Bao giờ Việt Nam có miễn dịch cộng đồng với Covid-19?
Theo các chuyên gia y tế, miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi có trên 70% dân số được bảo vệ do đã bị nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc-xin Covid-19.
Tiến độ cung ứng vắc-xin có thể chậm
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 23/3, Việt Nam đã tiến hành tiêm vắc-xin Covid-19 cho 36.082 người là cán bộ, nhân viên ngành y tế. Theo lộ trình cung cấp vắc-xin, ngày 25/3, lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca về Việt Nam. Số lượng này nằm trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều của COVAX Facility cho Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục nhập về vào ngày 25/4. Như vậy, đến hết tháng 4/2021, Việt Nam sẽ có 4,17 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ COVAX Facility.
Miễn dịch cộng đồng hình thành khi tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với một bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm và có thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh đó lây lan.
Kỳ vọng là vậy, song theo lãnh đạo Bộ Y tế, do nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu khó khăn, nên các lô vắc-xin đầu tiên này có thể bị lùi lại thời gian cung ứng. Số lượng vắc-xin còn lại trong cam kết của COVAC Facility dự kiến cung ứng từ quý III/2021 có thể bị lùi lại tới năm 2022.
Ngoài số lượng trên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) đang đàm phán với nhà sản xuất vắc-xin Sputnik V, nhưng hiện chưa có thông báo của nhà sản xuất về kế hoạch và thời gian cung ứng vắc-xin Sputnik V.
Việt Nam cũng đã đàm phán mua vắc xin Pfizer (Mỹ). Thông tin từ nhà sản xuất, vắc-xin này có thể bán cho Việt Nam 31 triệu liều, song khó khăn phát sinh chính là việc bảo quản vắc-xin. Theo đó, vắc-xin Pfizer có yêu cầu bảo quản lạnh sâu, từ -80 đến -60 độ C, trong khi hệ thống dây chuyền lạnh của Việt Nam chỉ đáp ứng được việc bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ từ 2 đến -8 độ C.
Đặc biệt, theo người đứng đầu ngành y tế, cơ quan này cũng đang đàm phán với Hãng Johnson& Johnson và các nhà sản xuất khác để tìm nguồn cung ứng vắc-xin, nhưng vẫn chưa đạt được cam kết.
Với nguồn vắc-xin Covid-19 trong nước, theo Bộ trưởng Y tế có 2 nguồn tiềm năng, khi NanoCovac và Covivac đang thử nghiệm trên người, hy vọng cuối năm 2021 đầu năm 2022 sản phẩm của Việt Nam sẽ được tiêm cho cộng đồng.
Về câu hỏi liệu bao giờ Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng? Theo GS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu 2/3 dân số được tiêm vắc-xin phòng bệnh, thì nước đó sẽ có miễn dịch cộng đồng với Covid-19.
Ths.Bs. Nguyễn Quốc Thái, (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, trung bình, một bệnh nhân mắc Covid-19 có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 cho khoảng 2,5 đến 4 người. Do đó, với khoảng 60% - 75% người có miễn dịch trong cộng đồng, chúng ta có thể đẩy lùi và kiểm soát được Covid-19 trên toàn bộ quần thể. Tỷ lệ 25 - 40% dân số còn lại sẽ hưởng lợi nhờ miễn dịch người khác đã có.
Do đó, bác sỹ Thái cho rằng, vắc-xin là chìa khóa để chúng ta tiến đến đủ số lượng người trong quần thể có miễn dịch, qua đó khống chế, kiểm soát Covid-19. Sở dĩ như vậy là vì sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, cơ thể sẽ sinh ra nhiều kháng thể, ngăn chặn sự hoạt động của các protein nhú gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Tiếp tục chống dịch theo 5K
Vắc-xin là chìa khóa để khống chế đại dịch, song theo ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), người dân không nên có tâm lý nghi ngờ hay hoảng sợ với một vài phản ứng sau tiêm, bởi bất cứ thứ thuốc, vắc-xin hay sinh phẩm gì đưa vào cơ thể đều dẫn đến tác dụng phụ nhất định.
Đến nay, tác dụng phụ ghi nhận nhiều nhất với vắc-xin Covid-19 là đau ở chỗ tiêm, áp-xe nơi tiêm, nặng nhất là sốc phản vệ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sau khi tiến hành tiêm trên số lượng hơn 36.000 cán bộ y tế, các phản ứng hoàn toàn nằm trong giới hạn mà nhà sản xuất đưa ra.
Ở khía cạnh khác, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện công cộng (Bộ Y tế) khuyến nghị, khi hơn 70% dân số miễn nhiễm với Covid-19 bằng cách tiêm vắc-xin hoặc đã từng nhiễm bệnh, khi ấy chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy vậy, khi đạt được tỷ lệ đó chúng ta cũng không chủ quan, bởi những nước đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng như Israel vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách.
“Trong phòng chống Covid-19, ngoài việc tiêm vắc-xin, các cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu như giám sát như xét nghiệm, truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch theo thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) đã được Bộ Y tế ban hành”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Đồng thời, chuyên gia này nhấn mạnh, người dân cần hiểu rõ, vắc-xin khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay, nên các biện pháp bảo vệ khác vẫn cần thực hiện nghiêm ngặt. “Cách chống dịch hiệu quả nhất là làm cho toàn dân được miễn dịch bằng tiêm vắc-xin, thực hiện biện pháp phòng chống theo thông điệp 5K, bởi con người hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào khả dĩ để loại bỏ hoàn toàn virus, buộc phải chung sống với nó và tìm kiếm giải pháp khắc chế”, ông Trần Đắc Phu nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận