Báo chí Trung Quốc dồn dập "nắn gân" Mỹ
Trong tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc dồn dập công kích và nắn gân Mỹ ngay sau khi Bắc Kinh quyết tăng thuế vào hàng hóa Mỹ để trả đũa quyết định tăng thuế với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc của Washington.
Các bài xã luận trên các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, dù là Nhân dân Nhật báo hay Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), đều thể hiện sự tự tin về khả năng Trung Quốc chống lại Mỹ trong cuộc đối đầu thương mại.
Diễn biến này trái ngược với tình trạng khá im hơi lặng tiếng của báo chí Trung Quốc trong những tuần trước đó. Các thông điệp về chiến tranh thương mại được Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ, vì vậy, sự thay đổi trên có thể hé lộ những gì các lãnh đạo Trung Quốc đang suy nghĩ về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang kéo dài hơn dự kiến.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị cuốn vào cuộc chiến thuế kéo dài hơn một năm qua. Hai bên dường như đã tiến gần đến một thỏa thuận thương mại cho đến khi ông Trump thông báo trên Twitter hôm 5-5 rằng Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 10-5 vì cho rằng Trung Quốc kéo chậm tiến trình đàm phán. Ông cũng đe dọa sớm áp thuế với 325 tỉ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc chưa bị đánh thuế.
Hơn 24 tiếng sau thông báo đó, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn không có phản ứng nào cho đến khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo vào lúc 3 giờ chiều 6-5 theo giờ Bắc Kinh.
Tại cuộc họp báo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nói phái đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn sẽ đến Mỹ để dự vòng đàm phán thứ 11 và không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào.
Khi bị các phóng viên hỏi dồn, ông Cảnh Sảng nói họ nên liên lạc với các cơ quan hữu quan để biết chi tiết nhưng lại không nói rõ là cơ quan nào. “Cơ quan hữu quan là cơ quan liên quan đến vấn đề này. Đó là lý do tôi chỉ các bạn đến hỏi họ”, ông nói.
Clip của buổi họp báo với câu trả lời không thỏa mãn này đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội Trung Quốc.
Vài ngày sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc mới ra các tuyên bố chính thức, bao gồm một tuyên bố xác nhận Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đám phán Trung Quốc đến Washington và một tuyên bố cảnh báo về “các biện pháp trả đũa cần thiết” nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng thuế.
Chuyến thăm Washington của ông Lưu Hạc đã không tạo ra được bất cứ tiến triển nào ngoài thông báo của hai bên nói rằng đàm phán sẽ tiếp tục.
Rạng sáng 10-5, Mỹ chính thức tăng thuế với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc. Tối hôm đó, trong bản tin thời sự của CCTV, biên tập viên Khang Huy ra tuyên bố hùng hồn kéo dài một phút rưỡi, nói rằng: “Về cuộc chiến thương mại do Mỹ kích động, Trung Quốc đã sớm bày tỏ thái độ rõ ràng: Không mong muốn chiến tranh thương mại nhưng không ngại chống trả và phải chống trả khi cần thiết”.
Ông nói tiếp: “Nếu Mỹ muốn đàm phán, cánh cửa của chúng tôi vẫn rộng mở; nếu Mỹ muốn gây chiến, chúng tôi sẽ theo đến cùng. Sau 5.000 năm phong ba bão táp, có cuộc chiến đấu nào mà dân tộc Trung Quốc chưa kinh qua?... Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói, nền kinh tế Trung Quốc là biển lớn, chứ không phải là ao nhỏ. Một cơn bão có thể hủy diệt ao nhỏ nhưng không thể gây thiệt hại cho biển lớn. Sau bao nhiêu bão táp, biển lớn vẫn còn đó”.
Vài giờ sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo tăng thuế mức 5-10% lên mức 20-25% với gần 60 tỉ đô la hàng hóa Mỹ nhưng đến ngày 1-6 mới có hiệu lực.
Clip về tuyên bố của ông Khang Huy gây chú ý và lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Các báo đài nhà nước Trung Quốc cũng đăng các bài báo nhấn mạnh mức độ lan tỏa khủng khiếp của clip. Tính đến trưa ngày 16-5, một bài viết đính kèm clip này trên mạng xã hội Weibo đã thu hút hơn 99 triệu lượt xem.
Hôm 14-5, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đăng trên tài khoản mạng xã hội WeChat của báo này hình ảnh quốc kỳ Trung Quốc, trong đó, lồng vào khẩu hiệu bằng tiếng Hoa nói rằng bất cứ mưu toan nào ức hiếp Trung Quốc đều là “mơ tưởng hão huyền”.
Cùng ngày, bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, phụ san của Nhân dân Nhật báo, kêu gọi “cuộc chiến tranh nhân dân”, một cụm từ được nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông sử dụng để mô tả cuộc kháng chiến chống đế quốc Nhật Bản trước đây của Trung Quốc.
Bài xã luận có đoạn: “Phía Trung Quốc chống trả để bảo vệ các lợi ích hợp pháp. Ở Mỹ, cuộc chiến thương mại được tạo ra bởi một người và một chính quyền. Trái lại, toàn thể đất nước và tất cả người dân Trung Quốc đều bị đe dọa (bởi cuộc chiến này). Đối với chúng tôi, đây là cuộc chiến tranh nhân dân thực sự”.
Một bài xã luận khác của Thời báo Hoàn Cầu ví các đòn thuế của Mỹ giống như “các viên đạn bay vung vãi”, sẽ tự gây tổn thương cho Mỹ và khó duy trì trong dài hạn, trong khi đó, Trung Quốc “ngắm chính xác” và tránh gây tổn thương cho chính mình.
Hôm 16-5, Nhân dân Nhật báo đăng bài viết chỉ trích Mỹ: “Lý luận của Mỹ là những gì Mỹ nói trở thành những gì bạn nói và nếu bạn không nói như Mỹ nói, đó sẽ là bội ước...Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ các vấn đề quan trọng thuộc về nguyên tắc”.
Andy Mok, học giả ở Trung tâm Toàn cầu hóa và Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng thông qua các bài xã luận nắn gân Mỹ, Bắc Kinh cũng muốn nhấn mạnh với người dân trong nước rằng Mỹ đang bất lực trong việc ép buộc Trung Quốc hành động chống lại các lợi ích của nước này.
Scott Kennedy, Giám đốc Dự án Kinh tế chính trị và kinh doanh Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nhận định: “Tôi cho rằng đã có sự chỉ đạo truyền thông khi phát thông điệp mô tả Mỹ như kẻ "ức hiếp" và Trung Quốc như "nạn nhân"”.
Theo ông, bằng cách như vậy, Bắc Kinh muốn bắn tín hiệu với Washington rằng: “Tôi không thể nhượng bộ quá lớn vì người dân của chúng tôi sẽ giận dữ”. Song ông Kennedy cho rằng điều này cũng sẽ khiến hai nước khó tìm thấy tiếng nói chung hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận