bancassurance vẫn rất hiệu quả.
Đại lý, bancassurance vẫn là chủ lực
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, kéo theo kỳ vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ khôi phục lại mức tăng trưởng cao như giai đoạn trước với động lực chính tới từ hoạt động bán lẻ.
Khi thị trường phục hồi, bên cạnh sản phẩm bán lẻ, cơ hội cũng được chia sẻ cho các sản phẩm khác như bảo hiểm xây dựng, hàng hóa, tài sản kỹ thuật… Tuy nhiên, theo các công ty bảo hiểm, bán lẻ vẫn là mảng có tốc độ phục hồi nhanh nhất và mang lại doanh thu lớn nhất cho các doanh nghiệp phi nhân thọ nhờ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu.
Theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2020, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của các hãng phi nhân thọ, đạt 31,9% (tương đương 17.551 tỷ đồng), tiếp đến là bảo hiểm sức khỏe với tỷ trọng 31,4% (tương đương 17.322 tỷ đồng). Chính bởi chiếm ty trọng lớn và dư dịa tăng trưởng còn nhiều nên hầu hết công ty bảo hiểm đều coi bán lẻ tiếp tục là chiến lược trọng tâm trong năm 2021, dẫn tới cạnh tranh ở những mảng nghiệp vụ này trở nên khốc liệt hơn, không chỉ trong phát triển sản phẩm, tìm kiếm các đối tác hợp tác, mà ở cả công tác phát triển các kênh bán hàng mới.
Đơn cử, tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm bảo hiểm về sức khỏe con người, các sản phẩm số hóa, sản phẩm bán qua kênh bancassurance và ra mắt các sản phẩm mới cho thị trường chuyên biệt, MIC đang rốt ráo tìm kiếm đối tác chiến lược có thương hiệu và kinh nghiệm bán lẻ (trực tiếp, online, đại lý, phân phối…).
Hay tại Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), bên cạnh các chương trình thúc đẩy doanh thu bán hàng qua kênh bancassurance, hãng bảo hiểm này còn có kế hoạch triển khai các dự án mới với các đối tác hiện hữu như Vinfast, Boltech, FWD, Mioto, Shinhanbank, Lotte Finance, Savico, Mobiphone…; phát triển các phương thức bán hàng mới thông qua hệ thống bán lẻ xăng dầu của Petrolimex và tăng cường triển khai bán hàng theo kênh/chuỗi để dần thay thế việc bán lẻ truyền thống, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng doanh thu và tăng năng suất lao động…
Để mở rộng kênh phân phối tới khách hàng cá nhân, Bảo hiểm PVI đã ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và và Công ty cổ phẩn TC Advisors (TCA). Theo lãnh đạo Bảo hiểm PVI, trong quý I/2021, sản phẩm cho kênh bán hàng trực tuyến đã được tăng thêm và dự kiến trong quý II, Công ty tiếp tục tìm kiếm các đối tác có thế mạnh về thương mại điện tử để phát triển các sản phẩm mới nhằm phát triển hơn nữa hệ thống bán lẻ.
Với Bảo hiểm Bưu điện (PTI), song song với việc đẩy mạnh khai thác trên các kênh bán hàng hiện hữu, đặc biệt là các kênh phân phối đang có thế mạnh như bancassurance, VNPost, kênh bán hàng trực tuyến…, hãng bảo hiểm này cũng sẽ tăng cường hợp tác với các sàn thương mại lớn, các công ty viễn thông uy tín nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm bảo hiểm trên môi trường thương mại điện tử.
“Trong mảng Digital, PTI sẽ xây dựng các platform khai thác các doanh nghiệp có dữ liệu lớn như Viettel, Vinaphone, Bank, Inso… trên kênh Telco và phát triển theo hướng cộng sinh (tức đóng gói sản phẩm bảo hiểm vào các ứng dụng của đối tác: Open99, Mai Linh online, Vinasun, Fastgo…) và sàn thương mại điện tử trên kênh cyberMKT…”, đại diện PTI nói và thông tin thêm, không phải tới bây giờ, mà từ năm 2014, PTI đã xác định tập trung phát triển bán lẻ nhằm đem lại nguồn doanh thu lớn và ổn định hơn. Đây cũng là lý do PTI sớm xây dựng và phát triển kênh bancassurance.
Cũng theo vị này, với lợi thế và kinh nghiệm triển khai trên kênh bán hàng rộng lớn là các bưu cục, PTI đã đưa ra định hướng phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả của kênh bancassurance. Đến năm 2020, doanh thu qua kênh này chiếm hơn 20% tổng doanh thu của PTI, trở thành kênh phân phối có tỷ trọng cao nhất hiện nay.
Bảo hiểm trực tuyến, câu chuyện thì tương lai
Bên cạnh bancassurance hay đại lý - 2 kênh phân phối cạnh tranh gay gắt nhất hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm bắt đầu quan tâm đến những kênh bán hàng mới như bán hàng online, hợp tác với các công ty khởi nghiệp Insurtech, các sàn thương mại điện tử… để tăng khả năng tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Hiện nay, so với kênh đại lý hay bancassurance, mức độ cạnh tranh của kênh online chưa đáng kể do doanh thu còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển tất yếu của thương mại điện tử, kênh này được đánh giá sẽ trở thành kênh phân phối chủ lực trong tương lai, thay thế cho các kênh truyền thống như đại lý hay bancassurance, cho nên các doanh nghiệp bảo hiểm có sự chuẩn bị sớm nhằm mục đích “đón đầu tương lai”.
Song, có một thực tế là, trong khi các doanh nghiệp có quy mô vừa như MIC, VBI… đang miệt mài với các hoạt động trên thị trường online, thì ngoại trừ PTI, các “ông lớn” khác dường như chưa thực sự chú tâm vào kênh bán hàng trực tuyến.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, lý do chưa nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lớn chú trọng đầu tư vào riêng kênh bán hàng online là bởi khi quy mô càng lớn thì doanh nghiệp càng cần sự đầu tư lớn hơn về nhân sự, công nghệ, sản phẩm cho phù hợp với kênh bán mới. Chưa kể, biên độ lợi nhuận của mảng bảo hiểm gốc ngày một thu hẹp, nên việc bỏ thêm nguồn tài chính lớn để “đầu tư cho tương lai” cần phải tính toán thận trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận