Báo động nạn tội phạm người nước ngoài
Hầu hết, đối tượng phạm tội đều nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch, nhưng thực chất nhằm mục đích thực hiện các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật.
Núp bóng du lịch
Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trong khu vực miền Trung, đặc biệt tại các tỉnh, thành có ngành du lịch phát triển như Nghệ An, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam hay Khánh Hòa... tình trạng người nước ngoài phạm tội diễn biến khá phức tạp.
Hầu hết đối tượng phạm tội đều nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch, nhưng thực chất nhằm mục đích thực hiện các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật. Vấn nạn này đã và đang ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo ra sự lo lắng, bất an trong quần chúng nhân dân.
Những năm trước đây, các hành vi phạm pháp của những đối tượng ngoại quốc thường liên quan đến trộm cắp, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo qua điện thoại... Tuy nhiên gần đây, loại hình phạm tội đã trở nên đa dạng và tinh vi hơn như thao túng chứng khoán.
Mới đây, Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) phát hiện 34 người Trung Quốc nhập cảnh với mục đích du lịch, nhưng thuê trọn khách sạn Chula trên đường Võ Nguyên Giáp để thực hiện các hoạt động thao túng chứng khoán tại Trung Quốc. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm nhiều laptop, điện thoại di động kết nối truy cập vào các trang web ở Trung Quốc để thực hiện hành vi thao túng chứng khoán.
Điều đáng nói, trước kia các đối tượng phạm tội thường thuê nguyên cả một khách sạn rồi đóng cửa để thực hiện các hành vi phạm tội. Trong vụ án này, để qua mặt cơ quan chức năng, đối tượng vẫn thuê lễ tân, nhân viên bảo vệ khách sạn, tạo vỏ bọc hoạt động kinh doanh lưu trú bình thường. Nhưng, khi có khách đến hỏi thì lễ tân đều trả lời là hết phòng.
Trước đó, cũng tại TP. Đà Nẵng, lực lượng công an đã đồng loạt kiểm tra 6 địa điểm, phát hiện 35 người Trung Quốc sử dụng mạng internet để lừa đảo, tổ chức đánh bạc...
Tương tự, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Vinh (Nghệ An) cũng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can mang quốc tịch Trung Quốc để điều tra hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Công an địa phương phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) và các đơn vị liên quan đã phát hiện, thu giữ 333 thẻ ngân hàng do Trung Quốc sản xuất cùng 3 thiết bị điện tử, 2 máy tính xách tay.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định trong 333 thẻ ngân hàng do Trung Quốc sản xuất có 319 thẻ đã được nhóm nghi phạm đánh cắp thông tin chủ tài khoản là của người Việt Nam và 14 thẻ trắng. Trong số này, 22 thẻ đã bị rút với số tiền gần 300 triệu đồng...
Tình trạng người nước ngoài phạm tội còn xuất hiện tại các trung tâm du lịch khác, trong đó có Khánh Hòa. Du lịch địa phương này phát triển đã kéo theo tình trạng người nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp; phạm tội nguy hiểm, ảnh hưởng an ninh trật tự ở địa phương. Trong đó, nổi lên là tình trạng sử dụng mạng internet để tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia.
Đơn cử như vụ việc Công an Khánh Hòa phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra hành chính 3 nhà nghỉ ở TP. Nha Trang, phát hiện và bắt giữ 24 người, trong đó có 22 người Trung Quốc sử dụng mạng internet để đánh bạc xuyên quốc gia...
Bất cập khâu quản lý
Có thể nói, tội phạm là người nước ngoài nói chung, diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, từ khâu quản lý đến chế tài xử phạt vẫn còn những bất cập, khó khăn khiến tình trạng người nước ngoài phạm tội không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng.
Thực tế, số lượng du khách nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc đến miền Trung đang chiếm số lượng lớn khách quốc tế tới Việt Nam. Theo thông tin từ Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, người Trung Quốc đến Đà Nẵng gần đây rất đông, nhiều năm liền đứng đầu lượng khách nước ngoài đến thành phố, còn hiện đang chiếm vị trí thứ 2, sau du khách Hàn Quốc.
Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển du lịch là việc nhiều đối tượng lại đang “núp bóng” du lịch để phạm tội. Để đấu tranh ngăn chặn, lực lượng công an TP. Đà Nẵng cũng như công an các địa phương khác đã và đang tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ.
Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng, chúng ta luôn hoan nghênh và chào đón người nước ngoài đến du lịch, đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, nhưng phải thực hiện đúng quy định, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong một thời gian ngắn cơ quan chức năng ở địa phương đã buộc xuất cảnh hơn 500 trường hợp là người Trung Quốc hoạt động trái mục đích nhập cảnh. Đáng chú ý trong số này có 35 người Trung Quốc đang bị truy nã, 20 người từng phạm pháp hình sự...
Tuy đã tích cực đấu tranh, nhưng trên thực tế tội phạm có yếu tố nước ngoài vẫn gia tăng ở khu vực miền Trung. Nguyên nhân cơ bản vẫn do công tác quản lý địa bàn, chế tài xử phạt của chúng ta vẫn còn những bất cập, lỏng lẻo.
Trong khi đó, các đối tượng người nước ngoài thường sử dụng những “căn cứ”, kín cổng cao tường, dễ bề che mắt lực lượng chức năng, để “đột kích” vào được bên trong rất khó khăn, hoặc khi vào được rồi thì các đối tượng cũng đã có thừa thời gian để xóa dấu vết, tang vật. Như tội phạm hoạt động qua mạng internet, chỉ cần một thời gian rất ngắn là các đối tượng đã có thể xóa hết mọi chứng cứ. Bởi vậy, để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm qua mạng internet chưa bao giờ là dễ dàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận