Báo Đức: Nhiều doanh nghiệp chạy khỏi Trung Quốc tới Việt Nam
Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức vừa đăng bài viết cho biết Bắc Kinh đang khiến các nhà đầu tư tháo chạy. Đó là lý do dòng tiền mới đang chảy vào Việt Nam và Singapore.
Theo bài viết, các vụ việc bất ổn ở Hong Kong, phong tỏa ở Thượng Hải do đại dịch COVID-19, các lệnh trừng phạt thứ cấp và những lời đe dọa của Mỹ đang buộc các công ty tìm kiếm những nơi khác. Đó là chưa kể chi phí ở Trung Quốc đang tăng lên và nguồn cung lao động tay nghề cao khan hiếm.
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine và sự gần gũi rõ ràng giữa Moskva và Bắc Kinh, các doanh nghiệp cũng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ chuyển giao các bộ phận được sản xuất ở nước này cho Nga để sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Các nhà cung cấp Trung Quốc cũng đang rời khỏi nước nhà và đây cũng là một xu hướng mới. Theo ông Alexander Götz, người điều hành công ty chuyên về dập và định hình kim loại Fischer Asia, Việt Nam là "một Trung Quốc tốt hơn và rẻ hơn", đồng thời kêu gọi các công ty châu Âu nhanh tay nếu không muốn bị chậm chân ở thị trường này.
Đông Nam Á đã là tâm điểm của sự quan tâm trước năm 1997, khi người ta ít nói về Trung Quốc và hầu như không ai nghĩ đến Ấn Độ. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng ở châu Á sau đó đã đẩy "những chú tiểu hổ" đến bờ vực thẳm, trong khi chế độ độc tài Trung Quốc chiếm thế thượng phong. Với khẩu hiệu "thay đổi thông qua thương mại", người ta đã nói về việc làm ăn, kiếm tiền ở đó. Tuy nhiên, hiện tại là thời kỳ Đông Nam Á 2.0, được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng Trung Quốc.
Thay vì xây dựng thêm một nhà máy ở Trung Quốc, công ty con Tesa của Beiersdorf muốn mở nhà máy đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam vào năm tới. Lego đang đầu tư khoảng 1 tỷ euro cho dây chuyền sản xuất đầu tiên trên sông Mekong với điều kiện duy nhất là nguồn điện cung cấp phải thân thiện với môi trường. Chuyên gia về khí hậu, tập đoàn Viessmann Group đang tìm kiếm địa điểm đầu tư. Trong khi ông Horst Julius Pudwill, một tỷ phú người Đức gần 80 tuổi, hiện ở Hong Kong, muốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào sản xuất các thiết bị điện tại nhà máy Techtronic Industries (TTI) ở Việt Nam.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, cho biết kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại ngày 15/3 sau đại dịch COVID-19, công việc của ông luôn bận rộn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn tách hoàn toàn khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhà cung cấp linh kiện ôtô Schaeffler Group cũng muốn điều này, song họ sẽ không di chuyển mà đầu tư bổ sung. Dự kiến, vào cuối năm 2022, xưởng sản xuất của Schaeffler gần TP. HCM sẽ được tăng gấp đôi công suất.
Bất cứ ai đã làm việc ở châu Á trong nhiều thập kỷ qua đều không thể bỏ qua điểm tương đồng: Việt Nam ngày nay gợi nhớ đến Thượng Hải ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ. Tại TP.HCM, các tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm, các nhà hàng sushi cũng vậy và ngày càng nhiều người Việt thích thú với những quán cà phê mới, nơi một cốc mocha đắt gấp 3 lần. Tất cả những điều này là biểu hiện của sự chắc chắn và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự báo vào khoảng 7%, vượt qua cả Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận