Báo động tình trạng hủy niêm yết sàn diện rộng
Chuyên gia cảnh báo, nhiều khả năng đến năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến một làn sóng huỷ niêm yết trên diện rộng.
Trong tổng thể bức tranh kinh doanh thời gian qua, hàng không đang là ngành chịu áp lực lớn nhất từ những ảnh hưởng của đại dịch khi số lượng chuyến bay và hành khách từ đầu năm đến nay đã giảm 60-70% so với trước dịch. Hiện, toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế đều bị dừng lại và trong nước vẫn đang bị hạn chế.
Đơn cử như Vietnam Airlines (mã: HVN), tính đến cuối quý II/2020 đã lỗ luỹ kế 17.771 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ là 14.183 tỷ đồng. Số lỗ này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong quý III.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Do đó, cổ phiếu HVN có thể đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc, mã này cũng đang bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4.
Dòng tiền kinh doanh của nhiều hãng hàng không đang "thoi thóp" và rơi vào "vùng nguy hiểm". Chỉ tính đến giữa năm 2021, khoản nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất đã lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines chiếm hơn 66%.
Đối với ngành bán lẻ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cũng cho biết, trong tháng 7 và tháng 8 đã phải tạm đóng hơn 270 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã tác động rất xấu đến kết quả kinh doanh của công ty bán lẻ trang sức này.
Theo đó, PNJ ghi nhận 162 tỷ đồng doanh thu thuần trong tháng 8, giảm tới 87% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, công ty báo lỗ 78 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ của tháng 7 liền trước và đây là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận đi xuống.
Dịch bệnh kéo dài cũng tác động nặng nề đến ngành vận tải. Đại diện nhóm doanh nghiệp này, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã: VNS) cho biết, lợi nhuận quý III sẽ tiếp tục là con số âm, sau khi ghi nhận lỗ 66 tỷ đồng trong quý II. Việc tạm ngưng hoạt động lĩnh vực taxi là nguyên nhân gây lỗ cho doanh nghiệp.
Nói đến những doanh nghiệp thua lỗ triền miên không thể không nhắc tới bộ đôi luôn rơi vào "vòng nguy hiểm" là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) và CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG).
Dù chưa công bố BCTC quý III nhưng với khoản lỗ lũy kế nhiều nghìn tỷ đồng cùng với các ý kiến kiểm toán chưa được khắc phục thì không khó để đoán được bức tranh lợi nhuận của hai doanh nghiệp này trong giai đoạn tới. Hiện, cổ phiếu HNG đang trong diện cảnh báo và HAG là diện kiểm soát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận