Báo Anh nói Nga mua thêm hơn 100 tàu chở dầu
Nga mua thêm 103 phương tiện cũ trong năm nay để thành lập một đội tàu chở dầu đối phó với các lệnh trừng phạt phương Tây, theo Financial Times.
Tờ Financial Times, trụ sở London, Anh, thuộc sở hữu của tập đoàn Nikkei, Nhật Bản, ngày 3/12 dẫn nguồn tin từ các nhà môi giới vận tải biển cho biết số tàu này được Nga mua lại trực tiếp hoặc gián tiếp trong năm nay, trong đó có những tàu chở dầu từng được sử dụng tại Iran và Venezuala, hai quốc gia cũng chịu lệnh cấm vận dầu mỏ từ phương Tây.
"Nhiều tàu chở dầu được bán cho những người mua giấu tên vài tháng gần đây. Vài tuần sau đó, một số tàu xuất hiện ở Nga để nhận chuyến dầu thô đầu tiên", Craig Kennedy, chuyên gia dầu mỏ tại Davis Center, Đại học Havard, người theo dõi quá trình mua đội tàu cũ của Nga, nói.
Đội tàu này được cho là vận chuyển dầu cho các khách hàng lớn của Nga như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi châu Âu quay lưng với năng lượng từ Moskva. Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tàu chở dầu tại công ty môi giới vận tải biển Braemar, Anh, cho biết các tàu này có tuổi đời từ 12-15 năm, dự kiến hết tuổi thọ vận hành trong vài năm tới.
Điện Kremlin chưa bình luận thông tin về đội tàu này.
Braemar tháng trước báo cáo với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng các công ty Nga có thể đã mua 29 siêu tàu chở dầu (VLCC), mỗi tàu có khả năng chở hơn 2 triệu thùng dầu thô, 31 tàu có sức chở 1 triệu thùng và 49 tàu Aframax chở 700.000 thùng/tàu.
Andrei Kostin, giám đốc điều hành ngân hàng nhà nước Nga VTB, hồi tháng 10 tuyên bố Moskva cần phải chi ít nhất 16,2 tỷ USD để "mở rộng đội tàu chở dầu". Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hồi tháng 3 cũng cho biết nước này sẽ xây dựng "chuỗi cung ứng" dầu mỏ riêng.
Thông tin về đội tàu chở dầu của Nga xuất hiện trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) cùng các cường quốc thuộc nhóm G7 ngày 2/12 nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ của Nga.
Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, ngăn các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho những lô dầu Nga được bán cao hơn giá đã định. Dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển chiếm 2/3 lượng nhập khẩu mặt hàng này của EU, số còn lại được chuyển qua đường ống.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng mức trần 60 USD/thùng sẽ khó tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính với Nga, dù có thể kiềm chế giá tăng vọt.
Mức giá này cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất của Nga và gần với mức giá mà dầu mỏ Nga đang được giao dịch, đồng nghĩa nó có thể không mang lại nhiều tác động trực tiếp. Giá dầu thô Urals của Nga hiện được giao dịch ở mức khoảng 65 USD/thùng.
Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác cũng có thể tiếp tục mua dầu Nga mà không tuân thủ giá trần nếu chúng được vận chuyển hoặc bảo hiểm bởi các công ty ngoài châu Âu.
Tuy nhiên, chuyên gia Kennedy từ Đại học Havard nói Nga sẽ cần một đội tàu "cực lớn" để có thể vận chuyển toàn bộ số dầu của mình.
Ông cũng đặt câu hỏi về khả năng sử dụng VLCC của Moskva, bởi chúng quá lớn để lấy hàng tại các cảng của Nga, kể cả khi một số có thể được sử dụng để chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác.
Giới phân tích phương Tây cho rằng Moskva vẫn thiếu tàu chở dầu và có thể gặp khó khăn trong những tháng đầu năm sau để duy trì xuất khẩu, điều sẽ làm giá dầu tăng lên.
Ông Kenedy nói xuất khẩu dầu Nga có thể giảm sâu hơn nữa khi lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm lọc dầu của Nga có hiệu lực từ tháng 2/2023. Moskva sẽ cần nhiều tàu chở dầu hơn để thực hiện các hành trình xa hơn tới khách hàng mới ở châu Á.
"Nga sẽ cần hơn 240 tàu chở dầu để duy trì nhịp độ xuất khẩu hiện tại", Viktor Kurilov, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Rystad của Na Uy, nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận