24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ly Na
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bảo hiểm nhân thọ “lấy lại phong độ”, kìm hãm đà rơi

Tốc độ giảm doanh thu của khối bảo hiểm nhân thọ tuy chưa được đảo chiều, nhưng đã có dấu hiệu chậm lại. Những quy định mới được ban hành kỳ vọng sẽ "lành mạnh hóa" việc bán bảo hiểm liên kết đầu tư, giúp ngành này đi đúng hướng, đảm bảo phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn...

Dù khối bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa đạt được tăng trưởng, nhưng tốc độ suy giảm doanh thu đang có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, để phục hồi hoàn toàn, vẫn cần thêm thời gian và sự nỗ lực từ các doanh nghiệp.

THU HẸP ĐÀ GIẢM

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trên thị trường nhân thọ ước đạt 15.924 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng đầu bảng xếp hạng về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ với 2.616 tỷ đồng, theo sau là Prudential (2.502 tỷ đồng), Dai-ichi Life (2.423 tỷ đồng), Manulife (1.648 tỷ đồng) và FWD (999 tỷ đồng).

Vì chưa có sự phục hồi trong doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ trong 8 tháng qua chỉ đạt 93.777 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu từ IAV cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 70.493 tỷ đồng, giảm 9%, và trong 7 tháng đầu năm, con số này là 81.797 tỷ đồng, giảm 8,5%. Điều này cho thấy tốc độ giảm doanh thu tuy chưa được đảo chiều, nhưng đã có dấu hiệu chậm lại.

Về cơ cấu sản phẩm, bảo hiểm liên kết chung tiếp tục thống trị với 56,7% tổng doanh thu, trong khi bảo hiểm hỗn hợp chiếm 16,3%, bảo hiểm liên kết đơn vị là 12,5%, và các sản phẩm bán kèm đạt 12,2%. Các sản phẩm còn lại như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, hưu trí, sức khỏe và sinh kỳ chỉ chiếm 2,2% trong cơ cấu doanh thu.

Ngoài ra, theo IAV, trong 8 tháng đầu năm, tổng số hợp đồng khai thác mới (sản phẩm chính) đạt 1.009.949 hợp đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,9%, nhưng giảm mạnh 26,6%, trong đó bảo hiểm liên kết chung chiếm 51,2% (giảm 14%) và bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm 6,8% (giảm 64,9%). Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 30,6% (giảm 10,1%) và bảo hiểm hỗn hợp chiếm 5,7%, tăng đột biến 398,9%. Các sản phẩm khác như bảo hiểm sức khỏe, hưu trí, trọn đời chiếm 5,8%, giảm 37,2%.

Tính đến cuối kỳ, số lượng hợp đồng có hiệu lực (sản phẩm chính) đạt 11.718.380 hợp đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm hỗn hợp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, lần lượt chiếm 56,8% và 24,4% tổng số hợp đồng.

THAY ĐỔI ĐỂ CHUYỂN MÌNH

Trao đổi với đại diện của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, việc khai thác các hợp đồng bảo hiểm mới hiện đang gặp nhiều thách thức. Nguyên nhân chính đến từ tác động của tình hình kinh tế vĩ mô và sự thích ứng với các quy định mới.

Trong hai năm qua, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam phải đối diện với nhiều thay đổi lớn. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cùng Thông tư 67/2023 đã mang đến các quy định nghiêm ngặt hơn, tập trung bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Theo Khoản 4, Điều 129 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Thông tư số 67/2023/TT-BTC ban hành ngày 2/11/2023 đã sửa đổi nhiều quy định quan trọng nhằm điều chỉnh hoạt động của các đại lý bảo hiểm.

Đáng chú ý, hoa hồng dành cho các nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ và bảo hiểm hỗn hợp đã được điều chỉnh tăng lên, trong khi tỷ lệ hoa hồng năm đầu của bảo hiểm liên kết đầu tư (bao gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị) giảm còn 30%, giảm 10% so với trước đây.

Ngoài ra, Thông tư 67/2023, tại Khoản 2, Điều 52, cũng đưa ra những hướng dẫn chi tiết về việc thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác cho đại lý bảo hiểm. Cụ thể, đối với đại lý khai thác mới, tổng các khoản thưởng và hỗ trợ trong một năm tài chính không được vượt quá 20% phí bảo hiểm thực tế từ hợp đồng có thời hạn 1 năm trở xuống và 30% phí bảo hiểm của các hợp đồng khai thác năm đầu. Đối với đại lý chăm sóc hợp đồng tái tục trên 1 năm, tỷ lệ này không vượt quá 7% phí tái tục thực tế thu được.

Các công ty bảo hiểm chi trả vượt tỷ lệ trên phải xây dựng lộ trình giảm dần mức chi trả, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.

Đặc biệt, Khoản 2, Điều 53 của thông tư cũng yêu cầu các đại lý hoặc nhân viên bảo hiểm phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, có hiệu lực từ tháng 11/2024. Điều này đã đặt ra yêu cầu là các công ty bảo hiểm phải đầu tư mạnh vào công nghệ để đảm bảo việc triển khai quy định mới diễn ra suôn sẻ.

Bên cạnh đó, tư vấn bảo hiểm nhân thọ là một quá trình kéo dài, từ lúc bắt đầu cuộc hẹn cho đến lúc khách hàng đồng ý tham gia phải trải qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, nếu chỉ ghi âm nội dung tại thời điểm bên mua bảo hiểm ký bản yêu cầu bảo hiểm sẽ dễ bị bỏ sót thông tin quan trọng.

Còn nếu ghi âm đầy đủ sẽ gây bất tiện do phải thực hiện ghi âm nhiều lần và trong thời gian dài. Bởi cuộc tư vấn không chỉ chứa đựng thông tin về sản phẩm, mà còn phải tìm hiểu mong muốn của khách hàng, nên khi cần trích lục sẽ phải nghe toàn bộ quá trình tư vấn để xác định chính xác xem người tư vấn bảo hiểm có tư vấn đúng, đủ cho khách hàng.

Chưa kể, rất nhiều khách hàng cảm thấy bất tiện khi cuộc trò chuyện cá nhân bị lưu giữ trong quá trình tư vấn bảo hiểm. Đồng thời, có nhiều vấn đề cần giải quyết trong quá trình áp dụng ghi âm cuộc tư vấn như làm sao để biết bản ghi âm đó là do chính khách hàng thực hiện, cơ sở nào để đối chiếu, giám định trong trường hợp tranh chấp xảy ra khi khách hàng đã tử vong, không thể lấy giọng nói của khách hàng để đối chiếu…

Đáng chú ý, các kỳ thi đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị trở nên khắt khe hơn, việc tuyển dụng đại lý cũng khó khăn hơn, khiến tỷ lệ đỗ giảm đáng kể, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã phát triển quá nhanh và cần phải điều chỉnh để ổn định lâu dài. Những quy định nghiêm ngặt hơn, từ tuyển dụng đến quy trình tư vấn, buộc cả công ty bảo hiểm lẫn đội ngũ đại lý phải trở nên chuyên nghiệp hơn, nắm vững chuyên môn và kỹ năng mới có thể tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này.

Nhiều dự báo cũng đưa ra rằng, trước bối cảnh hiện nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam khó có thể tăng trưởng trở lại trong năm nay và thậm chí cả năm sau. Tuy nhiên, ngành đang đi đúng hướng, dù tốc độ chậm hơn, nhưng đảm bảo phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả