Bảo hiểm e ngại lãi suất giảm hơn Covid-19
Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đã quen với việc vận hành các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhưng tình trạng lãi suất thấp có thể kéo dài là yếu tố khiến các doanh nghiệp quan ngại sẽ ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư.
Thích nghi với trạng thái "bình thường mới"
“Ngoại trừ một vài thay đổi nhỏ, đa số các kế hoạch kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được thực hiện. Việc tuyển dụng cũng như bán mới sản phẩm vẫn phát triển đều đặn ngay cả trong thời điểm đợt dịch thứ hai bùng phát cuối tháng 7 nhờ công ty chuyển đổi kịp thời sang hình thức trực tuyến”, tổng giám đốc (CEO) một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.
Sau đợt dịch bùng phát lần thứ nhất trong tháng 3, tháng 4, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã làm quen với việc vận hành các hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.
Cùng với thay đổi cách thức giao dịch, các doanh nghiệp bảo hiểm còn đẩy mạnh tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới thông qua hợp tác với các đối tác, tổ chức sở hữu hệ thống bán lẻ nhằm phát triển nguồn khách hàng tiềm năng.
“Trong 9 tháng đầu năm 2020, Hanwha Life Việt Nam đã khai trương 18 điểm phục vụ khách hàng, nâng tổng số điểm hiện hữu lên gần 170 điểm trên toàn quốc. Dự kiến, đến cuối năm, Công ty sẽ có trên 180 điểm phục vụ khách hàng khắp cả nước”, ông Im Dong Jun, CEO Hanwha Life Việt Nam cho biết tại lễ khai trương văn phòng kinh doanh và trung tâm phục vụ khách hàng tại TP.HCM.
Trong đó, văn phòng kinh doanh sẽ là nơi ươm mầm phát triển các hạt nhân kinh doanh mới bao gồm Hanwha FTA (lực lượng tư vấn tài chính toàn thời gian), Hanwha Flexi (tổng đại lý linh hoạt) và các dự án tổng đại lý mới.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng triển khai các chiến lược phát triển thị trường. Chẳng hạn, Bảo Việt Nhân thọ và hệ thống siêu thị Viettelstore công bố hợp tác để triển khai bán bảo hiểm nhân thọ trên tất cả các kênh bán hàng. Hay Dai-ichi Life Việt Nam và Mai Linh nâng tầm mối quan hệ bằng một hợp đồng hợp tác độc quyền trong 15 năm.
Trước đây, Mai Linh là khách hàng, nhưng nay trở thành đại lý tổ chức của Dai-ichi Life. Giai đoạn đầu, hãng bảo hiểm này sẽ bán những sản phẩm bảo hiểm đơn giản như bảo hiểm tai nạn thông qua các ứng dụng (app) công nghệ của Mai Linh. Sau đó, đối tác sẽ tiếp cận khách hàng để giới thiệu những sản phẩm phức tạp hơn.
Bán bảo hiểm qua phần mềm gọi xe của các hãng xe công nghệ là hình thức khá phổ biến tại thị trường nước ngoài, nhưng ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên. Việc mạnh dạn triển khai hình thức hợp tác mới này cũng là cách mà Dai-ichi Life Việt Nam muốn tạo ra trải nghiệm mới về bảo hiểm cho khách hàng.
Đối với khối bảo hiểm phi nhân thọ, khi tác động của Covid-19 đến nền kinh tế ngày càng mạnh, các doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh kế hoạch doanh thu, cơ cấu các nghiệp vụ. Chẳng hạn, thay vì tập trung vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đang bị chững lại, các doanh nghiệp đẩy mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho khách hàng được nhiều doanh nghiệp triển khai như giãn thời gian thanh toán bảo hiểm, chia nhỏ kỳ thanh toán phí, bổ sung các quyền lợi, đơn giản quy trình bồi thường…
Một số nghiệp vụ đang có tốc độ tăng trưởng tốt như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh cũng được doanh nghiệp đẩy mạnh.
Rủi ro lãi suất
Nhờ sớm chuẩn bị và nhanh chóng thích nghi với tình hình mới nên bảo hiểm là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất trong 9 tháng đầu năm cũng như dự kiến cả năm 2020.
Tuy nhiên, lãi suất thấp có thể tiếp tục tác động mạnh tới tỷ suất lợi nhuận và mô hình kinh doanh bảo hiểm. Nhận định này là 1 trong 7 xu hướng nổi bật đang tác động tới tổng thể ngành tài chính và từng lĩnh vực vừa được PwC công bố trong báo cáo “Đảm bảo cho ngày mai, ngay hôm nay - Tương lai ngành dịch vụ tài chính".
Đại diện PTI nhìn nhận, việc điều chỉnh và duy trì mức lãi suất thấp như hiện nay sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động đầu tư, làm giảm biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ để ở dạng tiền gửi ngân hàng phải đảm bảo chiếm tỷ trọng từ 60 - 70%.
Theo quy định của Nhà nước, nguồn vốn đầu tư để ở dạng tiền gửi ngân hàng phải đảm bảo chiếm tỷ trọng từ 60 - 70% tổng nguồn vốn đầu tư nên dù lãi suất ngày càng giảm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải sử dụng kênh đầu tư này.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ ngành ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay. Đến nay, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng là 4%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, khiến lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của các công ty bảo hiểm ngày càng giảm.
Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2020 bị ảnh hưởng không nhỏ từ việc hạ lãi suất huy động của các ngân hàng khi cơ cấu tiền gửi ngắn hạn (dưới 1 năm) đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản đầu tư.
Một số ý kiến cho rằng, năm 2021, lãi suất sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nói chung vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Để đảm bảo hiệu quả từ hoạt động đầu tư, bù trừ cho phần giảm sút của lãi suất tiết kiệm, doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường đầu tư vào các công cụ khác nhằm đạt hiệu quả cao hơn như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu…
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, lãi suất tiết kiệm cũng như lãi suất trái phiếu chính phủ giảm không ảnh hưởng quá nghiêm trọng như giai đoạn 2018 - 2019, vì hầu hết doanh nghiệp đã chuyển đổi sang bán bảo hiểm liên kết chung và Bộ Tài chính sửa đổi cách tính dự phòng nghiệp vụ nên gánh nặng trích lập dự phòng cũng nhẹ bớt.
Nhưng tình hình chỉ tạm ổn nếu lãi suất tạm dừng ở mức như hiện nay, nếu lãi suất xuống thấp hơn thì trích lập dự phòng gia tăng là khó tránh khỏi.
“Các dự án cơ sở hạ tầng đình trệ, tiền còn nhiều trong hệ thống ngân hàng thì lãi suất trái phiếu chính phủ khó có thể tăng. Một, hai năm trước, không ai nghĩ lãi suất trái phiếu có thể xuống dưới 3%/năm, nhưng hiện nay đã thấp xuống mức này ở một số kỳ hạn. Vì vậy, khó khăn vẫn ở trước mắt”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp bảo hiểm, có thể Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều chỉnh cách tính dự phòng, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, Muốn sửa đổi nhiều hơn để các doanh nghiệp phát triển ổn định thì phải sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Tại hội nghị CEO doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lần thứ 27 vừa qua, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đưa ra một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới chính sách cũng như hoạt động bảo hiểm như cho phép doanh nghiệp mở thêm địa điểm thi tuyển đại lý, sửa đổi quy định về trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh lãi suất trái phiếu tiếp tục xuống thấp...
Được biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các doanh nghiệp bảo hiểm để hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận