Bạo hành tài chính vì mỗi ngày vợ phát 100 nghìn đồng ăn sáng
Cuối tháng, cứ thấy tin nhắn của thằng bạn thân là tôi biết ngay phải ứng vài triệu đồng để bạn có tiền xài.
Đứa bạn tôi cao ráo, đẹp trai, thăng tiến trong công việc, kiếm ra tiền nhưng luôn rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau do bị vợ giữ hết tiền bạc, kiểm soát chi tiêu.
Mỗi sáng đi làm, cô vợ phát cho 100 nghìn để ăn sáng, cà phê và chi tiêu gói gọn. Lúc trước thì phát tiền mặt, bây giờ thì phát qua banking. Đặc biệt ngày nào phát ngày đó chứ không chuyển hẳn một cục cho mỗi tháng.
Tôi hỏi sao lại như thế? Thì bạn tôi giải thích rằng cô vợ sợ chồng có vài triệu đồng trong tay lại "táy máy tay chân". Tôi hỏi sống vậy có khổ không? Bạn tôi nói "thử đi rồi biết".
Tôi lại hỏi tiếp, tại sao không "vùng lên"? Bạn tôi nói, mỗi lần đề cập chuyện tiền bạc, tài chính trong gia đình, vợ đều muốn "độc quyền". Nếu làm căng hoặc không đưa lương là chiến tranh lạnh xảy ra: không ăn cơm chung, không ngủ chung, không nói chuyện...
Muốn biết tình hình tài chính gia đình, thì cô vợ lại giãy nãy lên: "Anh không tin em à", "tiền, là phải đưa cho vợ giữ".
Báo cáo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, cho thấy có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ).
Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ 2.600, nam 565 (chiếm 17,7%; năm 2022 là 481 người chiếm 12,27%). So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỷ lệ nạn nhân là nam giới tăng.
Người ta chỉ nghĩ bạo hành đi liền với tác động vật lý, bạo lực trực diện. Nhưng bạo hành tinh thần, thông qua kiểm soát tài chính, nộp lương một cục rồi nhận lắt nhắt mỗi ngày... nếu bị phản ứng thì giãy nãy, khóc lóc làm mặt lạnh cũng khủng khiếp không kém.
Thông qua bài viết này, tôi muốn nhắn nhủ đến những người phụ nữ đang kiểm soát tài chính gia đình một cách quá mức rằng, việc làm này có thể gây tổn thương và ảnh hưởng đến tâm lý của chồng. Hãy trao đổi cởi mở với chồng về vấn đề tài chính, tôn trọng sự tự do và quyền riêng tư của nhau để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững.
Thực sự, khi đàn ông còn nhẫn nhịn, tức là còn thương yêu vợ và muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình. Để họ tích lũy sự chán nản, tình cảm nguội lạnh thì việc cùng nhau ký tên vào tờ đơn là điều khó tránh khỏi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận