24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hà My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1 năm 2021

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Từ cuối tháng Một đến đầu tháng Ba, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế – xã hội cả nước, kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước[1] do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018[2] trong giai đoạn 2011-2021, làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,78% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2021 tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước, là ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,67 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,71%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,45%; khu vực dịch vụ chiếm 42,20%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,64% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 11,66%; 35,86%; 42,82%; 9,66%).

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,08%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,38%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi: rét đậm, rét hại, hạn hán và xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá; đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra và tôm thương phẩm có xu hướng tăng.

a) Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo trồng được 2.973,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.056,4 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1.917 nghìn ha, bằng 99,6%, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.518,1 nghìn ha, bằng 98,2%. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 731,3 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 48,2% diện tích gieo cấy và bằng 62,5% cùng kỳ năm trước với năng suất ước đạt 70,2 tạ/ha, tăng 1,9 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước tính đạt 10,66 triệu tấn, tăng hơn 85 nghìn tấn. Đến trung tuần tháng Ba, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2020-2021. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng ước tính đạt 150,7 nghìn ha, bằng 89,1% vụ mùa năm trước; năng suất đạt 49,4 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng đạt 665,2 nghìn tấn, giảm 95,1 nghìn tấn. Tính đến giữa tháng Ba, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 333 nghìn ha ngô, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước; 54,1 nghìn ha khoai lang, bằng 93,9%; 11,9 nghìn ha đậu tương, bằng 88,8%; 107,3 nghìn ha lạc, bằng 97%; 558,8 nghìn ha rau đậu, bằng 100,1%.

Trong quý I/2021, một số cây công nghiệp lâu năm đã cho thu hoạch, trong đó: Sản lượng điều đạt 193,1 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 200 nghìn tấn, giảm 0,5%; cao su đạt 119 nghìn tấn, tăng 1,6%, chè búp đạt 154,9 nghìn tấn, tăng 1,9%. Sản lượng một số loại cây ăn quả tăng: Bưởi đạt 143,3 nghìn tấn, tăng 2,4%; thanh long đạt 326,3 nghìn tấn, tăng 4,3%; xoài đạt 236,7 nghìn tấn, tăng 1,3%; dứa đạt 134,3 nghìn tấn, tăng 7%; chuối đạt 653,4 nghìn tấn, tăng 2,5%.

Chăn nuôi trâu, bò trong quý I bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại, băng giá, mưa tuyết trong tháng Một và hiện nay đang xuất hiện dịch viêm da nổi cục tại một số địa phương, người chăn nuôi và chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Ước tính tổng số bò tính đến thời điểm cuối tháng Ba tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số trâu giảm 2,3%; tổng số lợn tăng 11,6%; tổng đàn gia cầm tăng 8,3%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong quý I/2021 đạt 32,2 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 120,7 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 1.018,8 nghìn tấn, tăng 7,5%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 513,6 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng sữa bò tươi đạt 270,1 nghìn tấn, tăng 5,1%.

Tính đến ngày 25/3/2021, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Nam; dịch lở mồm long móng còn ở Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk và dịch tả lợn châu Phi còn ở 19 địa phương và dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã phát sinh tại 17 địa phương chưa qua 21 ngày.

b) Lâm nghiệp

Trong tháng Ba, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 17,2 nghìn ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước đạt 33,2 nghìn ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 26,4 triệu cây, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt gần 3 triệu m3, tăng 4%; sản lượng củi khai thác đạt gần 4,5 triệu ste, giảm 0,2%.

Diện tích rừng bị thiệt hại[3] trong tháng Ba là 94,2 ha, giảm 46,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do diện tích rừng bị cháy giảm 70,4%; diện tích rừng bị chặt phá là 73,7 ha, giảm 31,7%. Tính chung quý I/2021, diện tích rừng bị thiệt hại là 357 ha, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 115 ha, giảm 28,6%; diện tích rừng bị chặt phá là 242 ha, tăng 15,2%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Ba ước đạt 683,9 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, sản lượng thủy sản ước đạt 1825,3 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 339,8 nghìn tấn, tăng 4,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 885 nghìn tấn, tăng 1% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 845,1 nghìn tấn, tăng 1,1%).

3. Sản xuất công nghiệp

Ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn tốc độ tăng 14,30% của quý I/2018 và 11,52% của quý I/2019; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,50%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,78%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 8,24% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng chung.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020 tăng 2,8%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2021 tăng 22,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,9%); tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2021 đạt 75,1% (cùng kỳ năm trước là 78,4%).

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng có vốn đăng ký tăng 27,5%, nguyên nhân do gia tăng số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (tăng 36,8%) và giảm số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (giảm 3,3%). Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%, đây phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh trong quý II/2021 khả quan hơn quý I/2021.

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[4]

Trong tháng 03/2021, cả nước có 11.171 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 113 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,8 nghìn người, tăng 39% về số doanh nghiệp, giảm 37,1% về vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động so với tháng 02/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 54,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước còn có 4.529 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước; 2.213 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 38,4% và giảm 9,7%; 3.458 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 32,7% và tăng 24,2%; 1.608 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 7,2% và tăng 22,2%.

Tính chung quý I/2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245,6 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đạt 15,3 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 525,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2021 là 973,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 14,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2021 lên 44 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong quý I/2021, có 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 23,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; 11,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 5,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 26,4%. Trung bình mỗi tháng có 13,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2021 cho thấy: Có 29,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 tốt hơn quý IV/2020; 31,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 51% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 86,2% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 84,8% và 83,4%.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2021, có 55,1% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 49,5% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,1% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 27,1% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 27% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,6% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 23,9% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 21,3% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 21,2% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.

Về khối lượng sản xuất, có 31% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2021 tăng so với quý IV/2020; 32% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 37% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 52% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 13,2% số doanh nghiệp dự báo giảm và 34,8% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 27,8% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2021 cao hơn quý IV/2020; 30,5% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 41,7% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 47,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 13,4% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 39,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý I/2021 so với quý IV/2020, có 25,3% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 29,4% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 45,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. Xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 37,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 15% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

5. Hoạt động dịch vụ

Trong tháng 3/2021, hoạt động thương mại trong nước và vận tải hàng hóa có dấu hiệu tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,4%) cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; vận tải hàng hóa tăng 5,3% so với tháng trước về lượng hàng hóa vận chuyển. Vận tải hành khách và khách quốc tế đến nước ta vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 405,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,42% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,01%).

Vận tải hành khách tháng Ba ước tính đạt 323,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 1,5% so với tháng trước và luân chuyển 12,9 tỷ lượt khách.km, giảm 5,8%. Tính chung quý I/2021, vận tải hành khách đạt 1.012,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,1%) và luân chuyển 42,2 tỷ lượt khách.km, giảm 20,9% (cùng kỳ năm trước giảm 8%). Vận tải hàng hóa tháng Ba ước tính đạt 153,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 5,3% so với tháng trước và luân chuyển 28,2 tỷ tấn.km, tăng 7,7%. Tính chung quý I/2021, vận tải hàng hóa đạt 472,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,1%) và luân chuyển 86,1 tỷ tấn.km, tăng 4,4% (cùng kỳ năm trước tăng 0,1%).

Hoạt động viễn thông quý I/2021 nhìn chung ổn định với doanh thu ước tính đạt 78,9 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 2,6%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 3/2021 ước tính đạt 19,4 nghìn lượt người, tăng 77,3% so với tháng trước và giảm 95,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 48,1 nghìn lượt người, giảm 98,7% so với cùng kỳ năm trước.

6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán

Dịch Covid-19 được khoanh vùng và kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế quý I/2021 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%); tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,68%).

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2021 ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 11%.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 12.433 tỷ đồng/phiên, tăng 19,6%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 174.324 hợp đồng/phiên, tăng 11%.

7. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản kiểm soát thành công tại Việt Nam. Đây cũng là động lực quan trọng để việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo của năm 2021.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 26,5% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 122,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,1% tổng vốn và tăng 7,5%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 290,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,2% và tăng 5,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 95,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,7% và tăng 6,5%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 234 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, giảm 69,1% về số dự án và tăng 30,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 161 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4%; có 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 805,3 triệu USD, giảm 58,8%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 179 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 281 triệu USD và 555 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 524,3triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý I/2021 có 14 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 140,2 triệu USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 431,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 572,1 triệu USD.

8. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước trở lại bình thường như thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đã tác động tích cực đến thu, chi ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng Ba. Chi đầu tư phát triển trong kỳ có chuyển biến tốt, trong đó đã hỗ trợ kịp thời để mua sắm vật phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2021 ước tính đạt 320,1 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 269 nghìn tỷ đồng, bằng 23,7%; thu từ dầu thô 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 28%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 44,1 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2021 ước tính đạt 264,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 196,8 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 39,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8,2%; chi trả nợ lãi 27,9 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4%.

9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

Quý I năm 2021 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021 ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%[5]. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.

a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[6]

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 02/2021 đạt 20.196 triệu USD, cao hơn 196 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2021 ước tính đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%. Trong quý I có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 54,7%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 43,2 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 27,1 tỷ USD, tăng 20,6%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 5,35 tỷ USD, tăng 7,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 34,3%; thị trường EU đạt 9,6 tỷ USD, tăng 14,2%; thị trường ASEAN đạt 6,5 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 5 tỷ USD, tăng 6,4%; Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, giảm 1,5%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 02/2021 đạt 20.656 triệu USD, thấp hơn 144 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 3/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với tháng trước và tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,05 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50,26 tỷ USD, tăng 31,5%. Trong quý I năm 2021 có 15 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 36,7%).

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 70,58 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 35,5 tỷ USD, tăng 28,4% và chiếm 47,1% (tăng 0,7 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 35,08 tỷ USD, tăng 25,1% và chiếm 46,6% (giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 4,73 tỷ USD, tăng 19,7% và chiếm 6,3% (giảm 0,3 điểm phần trăm).

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa quý I năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường ASEAN đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,3%; Nhật Bản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 4 tỷ USD, tăng 15,4%; Hoa Kỳ đạt 4 tỷ USD, tăng 12,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 02/2021 nhập siêu 460 triệu USD[7]; 2 tháng xuất siêu 1,63 tỷ USD; tháng Ba ước tính xuất siêu 400 triệu USD. Ước tính quý I năm 2021 xuất siêu 2,03 tỷ USD[8], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong quý I năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 869 triệu USD, giảm 77,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 34 triệu USD (chiếm 3,9% tổng kim ngạch), giảm 98,6%; dịch vụ vận tải đạt 70 triệu USD (chiếm 8,1%), giảm 86,9%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I năm nay ước tính đạt 4,98 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2,38 tỷ USD (chiếm 47,7% tổng kim ngạch), tăng 25%; dịch vụ du lịch đạt 900 triệu USD (chiếm 18,1%), giảm 34,8%. Nhập siêu dịch vụ quý I năm 2021 là 4,11 tỷ USD, gấp gần 5 lần kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và tăng 2,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

10. Chỉ số giá

Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Ba tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016[9]; CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua[10].

a) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020 tăng 0,29%; CPI tháng 3/2021 tăng 1,31% so với tháng 12/2020 và tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước và tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2021 tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2021 giảm 2,97% so với tháng trước; giảm 0,63% so với tháng 12/2020 và tăng 16,84% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2021 tăng 0,23% so với tháng trước; giảm 0,11% so với tháng 12/2020 và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.

b) Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2021 tăng 1,34% so với quý IV/2020 và tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 1,04% và tăng 0,27%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,01% và giảm 0,27%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,14% và 4,63%. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý I/2021 tăng 0,75% so với quý IV/2020 và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 1,54% và tăng 1,2%. Tỷ giá thương mại hàng hóa quý I/2021 giảm 0,78% so với quý IV/2020 và giảm 1,49% so với cùng kỳ năm trước.

11. Một số tình hình xã hội

a) Lao động, việc làm[11]

Tình hình lao động, việc làm cả nước trong quý I/2021 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng Một. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I/2020[12]

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2021 ước tính là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2021 ước tính đạt 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý I/2021 ước tính là 49,9 triệu người, bao gồm 14,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 28,2% tổng số, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,1 triệu người, chiếm 32,3%, giảm 2,6%; khu vực dịch vụ 19,7 triệu người, chiếm 39,5%, tăng 1%.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2021 ước tính là 2,19%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,96%; khu vực nông thôn là 1,76%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,42%, trong đó khu vực thành thị là 3,19%; khu vực nông thôn là 1,98%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2021 ước tính là 7,44%, trong đó khu vực thành thị là 10,34%; khu vực nông thôn là 5,99%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 ước tính là 2,20%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,52%; khu vực nông thôn là 2,60% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2020 tương ứng là 1,98%; 1,07%; 2,47%).

b) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Trong quý I năm nay, công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 với biến thể mới tái bùng phát trở lại từ cuối tháng Một. Bên cạnh việc chăm lo Tết cho người dân, tính đến ngày 23/3/2021, Chính phủ đã hỗ trợ cứu đói giáp hạt cho hơn 236,2 nghìn nhân khẩu với tổng lượng gạo là 3.393,5 tấn cho 7 địa phương: Quảng Bình, Lạng Sơn, Đắk Nông, Lai Châu, Gia Lai, Điện Biên và Sơn La. Như vậy từ tháng 6/2020 đến nay, đây là tháng thứ 10 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, có hơn 22,2 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên đại bàn cả nước.

c) Tình hình dịch bệnh

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp[13]. 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Mỹ, Bra-xin, Ấn Độ, Nga và Pháp. Tại Việt Nam, tính đến 6h00 ngày 28/3/2021 có 2.590 trường hợp mắc, 2.308 trường hợp đã được chữa khỏi (35 trường hợp tử vong).

d) Tai nạn giao thông

Trong quý I/2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.206 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 2.074 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.132 vụ va chạm giao thông, làm 1.672 người chết, 1.122 người bị thương và 1.264 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, gồm 23 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 13 vụ va chạm giao thông, làm 19 người chết, 13 người bị thương và 14 người bị thương nhẹ.

e) Thiệt hại do thiên tai

Tính chung 3 tháng đầu năm, thiên tai làm 3 người mất tích; 1 người bị thương; 459,5 lúa và hoa màu bị hư hỏng; gần 3,9 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 705 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I ước tính gần 42,1 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước.

g) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong 3 tháng đầu năm đã phát hiện 5.375 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 4.764 vụ với tổng số tiền phạt 55,5 tỷ đồng. Từ ngày 16/12/2020 đến ngày 15/3/2021, cả nước xảy ra 626 vụ cháy, nổ, làm 21 người chết và 39 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính là 161,2 tỷ đồng.

Khái quát lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới nhưng nhờ vào sự nỗ lực nghiên cứu và triển khai tiêm chủng vắc xin, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước./.

[1] Quý I/2020 tăng 0,04%.

[2] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp quý I các năm 2011-2021 lần lượt là: 3,65%; 2,66%; 2,01%; 2,03%; 1,58%; -2,69%; 1,38%; 3,97%; 1,93%; -1,16%; 3,19%.

[3] Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát trển nông thôn.

[4] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[5] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2020 đạt 123,02 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 63,39 tỷ USD, tăng 7,8%; nhập khẩu đạt 59,63 tỷ USD, tăng 3,9%.

[6] Số liệu tháng 3/2021 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê họp ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến ngày 25/3/2021 của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng. Tổng cục Thống kê nhận được và cập nhật báo cáo vào ngày 27/3/2021.

[7] Tháng Hai ước tính nhập siêu 800 triệu USD.

[8] Trong đó, quý I/2021 xuất siêu sang EU đạt 5,6 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 11,3 tỷ USD, tăng 65,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8 tỷ USD, tăng 12,2%; nhập siêu từ ASEAN 2,8 tỷ USD, tăng 159,9%.

[9] Tốc độ tăng CPI tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 1,69%; tăng 4,65%; tăng 2,66%; tăng 2,7%; tăng 4,87%; tăng 1,16%.

[10] Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2002-2021 lần lượt là: tăng 2,95%; tăng 3,82%; tăng 4,23%; tăng 9,07%; tăng 8,31%; tăng 6,58%; tăng 16,37%; tăng 14,47%; tăng 8,51%; tăng 12,79%; tăng 15,95%; tăng 6,91%; tăng 4,83%; tăng 0,74%; tăng 1,25%; tăng 4,96%; tăng 2,82%; tăng 2,63%; tăng 5,56%; tăng 0,29%.

[11] Số liệu được tính toán theo khung khái niệm mới của Tổ chức Lao động quốc tế, tiêu chuẩn ICLS 19.

[12] Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,34%; tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 1,98%.

[13] Tính đến 6h00 ngày 28/3/2021 trên thế giới có 127.249,6 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (2.788,4 nghìn trường hợp tử vong).

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả