“Bão giá” tạo cơ hội cho vật liệu xây dựng mới
Sức ép từ chi phí xây dựng
Theo Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), từ cuối năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng đã tăng liên tục và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tính đến đầu tháng 7/2022, giá xi măng đã tăng 70% so với quý IV/2020; giá thép mặc dù hai tháng gần đây đã có sự chững lại, nhưng vẫn tăng khoảng 40% so với đầu năm; trong khi đó giá nhựa đường, đá xây dựng, cát đổ nền, gạch lát đường… cũng lần lượt tăng bình quân 1,5 lần/tháng, mức tăng đạt khoảng 30-35% so với cuối năm ngoái.
Các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và các công ty chuyên sản xuất, phân phối nguyên liệu đầu vào cho các công trình, dự án xây dựng hạ tầng cũng đều phải điều chỉnh giá bán. Từ Bắc chí Nam, nhà thầu lớn nhỏ của hàng ngàn công trình không chịu đựng được “bão giá” đã phải ngưng thi công, đàm phán lại về tổng vốn đầu tư cũng như điều chỉnh đơn giá vật liệu đầu vào. Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh thành khu vực phía Nam đã phải tính toán đến phương án sử dụng các loại nguyên liệu thay thế cát, sỏi đổ nền đường để đảm bảo thi công các tuyến đường đúng tiến độ và hạn chế điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho rằng, với diễn biến giá vật liệu xây dựng như hiện nay, trong 6 tháng cuối năm mặt bằng chung các loại vật liệu cơ bản như xi măng, cát sỏi, sắt thép, nhựa đường sẽ còn tiếp tục tăng trung bình khoảng 1-1,5% mỗi tháng. “Việc tăng giá than chưa ngừng lại sẽ khiến ngành xi măng gặp khó khăn lớn và các doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại sản lượng, đồng thời nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu đầu vào thay thế phù hợp khi sản xuất xi măng thành phẩm”, ông Trường nói.
Trước diễn biến này, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam, từ nay đến cuối năm nhiều công trình dự án sẽ phải tạm ngưng để điều chỉnh lại tổng vốn đầu tư. Vì không chỉ giá vật tư cơ bản tăng mạnh mà hiện nay giá vận chuyển, giá nhân công đều cũng đã tăng đáng kể. Phần chi phí ứng trước cho đơn giá cũ của hợp đồng sẽ không đủ để nhà thầu chi trả trong các phân đoạn công trình. Chưa kể các nhà cung cấp, đại lý vật tư đều có nhu cầu đặt cọc và thanh toán một phần. Do đó, một số dự án có thể sẽ phải tạm ngưng để điều chỉnh giá đầu vào, thậm chí có thể thay thế một số loại vật liệu xây dựng mới nếu đảm bảo chất lượng và chi phí hợp lý hơn”, ông Hiệp cho biết.
Thời cơ cho các dòng vật liệu mới
Theo quan sát từ thị trường, tác động của làn sóng tăng giá vật liệu xây dựng cũng có tác động tích cực là thúc đẩy khá mạnh đến quá trình đổi mới, tái cấu trúc sản phẩm của ngành vật liệu xây dựng.
Đơn cử, các nhà máy tại Bình Phước, Kiên Giang của hãng xi măng Hà Tiên hiện nay tỷ lệ chất đốt thay thế cho than đã đạt 15-21%. Xi măng Hà Tiên cũng đã sử dụng 100% FOR (sản phẩm tái chế của ngành cao su) để thay thế dầu DO truyền thống trong việc sấy lò.
Các hợp tác quốc tế nhằm đầu tư phát triển các sản phẩm mới cho ngành vật liệu xây dựng đã được nhiều doanh nghiệp chú trọng và đặt chiến lược đầu tư. Tại Bình Dương, mới đây CTCP Phát triển Trung Hiếu đã hợp tác với hãng công nghệ vật liệu Betolar của Phần Lan để sản xuất vật liệu thay thế xi măng. Tương tự, Công ty Thyssenkrupp Industrial Solutions Việt Nam và Viện Vật liệu xây dựng cũng đã ký kết hợp tác nhằm nghiên cứu tận dụng rác thải thay thế nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất xi măng.
Trong các tháng vừa qua, trước đề xuất của hàng loạt tỉnh, thành khu vực phía Nam về việc nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường ô tô, Bộ Giao thông - Vận tải và các viện nghiên cứu ứng dụng vật liệu nước ngoài như NAUE Asia, Viện nghiên cứu Deltares (Hà Lan) đã hợp tác đề xuất giải pháp triển khai xây dựng “ngân hàng cát” nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó cho phép sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường thay cho cát xây dựng truyền thống. Các nhà khoa học tại Đại học Huế, mới đây cũng đã đề xuất sử dụng xỉ hạt lò cao của Nhà máy Formosa Hà Tĩnh để làm vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng…
Ông Nguyễn Quang Chung - Giám đốc CTCP Bê tông khí Viglacera nhận định, hiện nay là thời điểm rất thích hợp để các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đổi mới, tái cấu trúc sản phẩm theo hướng gia tăng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bởi trong bối cảnh giá vật tư xây dựng tăng mạnh do biến động nguồn cung nhập khẩu và cạn kiệt dần các mỏ khai thác tự nhiên, thì các nguyên, vật liệu thay thế sẽ là hướng đi tất yếu giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Theo ông Chung, trong vài năm tới, xu hướng sử dụng các loại vật liệu thay thế trong xây dựng như: bê tông nhẹ, tấm giả gỗ, vật liệu ốp tường, lát sàn, trang trí nội, ngoại thất… sẽ rất phát triển, do thị trường ngày càng nhiều các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng nguyên liệu tái chế. Ngoài ra, xu hướng thiết kế, xây dựng nhà ở hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi, người dân có xu hướng chọn lựa các loại vật liệu nhẹ, đẹp và thiết kế tiện ích, dễ thay thế và giá cả hợp lý. “Vì vậy, có thể thấy rằng, làn sóng tăng giá vật tư là thách thức lớn đối với ngành vật liệu nhưng cũng mở ra cửa sáng để đổi mới tư duy về sản phẩm”, ông Chung cho biết.
Tư vấn đầu tư, cơ cấu danh mục miễn phí, đồng hành cùng nhà đầu tư: Anh Quân
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận