Bank of America: 78% nhà đầu tư cho rằng thị trường đang bị định giá cao
Khẩu vị rủi ro đã tăng đáng kể trong tháng 6 khi các nhà đầu tư giảm nắm giữ tiền mặt và các quỹ phòng hộ cũng gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quản lý quỹ đều cho rẳng, thị trường chứng khoán đang bị định giá quá cao, theo khảo sát của Bank of America Corp (BofA).
BofA đã khảo sát 190 nhà quản lý quỹ với tổng tài sản trị giá 560 tỷ USD như một phần của cuộc thăm dò quan điểm thị trường chứng khoán toàn cầu.
Cuộc khảo sát kéo dài 7 ngày và kết thúc vào ngày 11/6 cho thấy, các nhà quản lý quỹ đã giảm tỷ trọng tiền mặt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2009 còn 4,7% để đuổi theo đà tăng của thị trường chứng khoán. Khi chỉ số S&P 500 tăng hơn 30% kể từ mức thấp nhất trong năm nay, các quỹ phòng hộ đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên 52%, mức cao nhất kể từ 2018, theo cuộc khảo sát cho thấy.
Tuy nhiên, chỉ có 18% số nhà quản lý quỹ được khảo sát kỳ vọng sự hồi phục kinh tế hình chữ V và có tới 64% người kỳ vọng kinh tế sẽ hồi phục theo hình chữ U hoặc chữ W, theo dữ liệu từ BofA.
Trong khi đó, có tới 78% các nhà quản lý quỹ được khảo sát, đây là mức lớn nhất kể từ năm 1998, tin rằng thị trường đang được định giá quá cao và 53% số nhà quản lý quỹ cho rằng đây là đà tăng điểm trong một thị trường con gấu.
Khi các biện pháp phong toả kết thúc ở một số nền kinh tế lớn, nhiều nhà đầu tư đã đặt cược vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng họ không kỳ vọng sản xuất toàn cầu có thể mở rộng trở lại trước tháng 10.
Biểu đồ thể hiện khảo sát của BofA về đánh giá của các nhà quản lý quỹ về thị trường chứng khoán hiện tại
“Cuộc khảo sát cũng cho thấy kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tăng vọt so với cuộc khảo sát vào tháng 5 khi tỷ lệ nắm giữ tiền mặt rơi xuống mức thấp và khẩu vị rủi ro tăng cao. Phố Wall đã trải qua đỉnh cao của sự bi quan nhưng sự lạc quan trong tháng 6 rất mong manh và dễ bị tác động mạnh”, Michael Hartnett, chiến lược gia của Bank of America cho biết.
Cuộc khảo sát của BofA được diễn ra vào thời điểm không chắc chắn đối với nhiều nhà đầu tư tham gia trên thị trường sau khi S&P 500 giảm mạnh vào tuần trước vì lo ngại làn sóng lây nhiễm lần thứ 2 và lo ngại về việc kinh tế hồi phục sẽ không nhanh chóng như mong đợi.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý quỹ, các quỹ hưu trí cũng cho thấy sự sụt giảm lớn nhất trong tỷ trọng nắm giữ tiền mặt trong khi các nhà bán lẻ hay quỹ tương hỗ vẫn đang nắm giữ nhiều tiền mặt, theo BofA.
Tháng 6 cũng là thời điểm mà các cổ phiếu ít phổ biến và rủi ro cao hơn như các cổ phiếu vốn hoá nhỏ, cổ phiếu giá trị, khu vực đồng euro và thị trường mới nổi đều gia tăng mạnh.
Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ đặt cược vào suy thoái kinh tế toàn cầu trong 12 tháng tới đã giảm xuống còn 46%, với 35% số người được hỏi kỳ vọng GDP toàn cầu sẽ có đối mặt với một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn nhiều.
13% số nhà quản lý quỹ được khảo sát cho thấy các chính sách tài khoá hiện đã quá mạnh mẽ.
65% các nhà quản lý quỹ muốn các công ty giữ tiền mặt để cải thiện bảng cân đối kế toán, trong khi 25% muốn tăng đầu tư và chỉ 5% muốn thanh toán cổ tức cho các cổ đông.
Các nhà quản lý quỹ đã giảm tỷ trọng các cổ phiếu công nghệ, dược phẩm và truyền thông cũng như đang xem xét lại các cổ phiếu vật liệu và năng lượng.
Trong thập kỷ tới, 67% các nhà quản lý quỹ cho rằng lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán hàng năm có thể rơi vào mức 0 – 5% hàng năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận